Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCM), cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí nhân dịp Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Phóng viên: Những năm gần đây, Bộ Công Thương và ngành điện đẩy mạnh tuyên truyền phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Ông có thể nói rõ hơn về lợi ích của việc lắp đặt ĐMTMN?
– Ông BÙI TRUNG KIÊN: Đây là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, cũng rất an toàn, thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Sử dụng điện mặt trời không những giúp tiết kiệm một phần chi phí tiền điện mà còn có thể thêm nguồn thu nhờ bán lại phần điện dư cho ngành điện. Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà còn giúp hấp thụ bức xạ nhiệt của mái nhà, làm giảm sức nóng của toàn bộ ngôi nhà. Đối với các doanh nghiệp (DN), việc sử dụng điện mặt trời còn góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu và năng lực cạnh tranh của DN.
Hiện nay, giá mua ĐMTMN là 1.943 VNĐ/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tương đương 8,38 UScents/KWh, áp dụng cho hệ thống ĐMTMN có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 KV trở xuống, áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại và có thời điểm vào vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn 1-7-2019 đến 31-12-2020. Trung bình, thời gian hoàn vốn của một dự án ĐMTMN khoảng 5-6 năm. Về lâu dài, chủ đầu tư có thể có thêm nguồn thu từ bán sản lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới điện.
Vậy tiềm năng phát triển điện mặt trời tại TP.HCM thế nào?
– Theo số liệu từ Chương trình Năng lượng xanh TP.HCM, TP có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 KWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 KWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất 3,3 KWh/m2/ngày vào tháng 7. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP.HCM rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN.
Qua khảo sát sơ bộ của EVNHCMC, tiềm năng lắp đặt ĐMTMN của một số nhóm rất lớn. Chẳng hạn, nhóm hành chính sự nghiệp (bao gồm cả giáo dục, y tế, giao thông) là 153,95 MWp; nhóm sản xuất 1.471,77 MWp; nhóm thương mại 145,88 MWp. Nếu có các cơ chế chính sách phù hợp, ĐMTMN sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới.
Ngành điện TP.HCM đã có những động thái gì để khuyến khích phát triển ĐMTMN?
– EVNHCMC cam kết hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhà đầu tư điện mặt trời, các ngân hàng để phối hợp, đề xuất cơ chế, chương trình để khuyến khích khách hàng trên địa bàn TP tham gia.
Đồng thời, EVNHCMC phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tiếp tục kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai ĐMTMN. Bởi, hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (pin, inverter,…) để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Trong khi hiện nay có rất nhiều DN cung cấp và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt sử dụng điện mặt trời của người dân.
Ngoài ra, các quy chuẩn xây dựng hiện nay chưa mang tính bắt buộc nên khi lắp đặt ĐMTMN phải thiết kế lại hệ thống điện nguồn. Chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt ĐMTMN; chưa có hướng dẫn về việc xử lý, tái chế tấm pin sau quá trình sử dụng; cũng như chưa có quy định pháp lý cho hoạt động của bên thứ ba (ESCO) tham gia lắp đặt hệ thống ĐMTMN và bán điện lại cho khách hàng…
Theo CafeF