Hội chứng Asperger có khác gì với Rối Loạn Phổ Tự Kỷ không?
(90)
Có người cho rằng chẩn đoán Rối Loạn Phổ Tự Kỷ là sai, họ không muốn như vậy, con họ chỉ mắc hội chứng Asperger!
Thực ra trong phiên bản cũ DSM-IV-TR năm 2000 của Hoa Kỳ thì không có tên Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (Autism Spectrum Disorder) mà là Rối Loạn Tự Kỷ (Autistic Disorder). Còn hội chứng Asperger hay Rối Loạn Asperger là chẩn đoán được sắp riêng và cả hai Rối Loạn Tự Kỷ và hội chứng Asperger đều nằm trong nhóm chung là Rối Loạn Phát Triển Lan Toả (Pervasive Developmental Disorder) trong sổ tay DSM-IV-TR năm 2000.
Sang đến phiên bản mới cập nhật DSM-5 năm 2013 thì đã không còn tên Rối Loạn Phát Triển Lan Toả, tên gọi Rối Loạn Tự Kỷ được thay bằng Rối Loạn Phổ Tự Kỷ bao gồm luôn cả hội chứng Asperger.
Thực ra hội chứng Asperger cũng là Rối Loạn Phổ Tự Kỷ và đã được gộp chung vào một nhóm lớn có tên là Rối Loạn Phát Triển Thần Kinh (Neurodevelopmental Disorders) vì có nhiều triệu chứng chung, chỉ khác là mức độ nhẹ hơn thôi. Do đó, tên gọi hội chứng Asperger không còn dùng nữa mà dùng chung là Rối Loạn Phổ Tự Kỷ.
Theo cách phân loại mới trong sổ tay DSM-5 thì khi ghi chẩn đoán Rối Loạn Phổ Tự Kỷ thì cần ghi thêm là đã có ngôn ngữ chức năng chưa? Có khuyết tật trí tuệ đi kèm không? Có vấn đề về y khoa khác đi kèm hay không?
Nếu làm chẩn đoán kỹ lưỡng thì cần nhận xét thêm điểm mạnh, điểm yếu và tiềm năng của trẻ để có hướng can thiệp ban đầu. Việc lên chương trình can thiệp chi tiết thì cần được thực hiện ở trung tâm can thiệp hay trường chuyên biệt, nơi khám và chẩn đoán không có chức năng lên chương trình can thiệp.
Nhiều phụ huynh hay nhà chuyên môn không học về chẩn đoán và lượng giá phát triển bằng thực hành lâm sàng bài bản và có giám sát chuyên môn để có mức chẩn đoán tin cậy, mà chỉ đọc thông tin trên mạng, rồi đi cãi với người làm chẩn đoán. Họ cố chứng minh rằng nhà chuyên môn làm chẩn đoán sai, con mình không bị Rối Loạn Phổ Tự Kỷ, hay học sinh của mình “biết nói” mà sao lại có Rối Loạn Phổ Tự Kỷ? Hay là bé chỉ bị Tăng Động “giàu năng lượng”!
Quả thật là khôi hài khi chẳng có học hành bài bản khoa học gì mà cứ nói vớ vẩn, bịa ra thuật ngữ để gây ấn tượng. Nếu là y khoa thực chứng và có đo đạc bằng hình ảnh hay mắt thấy rõ tổn thương thì chắc không có nhiều người muốn nói thế nào cũng được! Chẳng có tài liệu khoa học nào nói là Tăng Động do “giàu năng lượng” cả! Ai đo được năng lượng cơ thể? Đo bằng phương tiện gì?
Rối Loạn Tăng Động Kém Chú Ý là do rối loạn của sự tự điều chỉnh (Self-regulation), chức năng kềm chế (Inhibition) bị suy kém, đây là một thành phần của chức năng điều hành (Executive Function), là chức năng của não trán trước (Prefrontal cortex).
Chẩn đoán về các Rối Loạn Phát Triển Thần Kinh là vấn đề phức tạp, cần nắm vững nền tảng về nhiều lãnh vực khác nhau: phát triển bình thường, khoa học thần kinh, tâm lý học thần kinh, tâm bệnh phát triển, các nguyên lý làm lượng giá chẩn đoán, chẩn đoán phân biệt… chứ cứ đọc Google rồi xem YouTube không mà làm được chẩn đoán lâm sàng thì cần gì phải đi học y khoa 10 năm?
Học tâm lý lâm sàng 6-8 năm? Học hành bài bản bao giờ cũng gắn liền giữa lý thuyết, thực hành có giám sát bởi những người có chuyên môn sâu về lãnh vực đó, cập nhật các nghiên cứu khoa học để bắt kịp sự tiến bộ.
Người làm chẩn đoán cần phải trung thực và dựa vào các căn cứ khoa học, các luận giải chi tiết, các chẩn đoán phân biệt và người làm chẩn đoán có chức năng thông báo để phụ huynh biết được vấn đề thực tế của con mình mà can thiệp sớm và đúng đắn.
Thay vì thảo luận với nhà chuyên môn về các cách can thiệp, nơi chốn cần tìm để làm can thiệp sao cho có hiệu quả thì có một số phụ huynh lại không muốn nghe điều thật. Phụ huynh cố tìm cách chứng minh rằng nhà chuyên môn chẩn đoán sai, rồi tìm kiếm đồng minh là những người chẳng hiểu rõ về khoa học lượng giá chẩn đoán, chỉ thích nghe những điều mình thích nghe, thậm chí là sự xoa dịu lừa phỉnh và không cơ sở khoa học.
Khi phụ huynh làm như thế chỉ thiệt thòi cho con, chỉ làm cho quá trình can thiệp trễ nãi, mất thời gian, tốn tiền bạc và có khi tìm kiếm những dịch vụ không có khoa học, gây hại cho trẻ.
MỚI ĐĂNG
- Diamond Event thực hiện thành công sự kiện với qui mô hơn 320 gian hàng tại Kiên Giang
- Hội nghị phổ biến chính sách giảm thiểu nhựa cho ngành hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, hàng không, đồ ăn nhanh và sản xuất bao bì
- Thói quen xanh những cách đơn giản để bảo vệ môi trường hàng ngày
- Gian Hàng Xanh ESG – điểm đến của sản phẩm xanh, du lịch xanh thân thiện môi trường
- ECO Solutions với chiến dịch “Cooking to Green” : Bữa trưa an toàn bổ dưỡng, gắn kết và thân thiện với môi trường
- Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024
- Alena Energy khởi động Dự án sản xuất thiết bị lưu trữ điện năng lượng xanh
- HANE phát động chương trình “Hành động Xanh” cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên và môi trường
- HANE trao tặng Vùng 2 Hải quân 100 ngàn cây thực hiện chương trình “Một triệu cây vì biển, đảo Tổ quốc, vì quê hương Việt Nam xanh”
- Giải bóng đá thiện nguyện hướng về miền Bắc thân yêu: “Một trái tim – Triệu yêu thương”