Động lực…

31/12/2021 08:12

(42)


Khi mọi yếu tố cần thiết để thực thi một dự định, một kế hoạch gì đã được đáp ứng thì động lực lại là thứ duy nhất mà chúng ta cần phải có để hành động.

Thành ngữ có câu “Hành trình vạn dặm, bước đầu tiên là bước khó nhất là thế’. Động lực cũng là thứ bạn cần đến khi gặp phải những thử thách trên hành trình triển khai kế hoạch.

Chúng ta thường đặt mục tiêu cho cá nhân vào dịp đầu năm như sẽ chăm sóc sức khỏe thường hơn, sẽ giảm cân xx kg và rồi đặt mục tiêu vào Gym hay đăng ký khóa học Yoga hay KiDao hihihi.

Khảo sát sau nhiều năm cho biết là lượng người vào phòng Gym và ký hợp đồng tập luyện khá đông vào dịp đầu năm, sau vài tháng thì số lượng vào Gym giảm đáng kể. Số lượng duy trì tập luyện rất ít.

Mấy ngày qua Takara về nhà trong dịp Lễ Giáng Sinh nên tôi ưu tiên thời gian với con trước khi cậu ta trở lại trường hôm nay. Một trong những tiêu đề thảo luận là ĐÔNG LỰC.

Takara nhận thức được động lực có hai loại – Ngoại lực từ những yếu tố bên ngoài và Nội lực từ bên trong cá nhân ấy. Ngoại lực cũng có hai hình thức – tiêu cực như phạt, mắng, đánh, đe dọa, kỷ luật, trừ lương, v.v. và tích cực như thưởng, quà, tuyên dương, tăng lương, thăng chức, v.v.  Trong khi đó Nội lực cũng có hai hình thức từ những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo lắng, v.v hay cảm xúc tích cực như hy vọng.

Cha mẹ hay tổ chức thường tạo động lực cho con hay nhân viên của mình từ các phương án ngoại lực cả tích cực lẫn tiêu cực. “Con thi đậu thì ba mẹ sẽ thưởng cho con chuyến đi du lịch ra nước ngoài…”, “Nếu thì rớt thì đừng có hòng xin tiền mẹ nữa nhé!”, “Nhân viên nếu đạt chỉ tiêu năm nay thì sẽ được 1 tháng lương thưởng Tết”, “Nếu sale không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị giảm lương 30%”…

Takara chia sẻ: “Cũng nhờ Ba rèn luyện nội lực từ thời THPT mà con có thể vượt qua những thử thách thời gian học đại học. Tuy nhiên thử thách ở Stanford thật sự rất lớn với con. Có những lúc con gần như kiệt sức về tinh thần cũng như thế chất”.

Cũng nên nói thêm là Takara có bằng kỹ sư Cơ khí về Robotics nhưng lại quyết định học MS CNTT về AI trí tuệ nhân tạo ở một chương trình khó nhất thế giới khi không có kiến thức bài bản về CNTT. Thế mà cậu ta cũng vượt qua được và đang hoàn tất chương trình.

Trong năm qua tôi thường hay nói chuyện với con và đặc biệt những lúc con cần có người để chia sẻ. Lúc khó khăn nhất tôi hỏi con: “Con hãy suy nghĩ lại tại sao, điều gì và lý do gì mà con quyết định học AI ở Stanford dù biết rằng nó rất khó khi con không có kiến thức nền chuyên môn”.

Đây chính là lý do mà tôi hay khuyên cha mẹ không nên định hướng nghề nghiệp cho con mà đồng hành với quyết định của con. Vì như thế con mới có trách nhiệm với quyết định của mình và có động lực để vượt qua thử thách.

Tôi cũng từng hỏi Takara: “Con còn nhớ lúc con đạp xe một lèo từ chân đèo Hải Vân lên đến đỉnh mà không dừng nghỉ, trong đầu con nghĩ gì?”, để giúp con tìm lại động lực khi gặp thử thách.

Takara tiếp: “Con nghĩ rằng nội lực mới là thứ mà mọi người cần phát triển chứ không phải lệ thuộc vào ngoại lực vì ngoại lực không phải lúc nào cũng có. Vậy làm sao để phát triển nội lực? Đâu phải ai cũng may mắn như con khi được Ba tạo tình huống để huấn luyện nội lực.

Thế Ba phát triển nội lực như thế nào?  Một người muốn phát triển nội lực thì họ phải làm gì?”. Tình huống như câu chuyện thời THPT của Takara có kể trong sách “Cha Voi” và các chuyến xe đạp như xuyên miền Tây và từ SGN đi Quảng Bình.

Tôi trầm ngâm một tí rồi trả lời: “Đúng là phát triển nội lực khó chứ không dễ tí nào. Người muốn phát triển nội lực phải có khả năng ‘tự nhủ’ một cách có ý thức và tích cực (tiếng Anh gọi là Self-Talk).

Con người ai cũng có khả năng tự nhủ (ta nói với ta) và thường là tiêu cực. Khi thất bại thì tự bảo ‘Mày đúng là thằng không tích sự, không làm gì nên thân’. Nhìn gương bảo “Sao tôi mập quá vậy nè” hay “Mày xấu xí thế nên không ai thương cũng phải!”.

Những lời lẽ tự nhủ này thường là những nhận định về người đó do cha mẹ, người thân lập lại thường xuyên khi họ còn trẻ và nó hình thành những tin tưởng và tư duy trong trong ý thức hay tiềm thức của họ.

Và để phát triển nội lực thì người đó phải có khả năng thay thế các tự nhủ tiêu cực (ly nước nửa lưng) bằng những tự nhủ tích cực hơn (ly nước nửa đầy). Thí dụ: “Mày là thằng có số hẩm nên làm gì cũng thất bại”  thay thế bằng “Thất bại là cơ hội để học hỏi. Tôi sẽ làm tốt hơn lần sau”.

Bạn có bao giờ để ý mình nói gì hay tin tưởng gì về mình không?

Tự Nhủ chính là chìa khóa để phát triển nội lực.

Chúc các bạn có một ngày mới vui vẻ.

TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH 

Đọc thêm

lên đầu trang