Nhựa Phân Huỷ Sinh học: lời giải cho vấn đề rác thải nhựa của Việt Nam?         

12/08/2020 10:50

(230)


Từ đầu tháng 8/2019, các cơ quan nhà nước  đã chính thức khai tử các mặt hàng nhựa dùng 1 lần như chai nước, hộp thức ăn, túi đựng trong khuôn khổ sinh hoạt từng đơn vị chính quyền. Đây là đòn chính quy đánh vào sản phẩm nhựa để tăng viện chủ lực cho mặt trận du kích chiến nhân dân đang phát động của toàn xã hội với phong trào rầm rộ từ đầu năm 2019 “Nói KHÔNG với Túi Nylon”, cá biệt có nơi còn cơ bắp toàn thân hơn với khẩu hiệu “Say NO to Plastic”.

Như vậy, vô hình trung cả xã hội đã hô hào tẩy chay sản phẩm Nhựa các loại –bị định danh như tội đồ của môi trường… Điều này đã tạo khái niệm ít nhiều lầm lạc trong cộng đồng làm người ta ác cảm với Nhựa, định hình thành kiến “nhìn đâu cũng thấy hung thủ nhựa” làm ô nhiễm cuộc sống mà chính người ta đưa nó hiện diện khắp nơi. Điều đó có đúng hay không?

Quả nhiên, khi “nhìn đâu cũng thấy Nhựa” ở một góc nhìn khác thực tế hơn, thì phải thừa nhận rằng sản phẩm Nhựa, vượt trên tất cả, đã quá quen thuộc và là tiện ích đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Nhưa – với những ưu điểm nổi trội không thể chối cãi, đã thiết thực phục vụ cho mọi lĩnh vực sản xuất, kinh tế mọi ngành nghề và sinh hoạt tiêu dùng của mọi người từ thứ cao cấp nhất như tiền polimer, sản phẩm ngành hàng không – hàng hải, sản phẩm tin học – viễn thông… cho đến những thứ bình dân nhất như bàn ghế, chai nước, túi xách. Đại khái đâu đâu cũng đều thấy Nhựa ! Chính vì thế mà oái ăm ở chỗ “đầu ra” của cuộc sống tiêu dùng, chỗ nào cũng thấy Rác thải Nhựa trong mắt mọi người như 1 hệ lụy nghịch lý của phát triển.

Rõ ràng tên tội đồ Nhựa ai cũng hè nhau hài tội nhưng cũng từng đều đã và đang sử dụng thoải mái mà chưa hề nghĩ là nó “gian ác” như vậy cho đến khi được biết là rác từ nó, không được thu gom, phân loại, tái sinh hay xử lý, mà thay vào đó quăng tứ tung ra môi trường, đang thành mối ô nhiễm to lớn về môi trường. Thống kê của Ellen MacAthur Foundation cho biết cho 78 triệu tấn nhựa hàng năm được dùng cho bao bì trên thế giới, thì chỉ có 14% là được thu gom để tái sinh, 14% được đốt, 40% được chôn ở những bãi rác cùng các rác thải khác và 32% bị quăng bừa bãi ra môi trường! 

Thực chất là chúng ta đang lên án 1 tội ác môi trường do chính chúng ta gây ra khi xử sự vô ý thức với 1 sản phẩm tiện ích cho chúng ta nhưng do bất lực trong kiểm soát và xử lý, chúng ta lại đổ thừa cho nó ! Và rồi cứ theo tâm thức quen thuộc “không quản lý được thì cấm”! như là một liều thuốc cho sự thiếu trách nhiệm, hay bất lực trong xử lý vấn đề.

 Ở các nước tiên tiến, gần như Nhật, Singapore, Hồng Kông, xa như Dubai, hay xa hơn nữa như Đức, các quốc gia Bắc Âu, Thuỵ Sĩ… người ta đã xử lý tốt vấn đề rác thải, trong đó có rác thải nhựa. Điều này lý giải tại sao Việt Nam lại nằm trong danh sách 4 quốc gia làm ô nhiễm biển lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines Trong khi sản lượng nhựa tiêu thụ của Việt Nam chỉ bằng 1/7 của Mỹ.

Lý do là chúng ta không quản lý và tổ chức xử lý được lượng rác thải phát sinh. 

Bao bì không chỉ có công dụng bảo quản sản phẩm, giảm hư hại, mà còn giúp cải thiện vệ sinh và an toàn thực phẩm, phân phối hiệu quả đến người tiêu dùng. Theo thông tin của Tổ chức Sức khỏe Liên Hiệp Quốc (WHO) thì số sản phẩm hư hao trên đường từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng ở các nước công nghiệp không quá 2%, con số này ở các nước phát triển lên đến 50% ! Sự thiếu hụt thực phẩm ở nhiều nước đang phát triển không chỉ bởi hạn hán, mất mùa, lụt lội, mà còn bởi sự phung phí nguồn lương thực một cách kinh khủng do không có bao bì thích hợp cho các khâu vận chuyển, kho bãi, phân phối và bảo quản.

