Hội Bảo vệ TN&MT TP.HCM (HANE) tham quan nhà máy xử lý chất thải và nước thải tại tỉnh Bình Dương

14/12/2018 04:42

(113)


Ngày 13/12/2018, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường TP.HCM (HANE) đã có chuyến tham quan thực tế tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương và Nhà máy Xử lý nước thải Thuận An tại tỉnh Bình Dương.

Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Bình Dương và Nhà máy Xử lý Nước thải Thuận An đều do Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương – Biwase (trước là Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương) làm chủ đầu tư.

THAM QUAN KHU LIÊN HỢP XỬ LÝ CHẤT THẢI BÌNH DƯƠNG – ĐÃ SẢN XUẤT ĐƯỢC PHÂN BÓN COMPOST  

Trong quá trình tham quan, đoàn tham quan Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM đã nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt từ Ban lãnh đạo của Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Bình Dương. Các thành viên của đoàn được các cán bộ kỹ thuật trong nhà máy hướng dẫn tận tình để hiểu qui trình và dây chuyền tiếp nhận rác, phân loại rác, xử lý phân loại rác thải sinh hoạt quy trình làm phân compost.

Đến nay, Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Bình Dương đã hoàn thành các hạng mục công nghệ tái chế, xử lý rác thải khá hiện đại, bao gồm: nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày; lò đốt rác công nghiệp và rác công nghiệp nguy hại công suất 320 tấn/ngày; lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 1.000 m3 và xử lý nước thải công nghiệp 50 m3/ngày…

Đặc biệt, với tiêu chí làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Bình Dương còn sử dụng khí biogas từ rác thải để phát điện với công suất 2.000 kwA; tái chế tro xỉ lò đốt và bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ngày để sản xuất gạch bê tông Biwase Con Voi phục vụ cho xây dựng…

Phát biểu với đoàn tham quan của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM, Phó Giám đốc Nhà máy Xử lý Chất thải – ông Ngô Chí Thắng, cho biết hiện nay việc xử lý chất thải và nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn và cần được trợ giúp các chính sách tiêu tụ sản phẩm tái chế. Các sản phẩm gạch con voi hay phân bón Compost hiện khó bán vì nhận thức xã hội còn ngại sản phẩm được chế từ rác và cũng vì giá thành còn cao.

Ông Ngô Chí Thắng thẳng thắn nói, một sản phẩm cùng loại thì các doanh nghiệp khác mua nguyên liệu và sản xuất nên chắc chắn giá rẻ hơn so với tái chế. Quá trình tái chế phải sàng lọc các loại rác, nguyên liệu rác không ổn định, quá trình này cũng đã làm cho chi phí tạo nên nguyên liệu cao hơn thông thường, từ đó giá sản phẩm cũng cao.

“Việc giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tái chế phải được thực hiện đồng bộ, từ hỗ trợ vốn vay, lãi suất, thuế đất… đến kêu gọi xây dựng hành vi người tiêu dùng ủng hộ để bảo vệ môi trường”. ông Ngô Chí Thắng nói.

 

Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi trường TP.HCM, ông Đặng Văn Khoa, cũng đã ghi nhận những ý kiến này. Ông Đặng Văn Khoa cho biết, đây là điều mà nhiều doanh nghiệp chế biến rác tại TP.HCM cũng gặp phải. Đó là do việc phân loại rác đầu nguồn chưa tốt nên quá trình phân loại và xử lý rác thải gặp khó khăn, chi phí cao, chất lượng sản phẩm hàng tiêu dùng tái chế còn chưa ổn định khiến còn có tâm lý e ngại khi sử dụng những sản phẩm này.

Câu chuyện để xử lý rác hiệu và tận dụng rác sau xử lý làm ra các các sản phẩn tiêu dùng hữu ích được cộng đồng tiếp nhận còn là một câu chuyện khá dài, ông Khoa nói.

VUI MỪNG VÌ NHÀ MÁY XỬ LÝ NƯỚC THẢI THUẬN AN ĐÃ XỬ LÝ NƯỚC THẢI RA ĐƯỢC LOẠI A

Điểm đến tham quan thứ hai của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM là tìm hiểu về qui trình, công nghệ xử lý nước thải tại Nhà máy Xử lý nước thải Thuận An (Bình Dương).

Đây là nhà máy hiện đại, vận hành bằng công nghệ bùn hoạt tính, tuần hoàn dạng mẻ cải tiến – là công nghệ hàng đầu hiện nay về xử lý nước thải.

Nhà máy Xử lý Nước thải Thuận An với công suất 17.000 m3/ngày đêm, thu gom nước thải thải sinh hoạt của hơn 1.700 hộ dân từ 5 phường trên địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Sau đó, thông qua 17 trạm bơm để đưa nước thải thải sinh hoạt về nhà máy xử lý. Sau khi qua các hệ thống lọc, nước thải đạt quy chuẩn loại A (Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải sinh hoạt) sẽ được xả ra ngoài hồ và xả từ từ ra môi trường để tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Điều quan trọng, tỉnh Bình Dương khi tiến hành xây dựng và chỉnh trang đô thị đã đưa chuẩn các công trình xây dựng đều phải tách hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt. Nước thải sinh hoạt được đấu nối vào hệ thông thu gom chung để dẫn về nhà máy xử lý.

Đối với các công trình xây dựng trước thường có hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt chung thì được vận động cải tạo tác riêng hai hệ thống này nhằm đưa nước thải sinh hoạt về hệ thống thu gom và đưa về xử lý tại nhà máy. Quá trình thi công cải tạo tách riêng hai hệ thống sẽ được miễn hoàn toàn nhân công, gia chủ chỉ phải trả chi phí đường ống (do mình lựa chọn và chiều dài dẫn đến hệ thống cống thu gom chung).

Nhiều gia đình tại đây vì mục đích bảo vệ môi trường đã tiến hành cải tạo tách hai hệ thống thoát nước, nước mưa và nước thải sinh hoạt đạt kết quả tốt.

Việc đưa vào hoạt động và phát triển Khu Liên hợp Xử lý Chất thải và Nhà máy Xử lý Nước thải tại Bình Dương góp phần vận dụng có hiệu quả các giải pháp cải thiện và kiểm soát ô nhiễm tại địa phương. Đồng thời, hình thành công nghệ xử lý, tái chế rác hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên và tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội, đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế.

BỬU HƯƠNG

Đọc thêm

lên đầu trang