Hội thảo rác thải nhựa đại dương

05/10/2019 10:38

(113)


Trong mối quan tâm đồng hành với môi trường Việt Nam trước vấn nạn to lớn hiện nay về rác thải nhựa đại dương mà VN là 1 trong 5 quốc gia có lượng thải nhiều nhất trên Thế giới, Đại Sứ quán Na Uy tổ chức 1 hội thảo chuyên đề này với dự án dưới tên gọi “Biến Nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn -OPTOCE” ở Myst hotel Quận 1, TP.HCM chiều ngày 04/10/2019.

Ban Tổ chức và các đại biểu tham luận

Đến tham dự hội thảo có bà Grete Lochen – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, đại diện thường trú VN của Chương trình Phát triển LHQ UNDP, Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ UNIDO, điều phối viên Chương trình Biển – Bờ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM cùng với sự hiện diện của hơn 40 khách mời đến từ 2 công ty INSEE, LEE&MAN liên quan dự án, của các cơ quan quản lý chuyên ngành và các Hội Đoàn, đơn vị môi trường…

Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy phát biểu khai mạc

Sau phần phát biểu khai mạc của bà Đại sứ Na Uy là phần trình bày Dự án OPTOCE của Tiến sĩ Kare Karstensen của Quỹ Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy SINTEF. Dự án nêu lên tình trạng ngày càng phát triển lan tràn khó kiểm soát của rác nhựa đại dương, về yêu cầu chặn đứng việc phát thải bừa bãi, về thu gom tái chế theo phương thức “đồng xử lý” bằng tách lọc, ứng dụng công nghệ tích hợp để vừa lấy nguyên liệu tái sinh cho ngành nhựa vừa lấy thải nhựa không tái chế được làm chất đốt tạo nhiệt năng nung xi măng, vật liệu xây dựng vừa tiết kiệm nhiên liệu đốt lò, vừa giảm thiểu phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế tối đa việc chôn lấp, đốt bỏ.

Các đại biểu dự Hội thảo

Tiếp theo là phần tham luận của đại diện các đơn vị Vụ Quản lý chất thải thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, của công ty Giấy Lee & Man, của xi măng Insee, của UNDP, UNIDO và Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên IUCN… nói về thực trạng quản lý chất thải nhựa, về chủ trương chính sách cho hoạt động, về các giải pháp công nghệ sàng lọc tái chế, về tính hiệu quả của co-processing khi tích hợp xử lý, về bảo vệ đại dương khỏi ô nhiễm rác nhựa, về sự cần thiết phải ngăn chặn các lò đốt mở làm phung phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Đại diện Quỹ Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy SINTEF trình bày dự án

Phần cuối buổi Hội thảo, đại diện Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy SINTEF đã tóm tắt đề tài, các ý kiến tham luận, định hướng lộ trình phát triển dự án OPTOCE theo dạng thúc đẩy đối tác công – tư và hợp tác quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu dự án.

LÊ HÙNG

Đọc thêm

lên đầu trang