Nhựa với các tính năng vượt trội như ở (hình 6) đã là một lời giải và nguyên liệu tối ưu cho ngành bao bì, đặc biệt là bao bì thực phẩm. Vì thế sẽ là so sánh khập khiễng khi nói chỉ có 14% nhựa được tái sinh, so với giấy 58% khi giấy hầu như không thích hợp cho bao bì thực phẩm… Nếu lấy sản phẩm nhựa cho bao bì như túi siêu thị (mọi người hầu như sử dụng nhiều lần, và lần sau cùng làm túi đựng rác), hay cửa nhựa, pallet nhựa, két nhựa… thì có thể nói tỉ lệ tái sinh là trên 80%.

(Hình 6)

Bản chất của vấn đề này là ta đang phát động cho xã hội CHỐNG cái gì ? Khó có thể tưởng tượng là ta phải chống lại 1 sản phẩm tiện ích quá mức cấp thiết phổ biến.không dễ gì thay thế trong mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành, mọi nghề và đã quá quen thuộc như 1 nhu cầu tiêu dùng tự nhiên khi cần. Cốt lõi theo quan điểm về pháp lý, xã hội hay đạo đức, tội lỗi là thuộc phạm trù

HÀNH VI chứ không thuộc về BẢN CHẤT ở đây, không thể coi 1 loại hàng ưu việt đại chúng là thủ phạm của 1 vấn nạn xã hội được.

Theo cách hiểu đó và các số liệu chứng minh trên thực tế, ô nhiễm môi trường do rác nói chung và rác thải nhựa nói riêng, hoàn toàn do hành vi xả thải của người sử dụng và sự tắc trách, hoặc thiếu năng lực của quản lý nhà nước, chứ không phải do sản phẩm nhựa.

Y như vậy, tai nạn bị chai đập bể đâu hay dao chém trọng thương không phải thủ phạm là cái chai đựng rượu hay con dao làm bếp, chặt cây, mà chính là hành vi bật cập của người sử dụng nó. Nhựa không phải là thủ phạm mà chính là chúng ta. Không có người tiêu dùng thì không thể có rác của Nestle’, của Coca Cola, của Exxon Mobile như những dữ liệu ta thấy ở đây.

Và ở đây chúng ta có thể đòi hỏi trách nhiệm xã hội của mỗi chúng ta và từ các tập đoàn chung tay giải quyết vấn đề. Công nghệ có th cho tái sinh từ chai đã dùng rồi thành chai mới cho thực phẩm qua việc nối lại các chuỗi phân tử bị đứt, tẩy sạch mùi và các tạp chất theo đúng qui định của FDA….

Tuy nhiên do bị dính thực phẩm và các chất nó đóng gói, cũng như bản thân bao bì nhựa đa số cũng được kết hợp nhiều thiết kế khác nhau nhằm tối ưu hoá về chức năng cũng như giá thành, vì thế sẽ không thể tái sinh để dùng lại cho bao bì cao cấp. Thế nhưng, nhiều công nghệ xử lý rác thải nhựa phức hợp đã có và chúng chỉ được hoàn thiện, cải tiến cho hiệu quả và kinh tế hơn khi ta áp dụng chúng, từ tái sinh (Material recycling cũng như feedstock recyling – Hydrolyse và Pyrolyse), cho đến đốt rác lấy năng lượng sinh điện.

Cho nên không làm, mà chỉ hô hào chống  Nhựa thì ta sẽ dùng thứ nào thay thế cho nó ? – Túi “nhựa tự hủy”  thân thiện môi trường hay Bao bì nhựa dùng nhiều lần hoặc Sản phẩm bao bì thay thế có nguồn gốc hữu cơ  hay có thể triệt để hơn cả là loại sản phẩm bao bì với chất liệu khác hoàn toàn như thủy tinh, gỗ giấy, sành sứ, kim loại ?

Trong thực tê, đã từng có những ứng dụng như vậy để nhằm loại bao bì nhựa ra khỏi vai trò chức năng lâu nay của nó ! Hậu quả có được từ thực tiễn sử dụng đã được sở Môi trường Liên Bang CHLB Đức chỉ ra như kết quả:

Và liệu nó có thể thay thế hiệu quả cho những sản phẩm bao bì Nhựa quá tiện lợi, thân thiện với môi trường và kinh tế khi so sánh nó với những sản phẩm được dùng thay thế nó? Muôn ngàn thí dụ, minh họa, dẫn chứng đều cho thấy đây quả là chuyện không hề dễ dàng và thậm chí với yêu cầu đồng bộ trong công nghệ, kỹ thuật hiện đại, việc thay thế bằng chủng loại khác phi plastic là bất khả thi.

