New Zealand cảnh báo về “thần dược Viagra tự nhiên” bán ở Trung Quốc

16/08/2019 03:29

(43)


Một loài địa y đô thị phổ biến ở New Zealand đang được quảng bá như “thần dược” tự nhiên thay thế Viagra nhưng nó có thể mang lại tác dụng không như ý.

Các nhà thực vật học ở New Zealand đang cảnh báo mọi người không nên lạm dụng loài địa y mọc trên vỉa hè và ở những tảng đá râm mát trong nước.

Những tin đồn sai lệch về công dụng của loài địa ý này đang lan truyền “chóng mặt” trên mạng xã hội, theo Guardian.

Các chuyên gia New Zealand đã cảnh báo người dân không nên tiêu thụ “địa y vỉa hè phòng the” vì nó có thể bị nhiễm độc tố

Nhà địa lý học của Đại học Otago, Tiến sĩ Allison Knight, gọi loài địa y phổ biến này là “‘địa y vỉa hè phòng the” sau khi phát hiện ra nó được quảng bá như “thần dược phòng the tự nhiên” trên các trang thương mại trực tuyến, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Theo bà Knight, tên khoa học của loài nấm này là Xanthoparmelia scabrosa. Thành phần của nó có chứa một số chất tương tự Viagra nhưng cũng có thể chứa thành phần độc hại.

Địa y mọc trên đường có thể bị nhiễm các nhân tố gây ô nhiễm đô thị như: nước tiểu và phân chó, khí thải xe hơi, asen, thủy ngân và chì.

Loài địa y này chỉ phát triển ở New Zealand và Thái Bình Dương, nhiều nhất ở khu vực thành thị.

Có hàng trăm sản phẩm dưới dạng thuốc viên và thuốc bột từ loại địa y này được bán tràn lan trên trang thương mại điện tử Trung Quốc phổ biến Alibaba. Chúng cũng có thể mua lẻ với giá từ 12-300 USD/kg.

Tiến sĩ Knight cho biết hầu hết sản phẩm có sẵn trên mạng được “chế” từ 80% Viagra và 20% cỏ.

Theo bà, loài địa y vỉa hè không được kiểm chứng dưới bất cứ thử nghiệm nghiêm ngặt nào về tính năng cũng như độ an toàn.

“Nó không thực sự được thử nghiệm và có chứa một số chất độc hại. Vì vậy, không nên tiêu thụ nó”, bà Knight nói với Guardian.

Loài địa y độc hại này được rao bán nhan nhản trên các trang thương mại điện tử trực tuyến

Nhà thực vật học New Zealand, Tiến sĩ Peter de Lange, cũng bác bỏ đặc tính trị liệu của của loại địa y này. Ông thậm chí nói rằng tác dụng của nó đối với khả năng tình dục có thể trái ngược với những gì người ta hy vọng.

Trong khi đó, bà Knight cũng nói rằng địa y có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe.

“Loài địa y này [Xanthoparmelia scabrosa] không có trên toàn thế giới, hay ở Trung Quốc, nơi tiêu thụ với số lượng lớn”, bà Knight cho biết.

“Nhưng địa y nói chung có tiềm năng rất lớn. Có rất nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xem làm thế nào chúng có thể được sử dụng cho thế hệ kháng sinh tiếp theo để thay thế cho những loại mà chúng ta đang kháng thuốc”.

Có ít nhất 20.000 loài địa y được biết đến trên toàn thế giới, 2.000 trong số đó mọc ở New Zealand, đặc biệt là trên vỉa hè râm mát, thân cây ăn quả và trong các khu rừng nguyên sinh. Giống như phần lớn biota độc nhất của New Zealand, một số giống và loài địa y đã và đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Theo Zing

Đọc thêm

lên đầu trang