Trên trang TRI THỨC VN có một bài đăng rất hay về cái thôn nơi Gia Cát Lượng, một nhân vật nổi tiếng nhất trong TAM QUỐC DIỄN NGHĨA đã sinh sống. Giờ đây, cái thôn này mang tên Bát Quái, với một hồ nước trong làng xây dựng theo âm dương ngũ hành.
Nhiều chuyện kỳ lạ đã xảy ra ở đây, nó như sự kỳ lạ cuộc đời Gia Cát Lượng, kể cả lúc ông mất đi việc chôn cất cũng kỳ lạ mà ngàn năm sau không giải thích được.
VIỆC CHÔN CẤT SAU KHI CHẾT ĐẦY BÍ ẤN CỦA GIA CÁT LƯỢNG
Gia Cát Lượng dường như biết trước cái chết của mình, và cũng chuẩn bị mọi việc để ông được chôn ở một nơi mà người đời sau nếu có oán cũng không thể tìm được mộ ông mà phá phách. Ngày đó, người ta coi trọng xương cốt và nơi chôn người chết. Cách thức để chôn ông đã được dặn trước khi chết, quá trình diễn ra khiến nhiều người hoảng sợ và cả nghìn năm sau, hậu thế đến nay vẫn chưa thể giải mã.
Gia Cát Lượng (181 – 234) là một nhà tư tưởng, một nhà quân sự lỗi lạc thời kỳ Tam Quốc, là tượng trưng của trí tuệ Trung Quốc cổ đại. Trong thời gian làm mưu sĩ cho Lưu Bị, nhờ có phương pháp chiến lược hơn người, ông đã giúp chủ tướng Lưu Bị giành nhiều chiến công hiển hách, trở thành đối tượng đáng sợ nhất trong mắt rất nhiều đối thủ.
Gia Cát Lượng cũng là một nhà quân sự danh tiếng trong sử sách. Những gì ghi chếp lại cho thấy ông trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Chính vì lẽ đó nên ông cũng hết sức coi trọng việc chọn nơi an nghỉ cho chính mình sau khi chết, đồng thời có nhắn nhủ gia nhân rất kỹ về việc này.
Trung Quốc thời cổ đại, việc an táng được con người thực hiện rất cầu kỳ, đặc biệt là chú trọng đến việc chọn huyệt tại nơi an táng vì nó liên quan tới vận con cháu, các thế hệ sau này ăn nên làm gia hay lụn bại. Gia Cát Lượng cũng đã tính toán để con cháu sau này có đường phát triển nên cũng đã dặn dò gia nhân rất rõ ràng và kỹ lưỡng nơi chôn cất, cách thức chon cất mình sau khi chết.
Trong rất nhiều tài liệu lịch sử của Trung Quốc đều ghi chép lại và có thể hình dung như sau: Gia Cát Lượng muốn được an táng tại núi Định Quân (nay nằm ở phía nam huyện Miễn, thuộc tỉnh Thiểm Tây). Theo ông, nếu để ông nằm đây thì sau khi chết có thể bảo vệ cả một vùng biên cương nước Thục, không cho phép kẻ địch quấy rầy. Sau nữa, ông cũng không hy vọng kẻ thù tìm thấy phần mộ của mình nên Định Quân là lựa chọn tốt nhất về mặt phong thủy.
Lúc lâm chung Gia Cát Lượng dặn dò rằng mình muốn an nghỉ trên núi nhưng địa điểm chính xác vẫn chưa chọn được mà cần đặt di thể của ông vào quan tài sau đó sẽ được khiêng lên núi, ông sẽ là người chọn vị trí huyệt mộ bằng cách trên đường di chuyển nếu phát hiện dây thừng khiêng quan tài đứt ở đâu thì chôn ngay chỗ đó.
Khi các binh sĩ khiêng quan tài của Gia Cát Lượng đến núi Định Quân thì dây thừng đứt, mọi người chôn ông tại đây. Gần 2000 năm, chưa ai có thể lý giải được điều lạ lùng này, và cũng chưa ai biết phần mộ thực sự của ông nằm chính xác chỗ nào.
CỔ THÔN “GIA CÁT BÁT QUÁI” MỆNH DANH “KỲ LẠ ĐỆ NHẤT THÔN”
Thôn Gia Cát bát quái ở Lan Khê, tỉnh Triết Giang là một ngôi làng có bố cục hình Bát Quái và được mệnh danh là thôn kỳ lạ nhất của Trung Quốc. Thôn Gia Cát nổi bật với bố cục tinh xảo, được ví như chốn bồng lai tiên cảnh ở nơi trần gian. Đây chính là nơi hiện nay con cháu hậu duệ Gia Cát Lượng sinh sống.
