Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị (CRUS) đã tổ chức Khóa tập huấn báo chí “Biến đổi khí hậu và Năng lượng bền vững” được từ ngày 22 – 24/08/2019 tại Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ).
Các phóng viên từ các báo, đài phát thanh và đài truyền hình trung ương cũng như địa phương chuyên theo dõi lĩnh vực môi trường tại Đồng Bằng Sông Cửu Long và TP.HCM đã tham gia khóa tập huấn.
Trong chương trình, các phóng viên đã được chia nhóm đến một số vùng đang bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu trong thời gian qua và đã triển khai một số mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả. Mô hình trồng lúa tiết kiệm nước AWD do tổ chức GIZ của Đức tài trợ mấy năm qua đang mang lại hiệu quả tốt. Kỹ thuật AWD không chỉ năng suất cao hơn mà còn tiết kiệm được tài nguyên nước, giống và phân bón nên thật sự là được mô hình sản xuất sạch và bền vững.
Kỹ thuật AWD – Ướt khô xen kẽ mang lại năng suất cao
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hậu quả phía thượng nguồn sông Mekong có quá nhiều đập thủy điện lớn chặn dòng nước khiến những năm gần đây lượng nước phục vụ sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều vùng, lượng phù sa về giảm, ven biển bị mặn xâm nhập.
Ứng phó với tình hình này, khoảng 6 năm trước, bằng sự giúp đỡ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hay chương trình Much more Rice của Bayer, UBND tỉnh Bạc Liêu đã triển khai mô hình cấy lúa theo phương thức “ướt khô xen kẽ” (AWD) ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Hoàng Hương, nông dân trồng lúa tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cho biết 5-6 năm nay ông đã áp dụng biện pháp canh tác trồng lúa tiết kiệm nước này và mang lại hiệu quả tốt.
Cơ bản, năng suất lúa của ông thường đạt 6 tấn/ha, cao hơn 1 tấn/ha so với trước đây và đáng chú ý là chi phí nước tưới, thuốc trừ sâu, phân bón giảm mạnh, cây lúa cứng cáp và có thể đưa cơ giới hóa vào gieo trồng cũng như thu hái, tiết kiệm được nhiều nhân lực trong một mùa sản xuất.
Được biết, trước đây vùng này là nơi có diện tích trồng lúa rất lớn, áp dụng phương thức trồng lúa sử dụng và phụ thuộc một lượng lớn nước tự nhiên. Trước tình hình nguồn nước khó khăn, dưới sự hướng dẫn của GIZ và Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu đã khuyến cáo nông dân trồng lúa nên áp dụng cách quản lý nước theo kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ”.
Đại diện của GIZ giải thích, kỹ thuật tưới AWD (tưới ướt khô xen kẽ) là lượng lúa giống được sạ ít hơn bình thường trước đây, trong 1-10 ngày sau khi sạ, nông dân cần giữ mực nước ruộng từ bão hòa đến cao khoảng 1cm. Mức nước trong ruộng sẽ được giữ cao khoảng 1-3cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa và giữ liên tục cho đến bón phân lần hai (khoảng 20-25 ngày sau khi sạ).
Tiếp đến, giai đoạn từ 25-40 ngày sau khi sạ cần giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15cm (đặt ống nhựa có đục lỗ bên hông, bên trong có chia vạch 5cm để theo dõi). Khi nước xuống thấp hơn vạch 15cm thì bơm nước vào ngập tối đa 5cm so với mặt đất ruộng. Cách điều tiết nước này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng, vì vậy được gọi là tưới “ướt khô xen kẽ”.
Theo nhấn mạnh của các nhà đưa ra kỹ thuật tưới này chính là khi mực nước dưới mặt đất càng xa (nhưng không thấp hơn 15cm so với mặt đất) càng giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, chống đổ ngã và dễ thu hoạch.
