Kiến trúc truyền thống Việt – Hình mẫu lý tưởng cho kiến trúc xanh

03/01/2018 03:56

(1500)


Khái niệm kiến trúc xanh nghe thật mới mẻ đối với nhiều người Việt Nam. Nhưng ít ai ngờ rằng, những công trình kiến trúc truyền thống Việt từ bao đời nay chính là một trong những hình mẫu lý tưởng của kiến trúc xanh.

Để thích nghi với môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, từ xa xưa, ông cha ta đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng những ngôi nhà truyền thống, như chọn hướng để xây nhà, bố cục và tổ chức không gian khuôn viên đến lựa chọn vật liệu xây dựng, bố trí ao hồ, cây xanh… để ngôi nhà của mình phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhằm tạo một cuộc sống thích nghi nhất phù hợp với tâm sinh lý của người Việt trong điều kiện kinh tế cho phép.

BỐ CỤC CỦA KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG

Bố cục khuôn viên ngôi nhà truyền thống có những nét đặc sắc rất Việt Nam. Cách sắp xếp nhà ở, tổ chức sân vườn, ao cá, công trình sản xuất phụ… trong ngôi nhà truyền thống đều hài hoà với cảnh quan thiên nhiên đã tạo nên được một bố cục tương đối hoàn chỉnh, cần bằng và ổn định.

Đặc biệt là phần sân nhà đã có nhiều tác dụng rõ rệt. Đó là nơi sản xuất, phơi phóng, là nơi tạo ra những luồng gió đối lưu, đồng thời là nơi tổ chức hội họp, ma chay, cưới hỏi…

Cái sân phơi đa chức năng thường nằm ở trung tâm khuôn viên, vì đó không những là nơi diễn ra các sinh hoạt chủ yếu của một gia đình mà còn làm nhiệm vụ điều hoà, cải tạo điều kiện vi khí hậu góp phần tích cực phục hồi sức khỏe cho người dân sau một ngày lao động vất vả, nặng nhọc.

Tương phản nhiệt độ giữa mặt sân đã được nung nóng và bóng mát vườn cây đã góp phần tạo nên dòng khí mát đối lưu hai chiều trong những ngày hè nóng bức. Những kinh nghiệm tổ chức sân vườn này đã được ông cha ta áp dụng vào trong ngôi nhà ống phố cổ và ngày nay đã được các nhà qui hoạch, thiết kế vận dụng sáng tạo trong nhà ở có giếng trời, đã góp phần nâng cao tiện nghi sống cho người dân đô thị hôm nay, cũng như đã góp phần giúp họ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chọn hướng xây dựng ngôi nhà là một việc làm quan trọng, việc làm trước tiên của người dân Việt Nam khi xây dựng ngôi nhà ở. Theo KTS Thanh Ngọc (Báo Xây Dựng, 22/1/2015), khí hậu nước ta mùa hè ẩm ướt, có gió mát thổi từ biển vào (gió Nam, Đông Nam), mùa đông khô có gió lạnh từ lục địa (gió Bắc, Đông Bắc). Để đón được gió mát của mùa hè và tránh được gió rét của mùa đông, nhà ở nhân dân ta thường chọn quay về hướng Nam hay Đông Nam.

Mặt khác, nhà quay về hướng này sẽ tránh được cái nắng Tây bất lợi và chịu được gió bão lớn. Các công trình phụ hầu như được ẩn mình trong các vòm cây xanh của khu vườn, như cố tình nhờ sự che chở, đùm bọc của cây lá để chống chọi với gió bão, đồng thời tranh thủ tận hưởng luồng gió mát và bầu không khí trong lành từ những lùm cây này.

KIẾN TRÚC THEO KHÍ HẬU VÙNG MIỀN

Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa và phân chia theo từng vùng miền, miền Bắc có mùa đông lạnh, miền Nam nắng nóng quanh năm. Dựa vào điều kiện khí hậu của mỗi miền như vậy mà cha ông ta đã có nhiều cách trong thiết kế nhà ở để ứng phó.