Người ta nói rằng nếu không được người trong thôn dẫn đường, người lạ sẽ chỉ có thể đi vào mà không thể ra được bởi các đường phố, ngõ ngách đều quanh co và thâm sâu như một “TRẬN ĐỒ BÁT QUÁI”, dễ khiến người lạ bị mất phương hướng.
Buổi tối ở thôn Bát Quái, du khách và người dân có thể ra ao thả đèn Khổng Minh, ngâm “Giới Tử Thư” để tu thân dưỡng tính, và nghỉ lại một đêm để cảm nhận cuộc sống chậm rãi của cổ thôn.
CỬU CUNG BÁT QUÁI
Mỗi một ngôi nhà trong thôn Gia Cát được xây dựng theo kiến trúc mặt trước đối nhau và mặt lưng dựa vào nhau, còn ngõ ngách thì chạy ngang dọc giống như một mê cung.
Nguồn gốc của thôn Gia Cát được ghi chép rằng, Gia Cát Đại Sư (cháu trai đời thứ 28 của Khổng Minh – Gia Cát Lượng) sau khi định cư tại Cao Long đã vận dụng kiến thức phong thủy học âm dương mà mình tự tìm hiểu, dựa theo cấu tứ cửu cung bát quái để thiết kế ra toàn bộ bố cục của thôn một cách tỉ mỉ.
Ông lấy hồ lớn (chung trì, nửa đất nửa nước) có hình thái cực làm trung tâm, tiếp đó, 8 con đường nhỏ phóng ra ngoài hình thành nên “nội bát quái”. Điều kỳ diệu chính là bên ngoài thôn lại có 8 ngọn núi nhỏ bao quanh, cấu thành nên “ngoại bát quái”.
Các ngôi nhà trong thôn được xây dựng phân bố ở 8 con đường nhỏ này. Tuy rằng đã trải qua hàng trăm năm, nhiều đời hưng vượng, nhà cửa càng ngày càng mọc lên nhiều, người dân cũng đông đúc hơn, nhưng bố cục tổng thể của cửu cung bát quái vẫn không hề thay đổi. Chính vì có bố cục bát quái độc đáo này mà thôn Gia Cát được xưng là thôn kỳ lạ nhất của Trung Quốc. Những căn nhà ở thôn Gia Cát cũng đều đã hơn trăm năm tuổi.
Theo những người am hiểu, tính năng phòng vệ đặc biệt của bố cục bát quái rất cao. Có chuyện kể rằng, trong cuộc chiến tranh Bắc phạt năm 1925, bộ đội của Tiêu Kính Quang thuộc quân cách mạng quốc gia phía Nam và bộ đội quân phiệt của Tôn Truyền Phương chiến đấu ác liệt trong ba ngày liên tiếp ở cạnh thôn Gia Cát, nhưng không có bất kỳ một viên đạn nào lọt vào trong thôn. Toàn bộ thôn Gia Cát vẫn bình an vô sự như lúc hòa bình. Còn vào thời kỳ kháng Nhật, một đội quân Nhật đi qua con đường lớn trên đồi Cao Long ở bên ngoài thôn, nhưng lại không hề phát hiện ra kỳ thôn này.
Chính nét kiến trúc độc đáo, các ngôi nhà đều có mặt đối nhau, lưng áp vào nhau, đường đi ngang dọc đan xen nhau, khiến đường đi giống như đường thông nhưng lại là đường cụt. Khi người ngoài tự ý vào thôn, nếu như không có người quen thuộc dẫn đường, thì thông thường vào dễ nhưng không biết lối ra vì bị mất phương hướng.
BA ĐIỂM KỲ LẠ KHIẾN GIA CÁT TRỞ THÀNH “ĐỆ NHẤT KỲ THÔN”
Thôn bát quái Gia Cát quả thực là đệ nhất kỳ thôn của Trung Quốc đại lục. Gia Cát thôn có ít nhất ba điểm kỳ lạ:
Điểm kỳ lạ thứ nhất: người dân trong thôn phần lớn là đời sau của Khổng Minh Gia Cát Lượng, vị tể tướng tài năng của nước Thục. Nói cách khác, hầu hết người trong thôn đều mang họ Gia Cát. Chỉ có rất ít người không phải là thành viên dòng họ Gia Cát và những người phụ nữ dòng họ khác được gả vào gia tộc Gia Cát sinh sống trong thôn. Theo thống kê, trong cả nước Trung Quốc, hậu nhân của Gia Cát Lượng hiện tại có khoảng 16.000 người, nhưng chỉ riêng thôn Gia Cát đã tụ họp một phần tư, tức là khoảng 4.000 người. Vậy nên, điều này là một điểm khiến Gia Cát trở thành “Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn”.
