Những năm gần đây, với sự nở rộ của các trang mạng xã hội, các loại hình dịch vụ, kinh doanh online cũng trở nên tiện lợi, đáp ứng đủ các tiêu chí “thuận mua vừa bán” của người tiêu dùng. Trong đó, từ khóa “hàng xách tay” đã không còn quá xa lạ với mọi người.
Hàng xách tay là những mặt hàng chính hãng do những cá nhân nào đó trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam lách thuế (gọi đúng thì là trốn thuế). Vì không phải chịu thuế nhập khẩu và giảm được các chi phí ở khâu trung gian, nên hàng xách tay thường có mức giá rẻ hơn nhiều so với hàng nhập về chính ngạch.
Hàng chính hãng nhưng rẻ, đó là lý do chính khiến hàng xách tay được ưa chuộng và lựa chọn nhiều.
HÀNG XÁCH TAY – VÀNG THAU LẪN LỘN
Dạo một vòng trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các trang rao bán các mặt hàng xách tay đủ mọi thể loại từ mỹ phẩm, kem trắng da, son môi, đến thuốc giảm cân… với những lời quảng cáo hết sức hấp dẫn như “Cam kết hàng chính hãng 100%”, “Nếu phát hiện hàng giả hoàn lại tiền”…
Đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng, các shop online bán hàng xách tay mọc lên như nấm. Nhiều người không tiếc bỏ ra rất nhiều tiền để mua và sử dụng sản phẩm xách tay được quảng cáo là chính hàng nhập từ nước ngoài.
Có thể nói, các loại mỹ phẩm hàng xách tay được rao bán trên các trang mạng xã hội đều được gắn mác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan… với nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, nhưng giá lại rẻ chỉ hơn một nửa so với giá bán trong các cửa hàng và siêu thị trong nước.
Bạn có tài khoản facebook là Tiên Võ chia sẻ: “Mình hay đi săn mỹ phẩm xách tay ở các shop online trên facebook lắm. Nhiều khi nhìn giá bán rẻ hơn các store (cửa hàng) cũng thấy hoang mang nhưng đã là khách quen rồi, người ta cũng đăng là hàng xách tay 100%, có check mã code đầy đủ, phát hiện hàng giả thì hoàn tiền lại, nên cũng yên tâm mua để sử dụng”.
Dò hỏi một vài shop online trên facebook, hầu hết các chủ shop này đều khẳng định là hàng chính hãng, thế nhưng khi được hỏi về giấy tờ hoặc biên nhận để xác minh nguồn gốc sản phẩm, phần lớn các trang mạng đều viện lý do thất lạc do sản phẩm quá nhiều hay hứa hẹn chờ đợi để rồi lặn mất tăm.
Không chỉ các shop bán hàng online, khi đi dọc các chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố, nhiều người buôn bán trải cả những tấm bạt hay ni-lông “đổ đống” các mặt hàng nào là son môi, mỹ phẩm, sữa dưỡng thể, khử mùi, túi xách, bánh kẹo… có nhãn mác toàn tiếng nước ngoài. Những người buôn bán này bật loa giới thiệu và quả quyết đây là hàng xách tay chính hãng, lâu lâu chỉ bán một lần. Nhiều bà nội trợ “bu đen bu đỏ” để mua. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, qua ngày hôm sau những người bán này vẫn bán tiếp những mặt hàng đó và người mua thì vẫn tiếp tục mua.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu những sản phẩm đó có thật sự là hàng xách tay, khi không có một giấy tờ nào chứng minh được nguồn gốc?
HÀNG MÁC XÁCH TAY “DỒI DÀO” HƠN HÀNG CHÍNH HÃNG
Đáng lo ngại hơn, nếu theo dõi có thể thấy hiện tượng khi cửa hàng chính ở nước ngoài thông báo đã cháy hàng sản phẩm, trong khi các shop lớn nhỏ trong nước lại cho hay họ vẫn còn “nhiều” hàng để bán, hay họ sắp về một lượng hàng lớn cho “khách yêu”. Vậy, nguồn hàng lúc nào cũng dồi dào đó ở đâu ra trong khi cửa hàng phân phối chính thức đã cháy hàng?
