Khủng hoảng khí hậu đã hiển hiện trước mặt chứ không phải là chuyện trong tương lai với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Khu vực châu Á và Thái Bình Dương – nơi dễ bị thiên tai nhất thế giới – trong năm 2019 đã cảm nhận được thực tế khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Khói mù độc hại bao trùm các siêu đô thị châu Á, hàng trăm người chết vì lũ lụt và lở đất, lốc xoáy và nạn cháy rừng, hạn hán và sóng nhiệt chết người khiến các đô thị gần như cạn kiệt nước. Các nhà khoa học cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn và nó gây ra những hậu quả tàn khốc ở châu Á – Thái Bình Dương.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có 60% dân số thế giới, là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất vì khủng hoảng khí hậu. Theo đài CNN, đối với hàng triệu người sống ở châu Á – Thái Bình Dương, khủng hoảng khí hậu đã chạm đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, trong khi nhiều người ở các nước phát triển coi đó là một vấn đề cấp bách nhưng xảy ra trong tương lai.
Nhiều thành phố lớn ở châu Á – gồm Mumbai, Thượng Hải, Bangkok, TP.HCM và Jakarta – nằm ven biển và ở vùng trũng, nên dễ chịu tác động của tình trạng nước biển dâng và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác. Ngoài ra, các nước châu Á đang phát triển nhanh, công nghiệp hóa và phụ thuộc vào than đang có mức phát thải carbon dioxide (CO2) ngày càng tăng.
“Nếu lúc này chúng ta không có hành động cấp bách, chúng ta đang hướng đến mức tăng hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ này, với tác động gây hại hơn bao giờ hết đối với con người. Chúng ta còn lâu mới đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris” – Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas tuyên bố.
Trong khi đó, ông Tagaloa Cooper-Halo, chuyên gia về biến đổi khí hậu của Chương trình Môi trường khu vực Thái Bình Dương (SPREP), xác nhận mực nước biển đang tăng tốc dâng lên. Theo ông, giới chuyên môn dự kiến mực nước biển dâng trong khoảng 20 năm sẽ cho thấy những thay đổi nhưng điều đó đang xảy ra ngay bây giờ.
Trong một báo cáo mang tính bước ngoặt trong năm nay, Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) khẳng định mực nước biển toàn cầu đang dâng cao hơn dự kiến. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 5 năm nay cho thấy phát thải khí nhà kính ngày càng tăng, nhiệt độ ấm lên, sông băng tan chảy và các tảng băng không còn nữa có thể khiến mực nước biển tăng hơn 2 m vào cuối thế kỷ này, nếu như con người tiếp tục không kiểm soát được khí thải.
Chưa hết, khoảng 2,4 tỉ người – khoảng một nửa dân số châu Á – sống ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Năm nay, lũ lụt và lở đất tàn phá khắp Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh, làm hàng trăm người chết.
Hơn nữa, trong năm 2019, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Philippines đều hứng chịu những cơn bão nhiệt đới và siêu bão – hoặc lốc xoáy – khiến hàng chục người chết, hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và bị thiệt hại hàng triệu USD. Cuộc khủng hoảng khí hậu dự kiến sẽ gây ra nhiều bão táp hơn, lượng mưa tăng lên và gió mạnh hơn.
Khủng hoảng khí hậu còn làm cho lượng mưa và gió mùa hằng năm thất thường hơn, nên hạn hán và tình trạng thiếu nước trở nên nghiêm trọng hơn. Một báo cáo mới trong tháng này cho biết 1/4 dân số thế giới đang sống ở những khu vực mà tài nguyên nước không đủ cho nhu cầu của người dân.
Thái Lan hạn hán, Philippines hứng bão
Cục Khí tượng Thái Lan dự báo tình trạng hạn hán ở nước này sẽ khắc nghiệt nhất trong vòng 40 năm qua và kéo dài đến tháng 5/2020. 43 tỉnh ở miền Bắc, Đông Bắc và miền Trung của Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thái Lan, bà Kornrawee Sitthichivapak, cho biết giai đoạn nghiêm trọng nhất là vào tháng 1 và 2 năm sau vì lượng nước dự trữ xuống thấp. Do nhiệt độ tăng cao và tác động của hiện tượng thời tiết khắc nghiệt El Nino nên khó có khả năng có mưa cho đến đầu mùa mưa vào tháng 5/2020. Dự báo, tình trạng hạn hán sắp tới có thể sẽ nghiêm trọng hơn năm 1995 và giai đoạn 2015-2016. Người dân ở thủ đô Bangkok và các khu vực đô thị được cảnh báo bị ảnh hưởng do thiếu nước trầm trọng. Đường sá khô nứt, bờ sông sạt lở và nước biển xâm lấn vào khu vực Pathum Thani tác động đến hoạt động sản xuất nước sạch cung cấp cho cư dân ở Bangkok. Theo tờ Chiang Rai Times (Thái Lan), nông dân Thái Lan nhiều khả năng sẽ đối mặt với một năm 2020 đầy khó khăn vì dự báo hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn mức bình thường. Đáng chú ý, mực nước trong các hồ chứa ở tỉnh miền Trung và Đông Bắc giảm thấp. Diễn biến thời tiết bất thường cũng khiến hàng ngàn người ở Philippines không thể tận hưởng dịp lễ Giáng sinh trọn vẹn khi bão Phanfone đổ bộ tỉnh Đông Samar hôm 24/12 kèm theo mưa to, gió lớn. Theo trang Rappler, Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho hay bão Phanfone có sức gió tối đa 110 km/giờ, gió giật lên đến 135 km/giờ và đang di chuyển về phía Tây. Cơn bão được dự báo có thể mạnh thành siêu bão với sức gió lên đến 120 km/giờ trong ngày 25/12 (giờ địa phương). Các tàu thuyền nằm trên đường đi dự kiến của cơn bão được lệnh neo tại cảng trong khi người dân ở khu vực bờ biển cũng như những nơi dễ bị lũ lụt và sạt lở được khuyến cáo đến nơi an toàn. Các hãng hàng không cũng hoãn hàng chục chuyến bay nội địa. |
Theo NLĐ