Điểm kỳ lạ thứ hai: bố cục tinh xảo huyền diệu của ngôi làng. Nhìn từ trên cao, toàn bộ thôn hiện ra hình bát quái, với bố cục nhà cửa, đường phố, và hướng đi trùng khớp với cửu cung bát quái trận của Gia Cát Lượng mà lịch sử vẫn ghi chép.
Điểm kỳ lạ thứ ba: giá trị nghệ thuật. Gia Cát là nơi bảo tồn nguyên vẹn rất nhiều văn vật và kiến trúc cổ của ba đời Nguyên – Minh – Thanh. Dẫu triều đại thay đổi, xã hội rối ren, nhiễu loạn, chiến tranh liên miên trong hơn 700 năm, và dẫu có bao nhiều danh lầu cổ tự, lâm viên đài các, hoặc thành tro bụi trong chiến hỏa, hoặc bị hủy hoại do thiên tai, nhưng thôn Gia Cát lại giống như chốn bồng lai tiên cảnh ở nhân gian, xa rời được chiến hỏa, né tránh được thiên tai và thoát khỏi được nhân họa.
Các hậu nhân của tướng Gia Cát Lượng sống tập trung trong thôn Gia Cát, thuận theo thời gian đã hình thành nên lối sống và phương thức sinh hoạt khác với những người dân bên ngoài. Họ có cách sống đơn giản mà thú vị tuyệt vời. Nhà thư pháp Gia Cát Cao Phong, cháu đời thứ 42 của Gia Cát Lượng cho biết, trong thôn “đêm không cần đóng cửa, ngoài không nhặt của rơi”.
Ngoài ra, nếu để ý một chút, những ngôi nhà của hai gia đình trong ngõ hẻm mặc dù đối diện với nhau nhưng cửa nhà thì lại không đối nhau, mà là lệch nhau một chút, không nhà nào là ngoại lệ. Người dân địa phương gọi cách làm này là “môn bất đương, hộ bất đối ”. Theo các hậu duệ Gia Cát, loại kiến trúc này có lợi cho quan hệ hàng xóm. Nếu như “cửa đối cửa” thì khi người nhà hai gia đình ra vào mỗi ngày, qua lại quá nhiều sẽ dễ làm nảy sinh mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn xảy ra mà vẫn phải đối mặt mỗi ngày, thì oán sẽ tích lại càng nặng hơn, càng khó giải quyết. Còn khi “cửa không đối cửa” như vậy thì vấn đề cũng được giải quyết dễ dàng hơn. Đây chính là cách để mọi người sống yên ổn đoàn kết. Chỉ có hậu nhân của Gia Cát Lượng mới nghĩ ra được cách đơn giản mà hiệu quả như vậy.
Người dân trong thôn Gia Cát chủ yếu vận dụng kiểu kiến trúc tứ hợp viện, nghĩa là bốn phía đóng kín, ở chính giữa có một khoảng không gian là sân chung. Lối đi phía trước căn nhà thường cao hơn lối đi phía sau, mỗi khi trời mưa, hầu hết toàn bộ nước mưa đều tập trung vào vườn nhà. Các hậu nhân Gia Cát gọi cách làm này là “phì thủy bất ngoại lưu” (nước phù sa không chảy ra ngoài).
Vẻ đẹp của thôn Gia Cát bát quái quả đúng là kỳ mỹ. Phong cách kiến trúc mang màu sắc cổ xưa ấy làm người ta say mê trước nét đẹp thẩm mỹ tuyệt vời. Những chiếc cổng vào được chạm khắc hoa văn, những viên gạch lát Tô Châu màu tro trên nền trắng của bức tường, kết hợp với mái hiên và cửa gỗ tương xứng, tất cả tạo nên một không gian đẹp mắt, hài hòa. Không ít nhà có cả vườn hoa, núi đá giả, hoa đỏ, cỏ xanh và những lối đi quanh co. Màu sắc văn hóa cổ xưa, kết hợp với kiến trúc cổ, điêu khắc gỗ, thư pháp, hội họa đã tạo nên một kiệt tác nghệ thuật hợp nhất trong kỳ thôn Gia Cát.