Ngày 25/8/2020, Ban Tư vấn Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM đã có buổi họp đầu tiên chuẩn bị triển khai công tác tư vấn doanh nghiệp, liên quan các tiêu chí môi trường, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó có việc hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp các tiêu chí để doanh nghiệp có thể dán Nhãn xanh (Nhãn xanh Việt Nam) lên sản phẩm của mình.
Trên thực tế, chương trình Nhãn xanh Việt Nam đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 3/2009 nhằm mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống.
Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp, kể cả người tiêu dùng cũng chưa hình dung hết việc dán Nhãn xanh lên sản phẩm có lợi ích gì cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Nhãn xanh còn có tên gọi chương trình Nhãn xanh Việt Nam được quy định và triển khai nhằm cải thiện môi trường sống của con người thông qua việc giảm thiểu việc các chất thải, tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Để đạt được hiệu quả bảo vệ môi trường, chương trình Nhãn xanh Việt Nam thực hiện đánh giá khả năng kiểm soát, hạn chế tác động đối với môi trường của các loại sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng theo quan điểm “xem xét toàn bộ vòng đời sản phẩm”.
Theo đó, lợi ích môi trường mà mỗi sản phẩm có khả năng mang lại từ việc giảm thiểu phát thải các loại chất gây ô nhiễm, chất độc hại ra môi trường từ các khâu khai thác nguyên – vật liệu, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho đến khi thải bỏ đối với loại hình sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng đó sẽ được xem xét và đánh giá trên cơ sở các bộ tiêu chí được xây dựng riêng cho từng loại hình sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.
Tại thông tư số 41/2013/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 2/12/2013 đã quy định về trình tự, thủ tục, chứng nhận và gắn nhãn sinh thái cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhãn sinh thái trong Thông tư này được gọi là Nhãn xanh Việt Nam.
Gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động tự nguyện, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động chứng nhận và gắn Nhãn xanh Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Theo đó, tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam bao gồm việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và lao động của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp); Tác động của toàn bộ vòng đời sản phẩm từ quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại. Tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam tương ứng cho từng nhóm sản phẩm do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Theo đó, để sản phẩm được gắn Nhãn xanh, doanh nghiệp phải cung cấp bản chính Báo cáo hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này hoặc bản sao y bản chính có chứng thực giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 còn hiệu lực do tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật cấp hoặc bản sao y bản chính có chứng thực giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001: 2004 do tổ chức công nhận là thành viên của Diễn đàn Công nhận quốc tế (IFA), Hiệp hội Công nhận Thái Bình Dương (PAC) cấp hoặc tiêu chuẩn tương đương;
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cung cấp bản chính Báo cáo đánh giá sản phẩm đáp ứng tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho từng nhóm sản phẩm tương ứng, kèm theo kết quả thử nghiệm do Tổ chức thử nghiệm cấp có thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày Tổng cục Môi trường nhận được Hồ sơ đăng ký hợp lệ; Một bản sao y bản chính giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và một bản chụp hoặc vẽ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm có kích cỡ bằng 21cm x 29cm.
Sau khi có Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, doanh nghiệp gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm đã được chứng nhận. Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các hình thức gắn Nhãn xanh Việt Nam lên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm được chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam như: dán, vẽ, đính, khắc hoặc in trên sản phẩm của mình. Vị trí gắn Nhãn xanh Việt Nam do doanh nghiệp tự thiết kế, quyết định và dễ nhìn thấy nhưng không gây ảnh hưởng đến thông tin ghi trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với doanh nghiệp, khi thực hiện Chương trình Nhãn xanh Việt Nam sẽ tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp đã tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về môi trường và lao động; tạo lợi thế cạnh tranh trong các thị trường khó tính, có yêu cầu cao về môi trường và xã hội; có trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng; có uy tín trên thị trường và lợi thế trong các quyết định mua sắm của Chính phủ, qua đó, nâng cao lợi nhuận và tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
PHƯỚC NGỌC