Ơ chiều hướng thay thế bằng những sản phẩm cùng công năng để loại bỏ Nhựa, ta đã thấy những kết quả tạm gọi là thực tế như sau ở Việt  Nam :

– Trong thay thế bằng túi nhựa tự hủy ở môi trường thải : Người ta đã thấy “hiệu quả” của nó là sau vài tuần, vài tháng vứt bỏ, những chiếc túi này mủn ra và tự vùi xuống ngay chân nó. Hóa ra nó không bị “phân hủy” mà đang “phân rã” dưới tác động bức xạ UV của mặt trời, gió, nước, đất, ấm độ không khí…Túi nhựa tự hủy đó tan rã kết cấu ra thành những vi hạt nhựa xâm nhập vào đất, nước rồi đi vào chuỗi thức ăn làm khả năng nhiễm độc cơ thể của “động vật” đứng cuối chuỗi thức ăn là con người càng kinh khủng hơn. Thấy nó “dường như không gây ô nhiễm” theo trực quan nhưng chính ra nó còn nguy hại hơn cái ô nhiễm mà người ta có thể thấy được mà xử lý. Sản phẩm nhựa “thân thiện môi trường” nửa vời này làm ta khó kiểm soát hơn cái ô nhiễm thực sự cho môi sinh và sức khỏe con người.

Thay thế bằng nhựa phân huỷ sinh học thật sự, có nghĩa nhựa này sẽ bị các vi khuẩn trong môi trường (đất, nước….) ăn và biến thành phân cùng khí CO2…

– Trong thay thế bằng bao bì nhựa dùng nhiều lần: Người ta đã thấy những túi nhựa PVC, PP, PEHD với độ dày đáng kể thay thế những chiếc túi PELD, màng PVC mỏng lét dùng vài lần cũng bị bong tróc, rách nát quẳng ra đầy đường, có khi chứa những thứ trời ơi đất hỡi làm chùn chân người thu gom, còn những chiếc hộp đựng thức ăn, thùng đá nhựa PS vỡ vụn lổn ngổn trên phố trong cơn mưa hay lênh đênh từng cụm trên sông biển như những con thuyền không bến. Sản phẩm nhựa “thân thiện môi trường dùng nhiều lần” này làm ô nhiễm môi trường kiểu xấu xí bôi bác ở góc độ cảnh quan, làm ách tắc đường xá, sông ngòi, cống rãnh, biển cả ở góc độ tác hại. Khi phân tích nguồn gốc rác nhựa đại dương, thì Việt Nm chúng ta đứng thứ tư, sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines.

– Trong thay thế bằng bao bì có nguồn gốc hữu cơ, thiên nhiên: Các nhà khoa học thấy rằng để chế tạo các sản phẩm bao bì có khả năng phân hủy sinh học compostable 100%, người ta phải canh tác, tức là phải phá bỏ thảm thực vật tự nhiên và hệ sinh thái liên quan tới nó, sử dụng nhiều loại phân hóa học, thuốc trừ sâu v.v. và tất cả các hoạt động như vậy đều dẫn tới thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường chưa kể giá thành chiếc túi sẽ không hề rẻ. Đã có các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng bao bì được sản xuất với nguyên liệu là các chất hữu cơ dễ phân hủy sẽ làm giảm chất lượng thực phẩm và có thể tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người sử dụng và riêng việc sản xuất túi giấy hoặc túi bằng vải bông thậm chí còn tốn nhiều nước và năng lượng hơn rất nhiều so với túi nhựa. Kiểu thay thế này đâm ra rước vào mình các thiệt hại môi trường & kinh tế to lớn, lâu dài chỉ để tránh được 1 tác hại trước mắt mà có thể giải quyết bằng hành động hữu hiệu thực tế. Phải kiếm được phương thức tối ưu hơn để đi theo hướng khả quan này nhưng chắc phải lâu dài chứ không dễ là lúc này.

– Trong thay thế bằng sản phẩm bao bì chất liệu khác, không phải nhựa : Người ta vẫn thấy ở nó cái ý nghĩa thực chất không khác là “vũ như cẩn” như tình trạng bao bì chứa đựng, bảo quản thời trước những ngày đồ nhựa lên ngôi, tương tự như 1 bước lùi đời sống để “quay về với tự nhiên”, “tìm lại quá khứ” cho nó tiện, nó lành… Kiểu sống cần bền vững chứ không cần tiện ích này giống như người ta đang giải tỏa lại bao nhiêu công trình để khôi phục những hồ chứa, kênh rạch đã san lấp mặt bằng xây dựng trước đây mà thoát nước đô thị khi nước ngập đã thành vấn nạn thời sự, vừa tốn kém, vừa lẩm cẩm thay vì phải có chủ trương phương án để quy hoạch, kiểm soát, xử lý. Chưa kể vấn đề cực kỳ quan trọng, đặc thù là có rất nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần như chai nhựa vaccine, trụ sinh, chai đựng dung dịch tiêm truyền, nhất là bao bì rút chân không… không thể thay thế được bằng chai thủy tinh, bao bì kim loại, có giá thành cao, khó vận chuyển, bảo quản và khi sản xuất, xử lý, vừa khó định hình vừa có tác động môi trường còn lớn hơn chai nhựa.

