HoREA Khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản quan tâm phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp

27/02/2019 02:49

(30)


Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/2/2019 cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động hoặc để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp.

Mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

“Trái phiếu doanh nghiệp” là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một phương thức huy động vốn đối với doanh nghiệp hội đủ điều kiện và có phương án đầu tư, kinh doanh khả thi, góp phần làm đa dạng hóa các nguồn vốn và giảm bớt dần sự lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Nghị định này có nhiều quy định mới và phù hợp hơn với tình hình hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp:

– Quy định loại hình “Trái phiếu doanh nghiệp xanh” để đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường;

– Quy định điều kiện phát hành trái phiếu trong nước đối với “Trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền” yêu cầu doanh nghiệp là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 163/2018/NĐ-CP. Trong đó, quy định doanh nghiệp có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán, mà không còn yêu cầu “kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi” như quy định trước đây tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP;

– Quy định điều kiện phát hành trái phiếu trong nước đối với “Trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm theo chứng quyền” quy định doanh nghiệp phát hành phải là công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 163/2018/NĐ-CP. Đối với doanh nghiệp phát hành là công ty đại chúng còn phải đáp ứng điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng;

– Quy định về mệnh giá trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế được thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.

Trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn vốn tín dụng ngân hàng vào thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có 08 khuyến nghị đối với doanh nghiệp bất động sản nhằm ứng phó thích hợp với lộ trình này.

Trong đó, Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp quan tâm phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp như Novaland, TTC Land, TNR…và sắp tới là trái phiếu doanh nghiệp của Vinhomes.

Trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư do lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhất là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có uy tín thương hiệu và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Với hành lang pháp lý hình thành trên cơ sở Nghị định 163/2018/NĐ-CP, Luật chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng và nhu cầu vốn ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, chắc chắn thị trường phát hành trái phiếu sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm sắp tới.

Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu.

Đọc thêm

lên đầu trang