Tại hội trường ngày 5/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt câu hỏi: “Trong 14 – 15 triệu hecta rừng, có bao nhiêu là rừng tự nhiên, bao nhiêu rừng trồng?” vì chức năng của 2 loại rừng này khác nhau.
Ý kiến từ các đại biểu cũng nêu theo quy định, diện tích trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích rừng bị chuyển đổi nhưng phần lớn rừng trồng là các loại cây khai thác gỗ không có khả năng trữ nước, khả năng cản nước, giữ nước, ngăn lũ rất hạn chế, nhất là việc thay đổi vị trí phòng hộ đầu nguồn của rừng tự nhiên.
“Có gì đó sai sai”
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 30 năm qua, diện tích rừng từ 9 triệu hecta tăng lên 14,6 triệu hecta. Trong số này có 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên. Như vậy, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu hecta.
“Tuy nhiên, phải khẳng định diện tích rừng tự nhiên hiện nay chưa được tốt, bởi vì trong tổng số 10,3 triệu hecta, chỉ có 15% rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo. Đây là thực tế mà chúng ta phải có trách nhiệm” – ông Cường thừa nhận.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Cường, tới đây phải tăng hơn nữa định mức hỗ trợ để người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng giàu về trữ lượng và đa dạng sinh học.
“Với 14,3 triệu hecta rừng trồng, tới đây cũng được thay bằng cơ cấu cây rừng lâu năm, kết hợp với nhóm cây bản địa. Chiến lược phát triển rừng năm 2021 – 2030 sẽ cố gắng để có rừng ngày càng chất lượng” – ông Cường cho biết.
Tranh luận với bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (còn gọi là Ksor Phước Hà – tỉnh Gia Lai) cho rằng việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu hecta lên 14,6 triệu hecta là con số phấn khởi. Tuy nhiên cô cảm thấy con số bộ trưởng đưa ra “có gì đó sai sai”.
Đại biểu này dẫn chứng, trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp đại biểu Quốc hội đều được nghe các dự án, công trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên) sang mục đích khác.
“Vậy thì làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu hecta rừng ấy? Không lẽ cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỉ lệ che phủ rừng?” – đại biểu Ksor H’Bơ Khăp đặt vấn đề.
Phải bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng, tự nhiên
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (tỉnh Bến Tre) cho rằng thời gian qua vẫn còn điểm nóng về phá rừng; tình trạng tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp… Số dự án kinh tế chuyển đổi diện tích rừng từ năm 2019 đã giảm 96% nhưng 90% diện tích rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên.
Mặc dù diện tích rừng trồng thay thế gấp 3 lần rừng tự nhiên chuyển đổi nhưng do chủng loại cây trồng, vị trí trồng thay thế nên chưa đáp ứng được công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Ít khu bảo tồn được kiểm kê, bổ sung. Tình trạng mua bán động vật hoang dã chưa giảm.
Đại biểu Thủy đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng phát triển kinh tế, ưu tiên dự án thủy lợi; đánh giá tác động trồng rừng thay thế; giải quyết tình trạng di cư tự phát, đẩy nhanh giao đất gắn với giao rừng; đầu tư ngân sách để cảnh báo thiên tai, phát triển rừng, bảo tồn sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng…
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng tất nhiên phải có những đánh giá về chuyển đổi mục đích rừng. Tuy nhiên không thể không chuyển đổi mục đích nếu như hiện nay dân số tăng trên 100 triệu dân, không có không gian phát triển đô thị, không gian bố trí dân cư. Nhưng theo bộ trưởng Bộ TN-MT, việc chuyển đổi rừng cần tính toán đến lợi ích, tức là cần khoanh vùng chức năng những khu cần phải giữ, bảo vệ. Đó là những khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng, tự nhiên.
Tính đến ngày 31-12-2010, trong 54 tỉnh có rừng đặc dụng, đã có tới 53 tỉnh đề xuất gần 3.500 dự án phát triển kinh tế, có chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trong đó có tới 37 tỉnh có đề xuất chuyển đổi rừng tự nhiên; diện tích rừng tự nhiên chiếm gần 19% tổng diện tích rừng đề xuất chuyển đổi. |
Theo Tuổi Trẻ