Đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng Chính phủ có khả thi không?

13/11/2020 03:58

(19)


Đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng, theo các chuyên gia có chuyên môn liên quan đến rừng, là hoàn toàn khả thi.

Để hiện thực hóa đề xuất này, các chuyên gia cho rằng cần có một kế hoạch rõ ràng, cụ thể.

Bạc Liêu “lồng ghép” việc phát triển dự án điện gió với việc hỗ trợ bồi lắng, phục hồi diện tích rừng phòng hộ

Có thể làm được

GS.TS Vương Văn Quỳnh, nguyên viện trưởng Viện sinh thái rừng và môi trường – Trường ĐH Lâm nghiệp, phân tích: 1 tỉ cây xanh nếu quy ra diện tích tương đương 300.000 – 400.000ha rừng trồng. Đây là diện tích không quá lớn nếu kết hợp cả trồng rừng tập trung cũng như trồng cây phân tán.

Có thể trồng rừng tự nhiên, trồng rừng nguyên liệu, trồng rừng ngập mặn, chắn sóng, trồng cây xanh đô thị, cây trồng nông thôn… và nếu thực hiện được sẽ đem lại một lợi ích rất lớn.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cũng chia sẻ việc đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị, của Thủ tướng là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cần xác định mục tiêu rõ ràng của việc trồng cây này để có tính toán, cách thức làm phù hợp và đạt hiệu quả.

Cùng ý kiến, PGS.TS Phạm Ngọc Nam – giảng viên khoa lâm nghiệp Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – khẳng định: con số 1 tỉ cây với người ngoài ngành nghe có vẻ nhiều nhưng thật sự để phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng rừng ngập mặn lấn biển thì biết bao nhiêu cho đủ.

Tỉnh Bạc Liêu phát động phong trào trồng rừng ở bãi bồi ven biển Nhà Mát

Tránh độc canh, trồng và thu hoạch cùng lúc

Theo GS.TS Vương Văn Quỳnh, cần phải lưu ý khi trồng rừng là chọn cây hiệu quả kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện từng nơi. Nên khuyến khích trồng cây bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng lâu đời, chung sống với nhiều loài cây khác xung quanh.

Cần trồng các loại cây đa tác dụng, cây gỗ không chỉ đem lại ý nghĩa về môi trường, sinh thái mà còn đem lại giá trị về kinh tế cho người trồng rừng.

Ông Quỳnh cũng cho rằng hoàn toàn có thể tạo ra những khu rừng có giá trị cao về môi trường, kể cả rừng trồng nhưng cách trồng sẽ phải khác hiện nay là kiểu trồng độc canh, trồng cùng lúc và thu hoạch cùng lúc. Tất cả những loài cây cạnh tranh với cây chủ lực này đều bị loại bỏ bằng cách chặt bỏ hoặc đốt.

Vì thế, cần phải xác định những cách trồng rừng giống kết cấu rừng tự nhiên như trồng nhiều loại cây, nhiều tầng cây khác nhau như cây ưa sáng, cây ưa bóng, cây bụi… thì sau 20 – 30 năm chúng ta sẽ có những khu rừng không khác gì rừng tự nhiên và cho hiệu quả kinh tế và môi trường.

ThS Nguyễn Tuấn Bình – trưởng ban thanh tra, nguyên trưởng bộ môn lâm sinh Trường ĐH Lâm nghiệp, phân hiệu Đồng Nai – cho rằng nên trồng rừng hỗn hợp, đa tầng. Để tránh trường hợp cây xanh chưa kịp lớn mà bão lũ đã quét qua, nên trồng các cây nhanh lớn bảo vệ ở vòng ngoài, cây lâu năm bên trong. Theo thời gian, người trồng rừng sẽ thay đổi tỉ lệ tăng cây lâu năm.

Dân tham gia trồng rừng thông phòng hộ ở khu vực huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng)

Nâng cao chất lượng rừng trước mới tính đến kinh tế

ThS Phạm Đình Sâm, trưởng bộ môn nông – lâm kết hợp Viện nghiên cứu lâm sinh (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), cho rằng để thực hiện đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh có hiệu quả thì phải rà soát, đánh giá lại hiện trạng và tình trạng suy thoái rừng theo các tiêu chí về phòng hộ, đa dạng sinh học, giá trị kinh tế và xã hội trên các vùng sinh thái trọng điểm.

Tiếp đến cần đánh giá các rừng phòng hộ ít xung yếu và ít đa dạng hơn có thể kết hợp các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp như trồng cây công nghiệp, rừng trồng có năng suất cao, cây ăn quả hay nông lâm kết hợp cả cây nông nghiệp và chăn nuôi để đảm bảo duy trì hệ sinh thái – nhân văn cân bằng do nhu cầu sản xuất và chăn nuôi gia súc của các hộ dân là yêu cầu tất yếu ở vùng đầu nguồn.

Trong khi đó, GS.TS Vũ Tiến Hinh, viện trưởng Viện Lâm nghiệp và đa dạng sinh học nhiệt đới, cho biết hiện nay với mật độ trồng cây gỗ rừng khoảng 1.000 –  1.500 cây/ha, thì 1 tỉ cây sẽ tương ứng gần 1 triệu hecta đất. Điều này hoàn toàn khả thi, quan trọng là các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tính toán kỹ xem trồng cây gì, trồng ở đâu, trồng cây tập trung hay phân tán, khu vực chống sạt lở trồng như thế nào…

“Hiện nay, nhiều diện tích rừng tự nhiên “nghèo”, đất rừng trống, đất đồi, núi xung yếu có nguy cơ sạt trượt thì tôi cho rằng Bộ NN&PTNT và các địa phương cần phải tập trung trồng bổ sung cây bản địa, cây lâu năm vào những khu vực này để phục hồi và nâng cao chất lượng rừng đã mất rồi mới tính đến việc trồng để phát triển kinh tế” – ông Hinh nói.

Ưu tiên phục hồi rừng

Theo ThS Nguyễn Tuấn Bình, nên “liệu cơm gắp mắm”, trước tiên nên trồng rừng ở vùng xung yếu nhất, tiếp đó sẽ mở rộng theo từng vùng quy hoạch. Có thể đầu tư vào việc phục hồi rừng, tức trồng và hồi sinh rừng ở những nơi đã bị tổn thương hoặc bị khai thác kiệt quệ. Ở những khu vực này đã có sẵn nền, gốc rễ ở rừng đã tổn thương vẫn còn, nên kết hợp các biện pháp lâm sinh sẽ giúp cây dễ lên chồi. Ưu tiên phục hồi rừng cũng sẽ tiết kiệm thời gian hơn.

Theo Tuổi Trẻ

Đọc thêm

lên đầu trang