Mặc dù đã có quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức cố tình đổ rác sai giờ, sai quy định, tuy nhiên, trên thực tế, trình trạng trên vẫn diễn ra khá phổ biến.
Theo quy định, giờ thu gom rác thải diễn ra từ 17h – 22h hằng ngày. Song trên thực tế, theo quan sát của phóng viên, bất cứ thời điểm nào trong ngày đều có thể bắt gặp cảnh người dân vứt rác ra đường.
Tại phố Trần Quốc Vượng (Cầu Giấy), vào các thời điểm trưa hay chiều đoạn đầu ngõ 107, dọc mương Đồng Bông, rác thải sinh hoạt và nhiều vật dụng hỏng bị các hộ dân vứt la liệt dưới chân cột điện hay ngay bên vệ đường.
Trên đường Miếu Đầm, phường Mễ Trì (đoạn cạnh khách sạn Marriott), gần đây xuất hiện một một bãi tập rác lớn, mới giữa buổi chiều, rác ở đây đã được chất thành đống khiến người đi đường phải lắc đầu ngán ngẩm. Tại phố Quan Hoa, Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy), tình trạng rác thải đổ ra đường không đúng giờ quy định cũng diễn ra phổ biến.
Chị Đặng Thanh Loan – công nhân môi trường chia sẻ: “Dọc tuyến phố Khâm Thiên, tình trạng người dân đổ rác không đúng giờ, nơi quy định diễn ra thường xuyên, nhiều lúc chúng tôi vừa vừa dọn xong, lúc quay lại đã thấy rác vứt ra đường”.
Từ nhiều năm nay, các đơn vị thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn Hà Nội đều quy định địa điểm để và giờ thu gom rác thải, nhưng nhiều nơi người dân vẫn tiện đâu vứt đấy.
Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 5.000.000 – 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Thẩm quyền xử phạt là Ủy ban nhân dân các cấp; cảnh sát môi trường, thanh tra môi trường; công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan. Chế tài đã có, thẩm quyền đã rõ, song việc xử phạt chưa được chính quyền các cấp thực hiện nghiêm.
Vậy, để sớm chấm dứt tình trạng trên, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cần xử phạt nghiêm hành vi vi phạm và các cơ quan, đơn vị liên quan cũng cần tăng trách nhiệm quản lý, điều hành.
Đặc biệt cần xây dựng cơ chế huy động vai trò của người dân, cộng đồng tham gia phát hiện, tố giác các đối tượng xả rác nơi công cộng, để Hà Nội thực sự là thành phố sạch đẹp, văn minh.
Theo LĐTĐ