Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) rất hoan nghênh Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn thành phố, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện quyền được tách thửa đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của thành phố, và kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công tác triển khai, tổ chức thực hiện cần phải kịp thời và hiệu quả của các Sở, ngành, quận, huyện, vì cho đến nay đã hơn nửa tháng kể từ ngày Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND có hiệu lực, nhưng vẫn chưa có văn bản của các Sở, ngành hướng dẫn để quận, huyện có căn cứ triển khai, thực hiện; và các quận, huyện cũng chưa xây dựng quy chế giải quyết tách thửa đất để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhằm thực hiện thống nhất trên địa bàn thành phố, trong lúc tình hình phân lô, tách thửa tại một số quận ven và huyện ngoại thành đang diễn biến khá phức tạp, nhất là tại quận 9.
Bên cạnh đó, có quan ngại về việc “đầu nậu” lợi dụng để tách thửa các thửa đất lớn hơn 2.000m2; và cũng có quan ngại về việc một số quận, huyện có thể dễ dãi trong việc cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở rồi sau đó thực hiện tách thửa phân lô, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan, băm nát bộ mặt đô thị, hình thành các khu dân cư không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ và tiện ích như trong thời gian trước đây.
Sau đây là một số ý kiến đề xuất của HoREA với Ủy ban nhân dân thành phố:
Thứ nhất: Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, quận, huyện sớm ban hành các văn bản hướng dẫn; Quy chế giải quyết tách thửa đất để triển khai, tổ chức thực hiện theo Điều 7 Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND.
A. Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành cấp huyện gồm Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện phụ trách về quản lý đất đai, quy hoạch; phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện và đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất, tùy trường hợp cụ thể mà mời thêm các đơn vị khác có liên quan tham gia, để giải quyết tách thửa đất có hình thành đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, tách thửa đất nông nghiệp tại điểm b, khoản 1, Điều này. “Xây dựng quy chế giải quyết tách thửa đất”, để tổ chức thực hiện và gửi quy chế này đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, theo dõi, thực hiện thống nhất trên toàn thành phố.
– Tổ chức họp Tổ công tác liên ngành để xem xét, quyết định tách thửa đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn: diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại và thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa không nhỏ hơn 25m2, chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 03m đối với đất ở và không nhỏ hơn 300m2 đối với đất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát điều kiện về hạ tầng kỹ thuật của khu vực để giải quyết cho phù hợp.
– Trên cơ sở kết quả giải quyết tách thửa đất theo quy định tại Quyết định này, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân.
– Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định này và kế hoạch cụ thể từng năm trong công tác quản lý tách thửa đất có hình thành hạ tầng kỹ thuật phù hợp với phát triển dân cư (tăng dân số) và đảm bảo kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác tách thửa đất trên địa bàn, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tách thửa không đúng quy định và không đảm bảo về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Định kỳ 06 (sáu) tháng/01 lần, báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường.
– Thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chức năng và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp tách thửa đất không đúng quy định, không đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt.
– Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân quận, huyện kịp thời có báo cáo gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn giải quyết hoặc tổng hợp, báo cáo, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo quy định.
B. Trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan:
– Sở Tài nguyên và Môi trường:
Ban hành quy chế chung (quy chế mẫu) giải quyết tách thửa đất và hướng dẫn cho các quận, huyện để tổ chức thực hiện.
Theo dõi, hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc tổng hợp báo cáo, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo quy định đối với các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện
– Sở Quy hoạch – Kiến trúc: chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nghiệm thu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông, đảm bảo hạ tầng xã hội theo quy hoạch đô thị được duyệt quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 5 Quyết định này.
– Sở Xây dựng: hướng dẫn việc cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng theo quy định; phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc hướng dẫn thực hiện điểm c, khoản 1, Điều 5 Quyết định này.
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện hướng dẫn điểm a, khoản 2, Điều 5 Quyết định này về tách thửa đất được quy hoạch đất được quy hoạch giữ lại để sản xuất nông nghiệp.
– Sở Công thương, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh: theo chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết các thủ tục về đầu tư, đấu nối hệ thống điện, cấp nước, thoát nước theo quy định.
– Sở Tư pháp: hướng dẫn các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện đúng quy định tại Quyết định này; tổ chức hành nghề công chứng không được công chứng hợp đồng, giao dịch đối với trường hợp tách thửa đất không đảm bảo theo quy định tại Quyết định này.
Thứ hai: Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chí chặt chẽ để quản lý, kiểm soát các trường hợp tách các thửa đất lớn có hình thành đường giao thông nội bộ, nhất là các thửa đất có diện tích từ 2.000m2 trở lên; và các trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở, để hạn chế việc “đầu nậu” lợi dụng để phân lô tách thửa đất nông nghiệp tràn lan.
Thứ ba: Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn phối hợp với lực lượng Thanh tra xây dựng Sở Xây dựng, cán bộ địa chính cơ sở để quản lý hoạt động tách thửa, phân lô trên địa bàn.