Giải pháp nào cho điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp và thương mại

24/11/2020 11:32

(52)


Ngày 23/11/2020, tại khách sạn Prince (quận 1), tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải pháp cho điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp và thương mại Việt Nam”.

Hội thảo đã thu hút sự chú ý nên đã có nhiều người tham dự, như đại diện ngành Điện lực, Khu Công nghiệp, Khu chế xuất, các chuyên gia năng lượng và quản lý, các công ty sản xuất kinh doanh, tư vấn điện mặt trời ở TP.HCM và vài tỉnh thành lân cận.

Chủ đề điện mặt trời được trình bày bởi các diễn giả đến từ cơ quan GIZ và các đơn vị năng lượng tái tạo Đức và chuyên gia năng lượng Việt Nam. Lần này, hội thảo được tổ chức theo hình thức tọa đàm kết hợp song song với phần tham luận trực tuyến qua Internet của 2 diễn giả nước ngoài. Hội thảo được điều phối bởi bà Vũ Chi Mai, Trưởng nhóm Năng lượng tái tạo của chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ.

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án các chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ, đã có bài phát biểu chào mừng. Ông với sự bày tỏ tin tưởng vào tương lai phát triển năng lượng điện măt trời của Việt Nam, nhất là điện áp mái, với sự đồng hành hỗ trợ của GIZ Đức.

Tiếp theo, phát biểu của các diễn giả chuyên gia từ những đơn vị tư vấn, quản lý, vận hành các dự án điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam lần lượt được trình bày.

Đáng chú ý là phát biểu về chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh dạng năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng, và những thuận lợi khó khăn khi xúc tiến các chương trình này của Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam VPEG. Tiếp theo là phát biểu của Ban Kinh doanh EVN về những hoạt động hỗ trợ chuyên ngành của điện lực Việt Nam theo đúng chỉ đạo Chính phủ và phối hợp ban hành bộ quy chuẩn; bài phát của Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp HBA biểu về nhu cầu phát triển ứng dụng điện mặt trời mái nhà của các doanh nghiệp tại Khu chế xuất – Khu công nghiệp.

Đặc biệt, ngoài phần phát biểu về định hướng, thực trạng, đặt vấn đề các mặt chính sách, kinh tế, kỹ thuật, khả năng cung cầu của thị trường, có thêm những ý kiến về công tác bảo đảm thi công xây lắp, an toàn, bảo hiểm, và tham khảo các công nghệ tiên phong, các bài học kinh nghiệm để tăng tính cạnh tranh sản phẩm… đến từ đại diện của Syntegra Solar International và SPC Solar.

Trong hội thảo lần này, cử tọa cũng rất chú ý đến 2 bài tham luận on-line. Đó là tham luận từ chuyên gia Rainer Brohm của GIZ nói về tổng quan thị trường điện mặt trời áp mái, vấn đề an ninh năng lượng và quy trình xây dựng dự án này; tham luận của ông Ross Macleod đến từ hãng tư vấn Asia Counsel nói về khung pháp lý cho chương trình điện mặt trời mái nhà và giới thiệu các mẫu hợp đồng hiện hành.

Trong phần thảo luận và giải đáp thắc mắc, nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề về tính an toàn kỹ thuật và tải trọng của các cấu kiện giàn đỡ, phòng chống cháy nổ, tay nghề công nhân, tuổi thọ tấm pin, phương thức hợp đồng xây lắp và kinh doanh, cách thức thu gom xử lý sản phẩm hư hỏng, hết hạn… cũng được giải đáp.

Đáng chú ý nhất là ý kiến của một đại biểu tham dự đến từ Tổng Công ty Điện lực Việt Nam EVN, đã đề nghị không nên gọi là “pin mặt trời” nữa mà vì cơ chế sinh điện của tế bào quang năng này hoàn toàn khác, do vậy ông nên đề nghị gọi là “tấm quang điện” để không liên tưởng đến những tác hại của các loại pin, accu thông thường,

Phần cuối hội thảo, quan khách đã lắng nghe bài phát biểu súc tích lắng đọng của đại diện Chương trình hỗ trợ năng lượng Đức GIZ – ông Sven Ernedal. Ông Sven Ernedal bày tỏ sự tin tưởng qua sự hợp tác thành công giữa GIZ với HBA, điện mặt trời sẽ trở thành một nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy, giá cả phải chăng cho hoạt động năng lượng, thương mại, công nghiệp Việt Nam nhằm vào một tương lai phát triển bền vững.

LÊ HÙNG

Đọc thêm

lên đầu trang