Nhà hoạt động môi trường, nhà tái chế Mzung: “Người trẻ ạ, sẽ đến lúc thế giới không cần người thành công nữa, mà cần người tử tế để đi sửa những điều sai”

31/07/2019 10:49

(38)


Ở Sài Gòn, có một tiệm trà mà hầu hết nội thất đều có giá 0 đồng. Bởi từ bàn, ghế, cửa, tủ, quầy bar đến hệ thống đèn, vật dụng trang trí… tất cả đều được tái chế từ rác lượm được ngoài đường, đồ cũ xin lại, hoặc đồ thanh lý giá rẻ.

Không gian này là một phần của dự án tái chế do nhà làm phim độc lập, nhà hoạt động môi trường Mzung (Nguyễn Mỹ Dung) thực hiện. Mzung là đồng sáng lập chương trình điện ảnh Gặp gỡ mùa thu và nhận học bổng du học về làm phim ở Mỹ. Trong nhiều năm học và làm phim ở nước ngoài, Mzung đã đặt chân tới nhiều điểm nóng môi trường như Nam Phi, rừng Amazon, Ấn Độ, Ai Cập, làm nhiều phim tài liệu ngắn và phim thể nghiệm về đề tài môi trường như “When our garden grow silent” (2015), “Sleeping in the city” (2017)… Giờ đây, ngay tại Sài Gòn, tiệm trà tái chế này là khởi đầu của kế hoạch “thay đổi hành động của người bình dân” về môi trường – điều bản thân chị chưa làm được qua những thước phim.

Chị bắt đầu quan tâm tới môi trường và rác từ khi nào?

Từ nhỏ, tôi gặp vấn đề trong giao tiếp với người lớn và không biết trò chuyện với ai, nên tôi làm bạn với các loài động vật. Tôi coi những con bọ hung, kiến, bọ xít, ong như bạn thân. Bây giờ, tôi thích sâu, bọ, cả kền kền và linh cẩu. Tôi rất mê và chỉ muốn đi bảo tồn chúng thôi.

6 – 7 năm về trước, tôi làm về bảo tồn động vật hoang dã ở các nước châu Phi, Nam Mỹ, vừa làm phim vừa hoạt động tình nguyện. Mà việc bảo tồn thì liên quan chặt chẽ đến môi trường. Hằng ngày tôi đi lượm rác, làm sạch các khu rừng, và mối quan tâm của tôi với môi trường phát triển tự nhiên từ đó.

Từ khi nào rác là một đối tượng trong phim của chị?

Những trải nghiệm về bảo tồn động vật hoang dã và môi trường dần dần đã mở ra cho tôi một cánh cửa rộng. “Môi trường là vấn đề lớn ai cũng nhắc tới. Tại sao mình không kể câu chuyện đó trong phim, không kể chuyện yêu đương trai gái nữa mà kể về cái gì đó hiện thực hơn?” Tôi nghĩ như vậy. Đến bây giờ thì phim của tôi không liên quan gì đến yêu đương nữa, mà về môi trường. Tôi đã làm phim chuỗi phim thể nghiệm về rác, quay tại Ấn Độ, Ai Cập…

Việc làm phim về rác hẳn đã tác động đến nhận thức chị rất mạnh mẽ?

Tất nhiên chứ. Giả sử bạn mua một tấm vé 2000 đô, bay tới sông Hằng hay sông Nile chẳng hạn, bạn sẽ đứng trước một dòng sông trong huyền thoại nhưng thấy sông không chảy được như bình thường nữa. Nó ứ lại vì rác, bốc mùi hôi thối lên. Bạn phải ngồi đó và ngắm cảnh rác trôi lềnh bềnh.

Những trải nghiệm tệ nhất của chị trong thời gian làm phim về môi trường là gì?

Tôi nhớ một lần quay phim ở Ấn Độ. Khi đến nơi New Delhi, ở bờ biển ngay sát địa điểm đó có rác nhiều khủng khiếp. Cả một dòng nước đen ngòm hôi hám như nước cống. Nếu là sông thì còn hiểu được vì nguồn nước của sông không lưu chuyển được. Đằng này lại là biển, sóng đập vào liên tục. Tôi không hiểu tại sao người Ấn Độ có thể đứng được ở đó trong mùi hôi thối đó. Họ quen như vậy luôn rồi, còn tôi thì như không thở nổi.

Một trải nghiệm khác là khi tôi quay ở Ai Cập. Trên đường đi đến địa điểm quay, chúng tôi phải đi qua một con lạch của sông Nile. Xe đi rất chậm vì rác quá nhiều, không lách qua được. Ở Ai Cập, có những con kênh có bờ được đắp bằng rác, cao đến 6, 7 mét. Còn dưới lòng kênh thì rác trải dài 1km và nước không chảy được.

Còn ở Việt Nam thì sao?

Ở Việt Nam thì chúng ta làm cho mọi thứ sạch bong, nhưng có những nơi thành “sân sau” của cái sạch đó. Đau đớn nhất là các vùng đảo. Bạn cứ đi hết các đảo ở Việt Nam: Phú Quốc, Nam Du, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ… đi. Nhìn vào một bờ biển, bạn có thể thấy rất sạch, nhưng phía dưới lớp cát đó là rác bị chôn, và chỉ cần lấy tay bới lên là thấy đầy những rác.

