Theo Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, các hành vi xả chất thải trực tiếp gây nguy hại cho môi trường có thể bị phạt tiền đến 3 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm tùy mức độ vi phạm.
MỘT CHẾ TÀI MẠNH, CÓ TÍNH RĂN ĐE CAO
Được biết, trong Bộ luật Hình sự 2018 có hiệu lực từ 1-1-2018 đã cụ thể hoá về lưu lượng xả thải và số lần vượt quy chuẩn để làm căn cứ xử lý hình sự với đối các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trong hai năm 2015 – 2016, qua thanh tra gần 1000 doanh nghiệp, phát hiện thấy có đến 25 đến 30% doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn cho phép. Nếu như trước kia, khi các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có vi phạm liên quan đến xả thải khó bị xử lý hình sự, thì nay Bộ luật Hình sự đã định lượng và đưa các vi phạm này vào “khung” xử lý hình sự.
Theo trao đổi của báo Tuổi Trẻ Online về tội danh gây ô nhiễm môi trường đã được cụ thể hoá trong Bộ luật hình sự 2015, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường) cho biết các doanh nghiệp mà không chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất hoặc hệ thống xử lý môi trường hiện đại, rất dễ vướng vào vòng lao lý.
Ông Thức cho biết: “Bộ luật Hình sự 2009 quy định chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về môi trường. Tuy nhiên, thực tế rất khó xác định được thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng về môi trường. Căn cứ nêu trên mang tính định tính nên khó truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung, định lượng hóa các vi phạm môi trường của doanh nghiệp như lưu lượng xả thải, khối lượng chất thải rắn thải ra, số lần vượt quy chuẩn môi trường… để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Đây là một chế tài rất mạnh mang tính răn đe rất cao với các khung có thể bị xử lý hình sự. Nếu chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp không chú trọng vào đầu tư trang thiết bị công nghệ sản xuất, hoặc hệ thống xử lý môi trường hiện đại, không làm tốt công tác bảo vệ môi trường, không kiểm soát được nguồn và mức độ xả thải để vượt quy chuẩn nhiều lần.
QUY ĐỊNH VỀ TỘI GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Theo đó, trong Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 đã có quy định về tội gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm với các hành vi:
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ trái quy định của pháp luật từ 3.000kg đến dưới 5.000kg.
- Xả thải ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000m3/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.
- Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 lần đến dưới 4 lần.
- Xả ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14.
- Thải ra môi trường từ 300.000 m3/giờ đến dưới 500.000m3/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên.
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kg đến dưới 500.000 kg.
- Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép.
- Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 2 lần đến dưới 4 lần.
Các hành vi vi phạm quy định ở trên nếu đạt mức cao hơn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 3 tỉ đồng hoặc phạt tù nặng hơn từ 3 đến 7 năm tù.
Còn đối với những trường hợp vi phạm những hành vi nêu trên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm.
PHAN HỒNG (tổng hợp)