Nhà ở vùng Tây Bắc được xây dựng theo kiểu cổ truyền thống có tường rất dày, nhà mở ít cửa và cửa sổ thường có kích thước nhỏ. Đặc điểm của những ngôi nhà kiểu này là mùa hè mát, mùa đông ấm. Ngoài ra, người dân còn sử dụng nhà sàn để tránh ẩm mốc, lũ lụt và thú dữ.

Nhà ở vùng đồng bằng Bắc Bộ được chú trọng đến hướng nhà khi xây dựng. Cùng với đó là các lại hình thức che chắn khác như trồng cây, treo mành tre, dựng các tấm phên dại… để ngăn chặn bức xạ mặt trời vào mùa hè, che chắn gió vào mùa đông.

Nhà ở miền Trung hay ở đồng bằng sông Cửu Long thì lại có nhiều điểm khác. Khí hậu ở những vùng này mang nhiều đặc trưng của nhiệt đới nên lượng bức xạ mặt trời lớn. Một năm chỉ có hai mùa là mùa khô và mùa mưa. Chính vì vậy, ngôi nhà khi được xây dựng thường có tường mỏng, vách đan bằng tre, nứa, gỗ hay bằng đất trộn rơm trát lên khung tre. Đặc điểm của kiểu xây dựng này là vào buổi trưa thường bị bức xạ mặt trời xâm nhập dễ dàng nhưng lúc xế chiều nó lại tạo điều kiện cho khí nóng thoát ra khỏi nhà một cách nhanh chóng, làm cho ngôi nhà chóng mát hơn.

KẾT HỢP KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG VÀ KIẾN TRÚC XANH

So với kiến trúc truyền thống Việt Nam thì kiến trúc hiện đại có một số điểm phát triển hơn. Đó là việc chú trọng bảo vệ hệ thống sinh thái, giảm bớt tác hại đến môi trường, đáp ứng yêu cầu tối đa chiếu sáng và thông gió tự nhiên.

Kiến trúc xanh ưu tiên tối đa cho việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên tự nhiên, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt; giảm thải chất thải, khí, nước thải; đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Tuy vậy, kiến trúc xanh cũng tiếp thu một phần lớn từ kiến trúc truyền thống. Đó là việc tận dụng các vật liệu tự nhiên, đặc biệt là những vật liệu địa phương truyền thống. Kèm theo đó là việc tái sử dụng các nguyên vật liệu.

Một điểm tương đồng khác chính là việc sử dụng cây xanh mặt nước như là một số nhân tố tạo cảnh quan môi trường, làm sạch không khí. ThS. Phạm Thị Hải Hà – giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường Đại học Xây dựng nhận định: Trong kiến trúc truyền thống, cây xanh mặt nước đã trở thành một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong bố cục khuôn viên truyền thống của người dân Việt chúng ta. Vườn và ao trong khuôn viên gia đình nông dân đã trở thành một hệ cân bằng sinh thái (Vườn – Ao – Chuồng) (Báo Xây Dựng, 22/1/2015).

Ngoài ra cả hai loại hình kiến trúc đều tập trung tối đa vào việc chiếu sáng tự nhiên cho công trình, chỉ sử dụng nguồn sáng nhân tạo khi nguồn sáng tự nhiên không thể đáp ứng đủ hoặc vào ban đêm. Nếu biết phối hợp hài hòa giữa nguồn sáng tự nhiên và nguồn sáng nhân tạo, ta có thể đáp ứng nhu cầu về việc chiếu sáng, bên cạnh đó lại tiết kiệm được một nguồn năng lượng đáng kể.

Tóm lại, muốn phát triển thành công xu hướng kiến trúc xanh tại Việt Nam, cần nghiên cứu và học hỏi những bài học kinh nghiệm từ kiến trúc truyền thống của cha ông ta. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiến bộ và phù hợp của các nước trên giới để có thể tạo nên những công trình xanh có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

THANH TỊNH (Tổng hợp)

Đọc thêm

lên đầu trang