Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) vừa phối hợp cùng Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI – chi nhánh TP.HCM), tổ chức cuộc hội thảo về “EVFTA – Cơ hội nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” trong buổi sáng ngày thứ Sáu 9/10/2020, tại Hội trường Khách sạn Kim Đô, quận 1, TP.HCM.
Buổi hội thảo – tập huấn quy tụ khoảng gần 300 khách tham dự đến từ các cơ quan quản lý nông nghiệp, các doanh nghiệp tại TP.HCM và các đia phương trong khu vực, các cơ quan truyền thông và 2 ngân hàng thương mại có chương trình tài trợ vốn dự án nông nghiệp.
Chương trình hội thảo có rất nhiều bài tham luận của 8 diễn giả. Hội thảo còn lồng ghép với các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch Viet GAP, Global GAP, nông sản hữu cơ, phân bón… của các nhà vườn, trang trại, công ty và các đơn vị có chương trình ứng dụng quản lý nông nghiệp cùng các ngân hàng có gói vay vốn dự án nông nghiệp.
Sau bài phát biểu khai mạc của lãnh đạo VFAEA, Phó Chủ tịch VCCI đã đại diện Ban tổ chức đọc lời chào mừng hội thảo và phát biểu về chủ trương của Chính phủ trong hỗ trợ phát triển xuất khẩu nông sản sạch đi thế giới nói chung và thị trường Âu châu nói riêng. Đây được coi là điều kiện rất tốt để nông sản Việt tự hoàn thiện mình mà tăng tính cạnh tranh ra thị trường nước ngoài.
Tại hội thảo, đại diện của Cục Chế biến – Phát triển thị trường Nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Văn phòng VCCI; Hiệp Hội Rau – Củ – Quả Việt Nam, đã phát biểu tham luận nhận diện về cơ hội lẫn thách thức của Nông sản Việt Nam qua cửa EVFTA để hòa nhập vào thị trường 500 triệu dân EU vốn rất khắt khe về độ an toàn vệ sinh và chất lượng sản phẩm.
Các tham luận này cũng nhấn mạnh nhiều điểm mà các doanh nghiệp nông nghiệp Việt cần lưu ý chuẩn bị để vượt các rào cản kỹ thuật, kiểm định, chính sách từ thị trường EU. Đó còn là các vấn đề về logistics, các chứng nhận hàng hóa… mà doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường này cần biết để không vướng mắc vào những khó khăn, ách tắc về mặt thủ tục vốn rất chặt chẽ của EU và cả ở Việt Nam.
Đại diện của Công ty Giám định NHO, Truy xuất Mã nguồn gốc I-Check, Công ty Sao Nam – Bao bì bảo quản Nông sản SANCO PACK, VINA T&T… đã phát biểu tham luận về các giải pháp nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch và bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, việc sử dụng các ứng dụng áp mã chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc, các giấy tờ thủ tục cần hoàn chỉnh để xuất hàng vào EU là rất cần thiết. Các bài tham luận này cũng chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu trái cây, rau củ quả… vào thị trường EU để các doanh nghiệp đang muốn đưa hàng vào thị trường này nên lưu ý. Đồng thời, 2 ngân hàng HD Bank và VP Bank cũng đã nói về các gói hỗ trợ tài chính hợp lý và tiện ích cho hệ thống sản xuất nông sản xuất khẩu của Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến thắc mắc từ khách mời và được giải đáp từ các diễn giả. Tất cả các phát biểu đóng góp đều nhấn mạnh đến các giải pháp kỹ thuật, tài chính, thủ tục để rộng đường cho nông sản Việt thâm nhập bền vững vào thị trường EU.
LÊ HÙNG