Hay ô nhiễm không khí ở Đà Lạt. Chỉ trong vòng 5 năm qua, nhiệt độ Đà Lạt tăng gần 2, 3 độ. Do việc trồng cây trong nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, và người ta chặt nhiều vạt rừng thông đi để xây resort, làm homestay…

Sao nhiều năm làm phim ở nước ngoài, tại sao chị lại quyết định về Sài Gòn và mở một tiệm trà tái chế?

Lý do đơn giản nhất là đến tuổi thì phải về. Đi hoài rồi cũng mỏi, cũng chán, tôi về để nghỉ.

Còn về tái chế, rác là một điều ám ảnh với tôi. Hầu hết mọi người đều ca thán nhưng không phải ai cũng nghĩ đến giải pháp. Còn tôi, tôi buộc phải làm để vơi bớt cảm xúc của mình. Làm thì sẽ thấy đỡ khó chịu, đỡ bức bối hơn.

Cũng có một nhu cầu khác. Tôi biết tái chế có giá trị kinh tế. Vốn của chúng tôi rất thấp, không nhiều như một doanh nghiệp bỏ ra hàng tỷ hay hàng chục tỷ đồng để làm dự án. Số nhân sự của chúng tôi có cũng rất ít và hầu hết là tình nguyện viên. Vì thế tôi xây dựng tiệm trà này bằng cách đi lượm đồ. Rác là năng lượng, là tiền, và tôi muốn sử dụng lại. Tôi không giàu như người khác để mua đồ mới.

Chị đã bắt đầu tái chế từ trước đó?

Hồi học đại học tôi cũng là người xả rác. Nhưng đến khi ra nước ngoài đi học và đi làm thì tôi phải tập thói quen bớt mua sắm và bớt xả rác đi, vì mỗi nơi tôi chỉ ở vài ba năm thôi, mỗi lần dời đi thì không mang theo đồ đạc được. Nên khi đến nơi nào đó, tôi sẽ đi xin đồ, hỏi xung quanh xem ai có bàn, ghế, tôn, mái lợp, ngói vứt đi thì cho tôi xin. Sống ở nước ngoài, tôi toàn tự xây và tự sửa nhà để ở như thế. Quy trình đó bây giờ tôi về Việt làm y như vậy.

Cửa trước và sau khi tái chế hoàn thành

Tại sao từ công việc chính là làm phim chị lại chuyển sang làm hẳn một dự án về tái chế và môi trường?

Tôi từng đi nói chuyện về môi trường khá nhiều. Câu hỏi mà tôi thường nhận được là: “Cuối cùng giải pháp là gì?” Lúc đó tôi trả lời theo kiểu trốn tránh. Nhưng sau đó tôi thấy mình bị “nhột” thật. Tôi nghĩ: “Ủa, mình có khả năng mà. Sao không làm gì đó?”. Và tôi làm thật. Tôi thấy vừa nói vừa làm thì tốt hơn là chỉ nói mà không làm.

Nhưng lúc trước chị làm phim cũng là một cách để “làm”, tức góp phần giải quyết vấn đề môi trường?

Đúng rồi, nhưng nó không thoả mãn hết. Khi làm phim, tôi không giải quyết được câu hỏi của chính mình là liệu cuối cùng người ta xem phim mình xong thì mục đích đạt được là gì. Phim thể nghiệm chỉ dành cho người có kiến thức. Việc làm phim đó không đạt được mục đích của tôi là nói chuyện với người bình dân. Phim của tôi có khiến cho người ta hành động không? Tôi chưa làm được điều đó.

Tiệm trà tái chế

Vậy tiệm trà tái chế nói riêng và dự án tái chế nói chung là để cho người ta hành động?

Tiệm trà tái chế này giống như một “đạo cụ trực quan sinh động”, người ta sẽ không tới đây chỉ để ngắm nghía nữa. Họ sẽ tò mò và đặt câu hỏi. Chẳng hạn, có người chỉ đơn giản hỏi: “Tôi cũng có một vật dụng ở nhà mà không biết làm sao với nó hết, chị có thể chỉ được không?” Khi có người làm thì có người thấy. Khi có người thấy thì có người học. Tôi muốn người ta đến để học và muốn nhắn nhủ với họ rằng: Cần phải tiết kiệm tiền bằng cách sửa vật dụng và tái chế. Reduce, reuse, recycle.

Ngoài không gian tái chế này, tôi sẽ đấu giá tranh và các sản phẩm tái chế để gây quỹ Mzung Foundation. Quỹ này sẽ tổ chức các khoá học về tái chế và hỗ trợ tài chính cho các dự án môi trường. Các dự án có thể về biến đổi khí hậu, bảo tồn, làm sạch biển, đôi khi chỉ là nghiên cứu thôi. Thứ hai là free co-working space – không gian làm việc miễn phí dành cho các hội nhóm về môi trường. Và cuối cùng là một khu triển lãm để giao lưu, mua bán hàng tái chế.