…Trên con đường tìm kiếm 1 sản phẩm bao bì thay thế nhựa bằng chất liệu khác nhưng vẫn phải bảo đảm các tính chất ưu việt mọi mặt như nhựa, thực tế hiện nay đã có những đơn vị đã sản xuất được các sản phẩm bao bì nhựa sinh học từ nguyên liệu PHA (Poly-Hydroxy-Alkanoates -là các polyesters được sản xuất trong tự nhiên bởi nhiều vi sinh vật, bao gồm cả quá trình lên men vi khuẩn của đường hoặc lipid với hơn 150 monomer khác nhau có thể được kết hợp trong dòng chất liệu này mang tính chất cực kỳ khác nhau với lý tính dẻo, đàn hồi, ở điểm nóng chảy từ 40 đến 180°C).

Các tính chất cơ học và tính tương thích sinh học của PHA cũng có thể được thay đổi bằng cách trộn, sửa đổi bề mặt hoặc kết hợp PHA với các polymer, enzyme và vật liệu vô cơ khác, cho phép ứng dụng rộng hơn. Cuối cùng là sản phẩm PHA hoàn toàn có khả năng phân hủy sinh học -compostable 100%.

Không bàn cãi gì : Đây là sản phẩm tối ưu! Trở ngại duy nhất để phổ biến đại chúng sản phẩm này vẫn là giá thành sản xuất cao do công nghệ sinh hóa phức tạp và nguồn nguyên liệu chế phẩm PHA với quy mô công nghiệp. Để bao bì Nhựa sinh học không gây ô nhiễm đi vào đời sống thay thế nhựa truyền thống với cùng các tính chất tiện dụng, kinh tế, đa dạng là 1 quá trình không hề dễ dàng và nhanh chóng. Và nhà nhà cũng phải có vườn rộng đủ để có chỗ làm phân. Dùng bao bì phân huỷ sinh học sau đó vứt bừa bãi hoặc đốt thì quả thực chúng ta lại tàn phá thiên nhiên gấp nhiều lần túi nhựa.

Chính vì thế, ta phải đặt lại trọng tâm của vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa để tìm hướng đi khả thi nhất cho xã hội sản xuất và tiêu dùng của mình. Liệu ta có cần, có nên, có phải bằng mọi cách để chống bao bì nhựa không (dĩ nhiên không phải là CHỐNG NHỰA rồi). Đặc biệt là từ TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, nơi tập trung 80% doanh nghiệp nhựa của cả nước, với doanh thu trên dưới 12 tỉ USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động, nơi tập trung tinh hoa khoa học kỹ thuật của đất nước… thì không có gì hồ đồ hơn là kêu gào chống Sản Phẩm Nhựa…. Đặc biệt những “chiến dịch chống Nhựa” này hoàn toàn không có sự tham khảo và thảo luận với Hiệp Hội Nhựa Việt Nam hoặc Hiệp Hội Nhựa Thành phố, trong khi cả hai Hiệp Hội này đều có “Tổng hành dinh” nằm tại TP Hồ Chí Minh.  

Khi đang lên án Nhựa tức ta đang phủ nhận vai trò tích cực vốn có của nó mà công năng của nó đã bị tiêu cực hóa một cách vô lý do sự thiếu trách nhiệm và thiều năng lực trong quản lý nhà nước, “dung túng” hành vi xả thải bừa bãi của con người chứ không phải do các thuộc tính của Nhự. Do vậy, thay vì dồn sức vào nghiên cứu phát triển để mau chóng đưa nhựa sinh học vào thay thế, vừa tốn kém vừa không lường trước được các hệ lụy, ta có thể dành toàn lực tập trung cho hoạt động giám sát quản lý thải nhựa, năng lực thu gom tái chế, công nghệ xử lý và quan trọng hơn hết là chấm dứt xả rác bừa bãi và phải phân loại rác từ nguồn, để không riêng gì Nhựa, ta giải quyết được triệt để vấn nạn ô nhiễm chất thải và còn thu hồi được nhiều nhóm nguyên liệu tái sinh cho sản xuất.

NGUYỄN NHƯ KHUÊ

Đọc thêm

lên đầu trang