Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng thế giới đã “thua trong một cuộc đua về biến đổi khí hậu” và báo cáo mới nhất nêu rõ khoảng cách ngày càng rộng giữa những tiêu chuẩn và thực tế đang xảy ra. Thay vì giảm, khí CO2 đã tăng 2% trong năm 2018, đạt mức cao kỷ lục 37 tỷ tấn.
Ngày 23/9, trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng Thư ký (TTK) Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết 66 chính phủ cùng với 10 khu vực, 102 thành phố, 93 doanh nghiệp và 12 nhà đầu tư đã cam kết giảm lượng khí thải CO2 về bằng 0 vào năm 2050, một mục tiêu then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trong dài hạn.
Khoảng 60 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới đã có mặt ở New York (Mỹ) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu LHQ nhằm làm hồi sinh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong bối cảnh loài người đang ngày càng xả một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
Trước đó, LHQ đã công bố báo cáo cảnh báo thế giới đang bị “bỏ lại đằng sau” trong cuộc chạy đua cứu vãn Trái đất thoát khỏi các thảm họa môi trường do nền nhiệt tiếp tục ấm lên, với giai đoạn từ năm 2015-2019 dự báo là giai đoạn nắng nóng chưa từng có.
Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết gia tăng các hành động cụ thể để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015-2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây với mức nhiệt độ cao hơn 1,1 độ C so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900 (thời kỳ tiền công nghiệp) và cao hơn 0,2 độ C so với giai đoạn 2011-2015. Như vậy, 4 năm qua là thời kỳ nắng nóng nhất trên thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ năm 1850.
Ông Guterres nói rằng thế giới đã “thua trong một cuộc đua về biến đổi khí hậu” và báo cáo mới nhất nêu rõ khoảng cách ngày càng rộng giữa những tiêu chuẩn và thực tế đang xảy ra. Thay vì giảm, khí CO2 đã tăng 2% trong năm 2018, đạt mức cao kỷ lục 37 tỷ tấn.
Trong Thỏa thuận Paris 2015, các nước đã đưa ra mục tiêu quốc gia nhằm giảm lượng khí thải để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng ngay cả khi tất cả các quốc gia đáp ứng các mục tiêu mà họ tự đặt ra, thế giới vẫn sẽ ấm lên từ 2,9 độ C đến 3,4 độ C. Liên Hợp Quốc ước tính các nước phải nỗ lực gấp 5 lần để đạt được mục tiêu trên.
Báo cáo cũng cho thấy sóng nhiệt là mối nguy hiểm về thời tiết lớn nhất trong giai đoạn 2015-2019, ảnh hưởng đến tất cả các châu lục và lập kỷ lục nhiệt độ quốc gia mới. Mùa hè năm 2019 là thời điểm nóng nhất từng được ghi nhận và tháng 7 vừa rồi đã xảy ra những vụ cháy rừng chưa từng thấy ở Bắc Cực.
Theo Báo Chính Phủ