Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị UBND thành phố cần có một chương trình thống kê hệ thống kênh rạch, đánh giá hiện trạng về dân cư, mục đích sử dụng để định hướng cho việc quản lý sông kênh rạch trên địa bàn.
Hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa nhanh chóng gây nên tình trạng nước biển xâm lấn, sạt lở, sụt lún; các hiện tượng san lấp, xây dựng lấn chiếm trái phép, ô nhiễm môi trường… Do đó, huy động nguồn lực trí tuệ, nguồn lực kinh tế xã hội với sự tham gia của nhà nước, chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp tư nhân… là rất quan trọng nhằm đưa ra giải pháp khoa học và toàn diện nhằm ứng phó với các nguy cơ, thách thức, đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế về tự nhiên, cảnh quan và môi trường sông ngòi, kênh rạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội TP.
Khó khăn việc xác định hành lang bảo vệ sông kênh rạch
Thời gian qua, liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên nước, Sở TN&MT TP.HCM đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều chương trình, như: Đầu tư mở rộng mạng quan trắc chất lượng môi trường; tăng cường kiểm tra, xử lý các nguồn xả thải vượt tiêu chuẩn vào môi trường; tăng cường giám sát đối với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường; phối hợp với các địa phương giáp ranh để phối hợp xử lý các điểm nóng về môi trường khu vực giáp ranh (knh Ba Bò, kênh Thầy Cai – An Hạ)…
Tuy nhiên, theo Sở TN&MT TP.HCM, việc xác định hành lang bảo vệ sông kênh rạch và các chương trình bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên nước cũng còn gặp nhiều khó khăn vì các lý do. Đơn cử như hiện nay, chỉ mới có các tuyến giao thông thủy hoàn thành việc lập và công bố mép bờ cao (đường bờ) dựa trên cơ sở bộ bản đồ địa chính hoàn thành năm 2005. Trong khi các tuyến sông kênh rạch phục vụ việc thoát nước và tưới tiêu (và cấp nước cho 1 số vùng) lại chưa được xác định. Ngoài ra, đường bờ của các tuyến giao thông thủy đã công bố dựa trên cơ sở bộ bản đồ địa chính hoàn thành năm 2005 và đến nay đã bị thay đổi khá nhiều do hiện tượng sạt lở bờ sông và các công trình làm thay đổi dòng chảy, đặc biệt là ở các quận 4, 7, 8…
Bên cạnh đó, một số tuyến kênh rạch hiện không thể cắm mốc hành lang theo quy định được vì đã hình thành các khu dân cư, công trình cao tầng ổn định sát bờ sông. Thêm vào đó, việc xả thải ra các tuyến sông kênh rạch vẫn chưa được kiểm soát…
Cần đề án quy hoạch tuyến sông, kênh rạch
Trước tình hình này, Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị UBND thành phố cần xây dựng chương trình thống kê hệ thống kênh rạch, đánh giá hiện trạng về dân cư, mục đích sử dụng để định hướng cho việc quản lý sông kênh rạch trên địa bàn TP; xây dựng đề án quy hoạch chi tiết cho tuyến sông kênh rạch trên địa bàn… Trên cơ sở quy hoạch này, triển khai xây dựng các công trình phục vụ công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường như công viên cây xanh, các hệ thống quan trắc, xử lý nước thải… Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống bờ kè dọc theo các tuyến sông kênh rạch và làm cơ sở để xác định hành lang bảo vệ, phòng chống sạt lở.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, sắp tới thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh đề án quy hoạch phát triển bờ kè sông, kênh rạch nội thành TP.HCM. Bên cạnh đó, xây dựng khung pháp lý phát triển và quy chế quản lý thống nhất, đồng bộ, làm rõ trách nhiệm từng cơ quan Nhà nước, vai trò của người dân và doanh nghiệp, có biện pháp chế tài đủ mạnh để triển khai thực hiện quy chế này. |
Theo PLO