Nhiều người nhìn những hình ảnh khủng khiếp về rác, nghĩ rằng dù bản thân có thay đổi một chút thì cũng như “muối bỏ biển”, không thay đổi được cục diện. Và người ta vẫn tiếp tục dùng đồ nhựa, xả rác…

Cho nên cứ mỗi lần tôi nói chuyện về môi trường, tôi sẽ “đánh” vào lợi ích. “Những vật này tôi đi lượm về tái chế bán được 2 tỷ đó. Như cái ghế tái chế, bây giờ ai mua tôi sẽ bán lại giá 3, 4 triệu”, tôi sẽ nói như vậy. Nếu như cứ rao giảng lý thuyết xa xôi thì không ai để ý đâu.

Ví dụ, với người vẫn hay dùng đồ nhựa vì tiện, chị sẽ nói về mối lợi như thế nào?

Chẳng hạn bạn mua cơm, bạn sẽ phải trả cho riêng cái hộp từ 2 đến 5 ngàn. Nếu bạn mua một cặp lồng đựng cơm, giá chỉ 2, 3 trăm ngàn nhưng bạn dùng được mấy năm. Và người bán cơm sẽ bỏ thêm đồ ăn cho bạn vì bạn không lấy hộp nhựa. Bạn cứ nhân lên đi. Cái này là một số tiền khổng lồ.

Việc thuyết phục mọi người giảm rác thải, giảm đồ nhựa để bảo vệ môi trường luôn khó. Vì người ta vốn chỉ quan tâm những gì liên quan đến cá nhân mình?

Đúng rồi, mình không chê trách được. Bản chất của con người là tham lam, vị kỷ và tôi cũng vậy chứ không khác gì. Mỗi người sẽ có một cuộc chiến riêng và trách nhiệm riêng, còn ai có mối quan tâm với môi trường thì sẽ hết lòng.

Có ý kiến cho rằng những hoạt động vì môi trường xuất hiện gần đây chỉ là xu hướng chứ không thiết thực?

Nói vậy thì cũng hơi ác, vì thực ra họ có làm còn hơn không làm gì. Có những bạn làm về bảo vệ rùa, hay đơn giản là làm một dự án cộng đồng rất nhỏ như gom rác ở Phú Quốc, Côn Đảo, và họ làm rất chỉn chu, rất ổn. Ít ra họ còn chịu làm. Ít nhất đó còn là một xu hướng.

Thực ra, tôi rất bi quan về tương lai của môi trường. Tôi không có niềm tin lắm đâu. Vì con số của những người như tôi quá nhỏ, và cộng đồng này quá hiếm, quá lẻ tẻ. Tất cả các sự thay đổi còn quá nhỏ. Để có sự thay đổi lớn hơn, cần một sự “đồng thanh tương ứng” – rất rất nhiều người cùng lên tiếng.

Dự án tái chế của chị có thể hướng đến sự “đồng thanh tương ứng”?

Tôi có tính xa. Bằng việc gây quỹ, tạo không gian tái chế, hỗ trợ cho nhiều dự án và kêu gọi từ nhiều nguồn, tôi hy vọng tất cả tiếng nói đó sẽ hướng đến sự “đồng thanh tương ứng” nói trên. Đây là một dự án dài hơi chứ không phải chỉ tái chế không đâu.

Chúng ta đã nói quá nhiều về những thực trạng bi quan. Trong quá trình hoạt động môi trường, có điều gì tích cực, tươi sáng mà chị muốn chia sẻ?

Việt Nam là đất nước có rất nhiều đứt gãy về giá trị xã hội, văn hoá. Tất cả mọi người đều nhắm đến một cụm từ duy nhất, là thành công. Bạn phải thành công trong lĩnh vực của bạn, chứ không ai khuyên bạn phải trở thành một người tử tế.

Tôi nhớ một nhà khoa học nào đó có nói rằng: Ở một thế giới có quá nhiều vấn đề, thì sẽ đến lúc mà người ta không cần người thành công nữa, mà cần nhiều người tử tế để đi sửa lại tất cả những điều sai mà chúng ta đã làm. Như việc thủng tầng ozon chẳng hạn. Bây giờ không có phát minh nào có thể vá nó lại được. Mà cần người tử tế để giảm bớt khí thải lại, như bớt đi xe máy. Hoặc đơn giản chỉ là đi ra ngoài ăn chứ không gọi đồ ăn, không mang rác về nhà thôi. Không cần phát minh hay thành công nữa, cứ tử tế là được rồi.

Khi làm dự án này, tôi thấy những các bạn trẻ mình tuyển vào, họ rất tử tế. Họ là bằng chứng rằng vẫn có người rất tiết kiệm, rất vì môi trường. Đó là một niềm lạc quan. Tôi tin rằng chỉ cần có cơ hội, họ sẽ “bung nở” như những bông hoa. Họ sẽ trở thành một người tử tế chứ không nhất thiết phải thành công. Và họ sẽ có khả năng thay đổi một phần xã hội.

Theo CafeBiz

Đọc thêm

lên đầu trang