Người tiêu dùng với xu hướng mê hàng ngoại cùng với lối suy nghĩ bắt kịp xu hướng, khi xem những thông tin hàng mới được đăng tải trên các trang bán hàng online, họ không mảy may nghi ngờ, lập tức nhắm mắt chọn mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, kém chất lượng.
Chính tâm lý chuộng hàng ngoại, và sự mù mờ, thiếu thông tin của khách hàng là miếng mồi béo bở của các chiêu trò lừa đảo. Đây cũng là mánh lới phổ biến nhất của các gian thương, không hề biết nguồn gốc thật sự của sản phẩm, lấy hàng qua trung gian, nhưng vẫn khẳng định chắc nịch là hàng xách tay.
Đánh vào tâm lý “cứ hàng xách tay là chất lượng”, các gian thương mặc sức thêu dệt về chất lượng sản phẩm bằng những lời quảng cáo hoa mỹ, làm nhiều người tiêu dùng sập bẫy lừa, sẵn sàng chi tiền lớn để mua sản phẩm, và cứ ngỡ rằng, mình đã mua được hàng xách tay chính hãng nhưng thật chát là hàng giả, hàng nhái đội lốt hàng xách tay, và thổi giá lên cao hòng “móc túi” khách hàng.
Theo lời rao của người bán “hàng xách tay” ở chợ Biên Hòa – Đồng Nai, son môi Hàn Quốc, Pháp ở cửa hàng có giá ba bốn trăm ngàn đồng, nay “xổ” bán một trăm ngàn đồng giá. Sữa dưỡng da chỉ có 80 nghìn và hàng chục mặt hàng mỹ phẩm có mác các thương hiệu nổi tiếng có giá từ vài chục đến trăm ngàn. Theo lời người bán, thì thật giả rất khó phân biệt, vì hàng giả rất tinh vi, cả mã vạch cũng có thể nhái theo, người mua chỉ kiểm tra sản phẩm dựa trên cảm quan và thói quen, thấy rẻ thì mua thôi.
Quá rõ ràng, các loại mỹ phẩm, hàng hóa xách tay được bày bán tràn lan trên thị trường và các trang mạng xã hội có nguy cơ rất cao đều là hàng giả, hàng Trung Quốc đội lốt, người tiêu dùng nếu không cẩn trọng có thể sập bẫy gian thương.
NHỮNG LƯU Ý KHI MUA HÀNG XÁCH TAY
Để tránh mua nhầm phải hàng hóa, mỹ phẩm hàng giả, nhái, hàng Trung Quốc “đội lốt” xách tay, người tiêu dùng cần lưu ý các điểm sau:
- Kiểm tra kỹ thông tin trước khi mua hàng
- Không mua hàng online, nhất là các sản phẩm thương hiệu có giá rẻ
- Không tin vào lời quảng cáo của người bán, vì các loại giấy chứng nhận, mã vạch hoặc code vẫn có thể làm giả một cách tinh vi.
- Mua hàng ở các cửa hàng có uy tín, đáng tin cậy.
- Chọn các sản phẩm còn nguyên niêm phong, nguyên hộp, còn giấy bóng kính, hộp nguyên vẹn không trầy xước.
- Các chi tiết trên hộp sản phẩm phải rõ ràng, không mờ hoặc bị sai chính tả.
- Hàng chính hãng thường có tem dán rõ ràng, tem có một lớp nilon mỏng dính bọc bên ngoài, còn hàng nhái tem chỉ đơn thuần là giấy trơn rất dễ bong tróc. Trên mác hàng chính hãng có ghi đầy đủ thành phần, nơi sản xuất…
- Đối với mỹ phẩm, son môi, mùi hương phải nhẹ nhàng, tự nhiên hoặc không mùi, còn hàng giả nhái thường có mùi hắc hoặc thơm nồng.
PHAN HỒNG (tổng hợp)