Giai đoạn lúa 40-45 ngày sau sạ là giai đoạn bón phân lần 3. Lúc này cần bơm nước vào khoảng 1-3cm trước khi bón phân nhằm tránh ánh sáng làm phân hủy và phân bị bốc hơi, đặc biệt là phân đạm.
Đến giai đoạn lúa trổ đòng (khoảng 60-70 ngày sau khi gieo sạ) thì người nông dân cần giữ mực nước trong ruộng cao 3-5cm liên tục trong khoảng 10 ngày để đủ nước cho cây lúa trổ và thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép, lửng.
Đến giai đoạn cây lúa khoảng 70 ngày tuổi cho đến khi thu hoạch là giai đoạn lúa ngậm sữa, chắc và chín nên chỉ cần giữ mực nước từ bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15cm để tránh xù phèn.
Phương thức tạo sự liên kết trong sản xuất – Cánh đồng lớn ứng dụng cơ giới hóa
Tham khảo kết quả đánh giá từ những năm đầu tiên cho thấy, kỹ thuật “ướt khô xen kẽ” có thể giảm từ 15-30% lượng nước tưới mà không ảnh hưởng tới năng suất. Ngoài ra, khi áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”, giai đoạn khô (cây lúa ở thời điểm 30-40 ngày sau gieo sạ) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để rễ lúa ăn sâu vào đất và hút dinh dưỡng. Cây lúa có bộ rễ khỏe, thân cứng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và giảm tỷ lệ đổ ngã. Với việc áp dụng kỹ thuật AWD lợi nhuận bình quân tăng từ 3,8 triệu đồng/vụ/ha lên 7 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hương tính toán cho chúng tôi thấy, kỹ thuật mới này giúp ông giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, lượng lúa giống; giảm sử dụng nước, giảm chi phí tránh thất thoát trong thu hoạch. Chưa kể, là những người đầu tiên tham gia chương trình này nên ông nắm bắt các tiến kỹ thuật tốt, mạnh dạn tham gia sản xuất lúa giống cung cấp cho bà con, do vậy lợi nhuận thu được có thể trang trải nhiều hoạt động trong gia đình. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác mới này, gia đình ông đã nuôi 6 người con ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp đại học và một người con đang du học tại nước ngoài. “Tất cả là từ lúa”, ông Hương nói.
Khi quan sát thực tế tại cánh đồng lúa, chúng tôi nhận thấy để đáp ứng các kỹ thuật này trước tiên là hệ thống mương nước được đầu tư khá tốt. Các cánh đồng được làm đất cùng lúc nên bằng phẳng, do vậy đưa máy móc thiết bị cơ giới vào gieo trồng và thu hoạch thuận tiện. Ngoài con lênh lớn dẫn nước quanh năm, các đường nước được xây dựng và phân bổ hợp lý để tưới tràn cũng phù hợp với diện tích từng khu vực.
Điều mà chúng tôi tò mò, với cách đồng lớn như vậy, khi tưới tràn liệu có phản ứng từ chủ ruộng gần đường nước nhất hay không, làm sao để hợp lý những ruộng này không bị thiệt hại do bị trôi phân bón. Giải thích của một nông dân tại đây giúp chúng tôi rõ hơn, rằng những ruộng ở trung tâm xa nhất sẽ bón phân đầu tiên, sau đó lan dần ra đến ruộng gần đường nước nhất.
Được biết, đến nay nhiều huyện tại Bạc Liêu nông dân đã tự thực hiện kỹ thuật AWD khá phố biến. So với phương pháp cấy lúa truyền thống, việc áp dụng kỹ thuật AWD giúp người nông dân giảm từ 2-4 lần bơm nước/vụ, giảm 48-57kg lúa giống/ha và giảm từ 2-4 lần phun thuốc trừ sâu. Đây là một phương thức canh tác được cho là phù hợp để thích ứng với thực tế biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, góp phần bảo vệ môi trường.
VĂN MINH HOA