Kể từ lúc Nhà máy xi măng Sông Lam đi vào hoạt động hồi tháng 12/2016 tới nay, cuộc sống của người dân xã Bài Sơn và các vùng phụ cận huyện Đô Lương (Nghệ An) dường như bị đảo lộn. Đặc biệt, tại các xóm nằm sát nhà máy đã bị “tra tấn” bằng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hiện tại, nhà máy này vẫn đang tiếp tục đổ chất thải trực tiếp ra môi trường. Người dân đã liên tục kêu cứu đến cơ quan chức năng, nhưng sự việc không chuyển biến.
CHẤT THẢI CỦA NHÀ MÁY TRA TẤN NGƯỜI DÂN
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Sông Lam (NMXM Sông Lam) do công ty CP xi măng Sông Lam làm chủ đầu tư được Bộ TNMT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 297/QĐ-BTNMT, ngày 4/2/2016.
Công ty này bắt đầu vận hành thử nghiệm NMXM Sông Lam từ tháng 10/2016, vận hành có tải dây chuyền B từ tháng 12/2016, vận hành có tải dây chuyền A từ tháng 2/2017 với công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/ngày.
Trong quá trình hoạt động từ đó đến nay, NMXM Sông Lam đã vấp phải sự phản ứng của người dân do tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong vùng như khói bụi, tiếng ồn, nước thải.
Theo báo Dân Trí, trong đơn kiến nghị của các hộ dân xóm Đô Sơn, nơi bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất, hiện có 8 hộ gia đình sinh sống cạnh NMXM Sông Lam phản ánh từ nhiều tháng nay tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhà máy này gây ra bất ổn, làm cho cuộc sống bà con dường như bị đảo lộn…
Trong đơn phản ánh người dân kiến nghị một số nội dung mà nhà máy này đang gây ra như: ô nhiễm tiếng ồn, nước thải, đổ thải (clinker – chất thải của xi măng).
Bà Lê Thị Nguyệt (63 tuổi) bức xúc trao đổi với báo Dân Trí: “Nhà tôi cách nhà máy khoảng 200m suốt ngày bị “hành” bởi tiếng ồn, bụi bặm… Từ khi nhà máy đến đây đã có hàng chục hộ được di dời, nhưng hiện nay tôi vẫn phải nằm lại đây. Chúng tôi muốn di dời nhưng vẫn chưa được đi và đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên cấp trên nhưng kêu mãi không thấu. Hiện tôi muốn được di dời đi chỗ khác thôi. Chứ ở đây tuổi già rồi mà ô nhiễm từ nhà máy này gây ra thì mệt mỏi lắm”.
Cũng như gia đình bà Nguyệt, gia đình ông Trần Văn Ân (72 tuổi) bức xúc: “Từ khi nhà máy đi vào sản xuất, không đêm nào tôi ngủ ngon, tiếng máy xay đá “nghiền” suốt đêm, vang lên cả vùng rộng lớn, rất khó ngủ, người già như chúng tôi rất đau đầu. Tôi mong muốn được di chuyển đi chỗ khác nhưng làm đơn kiến nghị gửi lên cấp trên lâu rồi đến giờ cũng chưa thấy động tĩnh gì”.
Không những thế, trong các đợt mưa vừa qua, huyện Đô Lương cũng như xã Bài Sơn mưa rất to và người dân xóm Đô Sơn phải chứng kiến cảnh bùn thải có màu đen tràn xuống nhà cửa, ruộng vườn… làm cho người dân hết sức bàng hoàng.
Được biết, các hộ dân nơi đây nằm trong diện bị ảnh hưởng nhưng lại không thuộc đối tượng để di dời. “Hơn hai năm qua, nhà nứt hư hỏng, muốn sửa chữa nhưng chính quyền họ không cho, họ nói để nguyên hiện trạng cho công ty còn tính phương án đền bù, thế là giờ nhà hư cũng phải chấp nhận…”, ông Trần Văn Ân cho biết thêm.
VÔ TƯ ĐỔ THẢI THẲNG RA MÔI TRƯỜNG
Theo báo Dân Trí, trong quá trình tìm hiểu những bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường quanh NMXM Sông Lam, đã được người dân cung cấp nhiều nội dung về việc nhà máy này đổ một loại chất thải màu đen ra môi trường và dẫn họ đi xem một số nơi có nước màu đen.
Men theo nhà máy, có nhiều vệt nước chảy lênh láng, phía chân tường nhà máy có lớp chất thải màu đen, đặc quánh kéo dài từ đỉnh đường chảy xuống dọc ta luy xuống nền đất sát nhà dân. Trong quá trình khảo sát, bắt gặp hai chiếc xe ô tô tải to vẫn ngang nhiên đổ bùn thải này xuống vị trí sát bờ rào cạnh nhà máy tràn xuống phần đất của dân.
Điều đáng nói, những chiếc xe chở bùn thải này ngang nhiên đổ ra môi trường với lượng lớn bùn màu đen ngòm. Theo người dân, việc đổ thải bùn như thế này bên nhà máy họ thường xuyên thực hiện mà không thấy cơ quan chức năng đến hỏi?.
Ngôi nhà nằm cạnh nhà máy, cùng với nhiều gia đình khác họ đã di chuyển, thế nhưng gia đình bà Nguyệt đến nay vẫn án binh bất động chưa được di dời.
Trao đổi với Dân Trí, ông Nguyễn Hữu Quang – Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết, với những phản ánh của người dân chúng tôi đã báo lên cấp trên, hiện tại tỉnh Nghệ An đang xem xét, về việc TĐC vì do trước kia các hộ dân này không thuộc diện phải di dời nên chưa có phương án.
Làm việc với Dân trí, ông Đậu Văn Chinh – Phó trưởng phòng TN&MT huyện Đô Lương cho biết: “Vấn đề ô nhiễm môi trường chúng tôi đã nhận được phản ánh từ lâu và có cơ sở. Phòng đã cùng với chính quyền địa phương lập biên bản sự việc, đồng thời đề nghị Công ty CP xi măng Sông Lam khắc phục những hạn chế trên. Đồng thời, huyện đã báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý. Vấn đề này chúng tôi làm rất quyết liệt”.
Khi được hỏi, việc xe tải của nhà máy đổ thẳng chất thải màu đen, đặc ra môi trường trong khuôn viên nhưng tràn ra phần đất bên ngoài?. Vấn đề này, ông Chinh thẳng thắn: “Nhà máy này là công trình trọng điểm của tỉnh và giải quyết công ăn việc làm cho bà con địa phương…. Đặc biệt, trận mưa vừa qua chúng tôi có biết lượng nước màu đen đã xả thải ra khi nhận được phản ánh của bà con chúng tôi đã xuống kiểm tra và lập biên bản, lấy mẫu và báo lên Chi cục môi trường Nghệ An. Hiện kết quả của lượng nước thải màu đen vẫn chưa có nên chưa biết thế nào. Còn việc các anh nói phát hiện xe chở đất màu đen đổ thải ra như vậy là không thể được. Họ đổ như vậy là sai, không thể được, để chúng tôi cho kiểm tra và xử lý ngay”.
PHAN HỒNG (tổng hợp)