Trong khi đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên đến 8.000 đồng/lít vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân và các chuyên gia, thì mới đây, Bộ Tài chính lại tiếp tục đề xuất mức thuế này lên mức kịch khung theo quy định hiện hành 4.000 đồng/lít gây sốc trong dư luận.
Trong dự thảo lấy ý kiến Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường dự thảo mới đây, Bộ Tài chính lại tiếp tục đề xuất tăng mức thuế môi trường với xăng dầu lên kịch khung 4.000 đồng/lít.
Cụ thể, đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; túi ni lông cũng đề nghị tăng tối đa 50.000 đồng/kg.
Lý giải về việc đề xuất tăng thuế xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng, ngay cả khi không sử dụng. Hiện Việt Nam đang áp dụng mức thuế đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%.
Mặt khác, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm tác động do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tư do nhằm tránh mức thuế khác nhau đối với cùng một sản phẩm.
Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 27-11-2017, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng thứ vị trí 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 122 nước) với mức giá là 18.580 đồng/lít xăng, thấp hơn so với 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam (thấp hơn Lào là 5.304 đồng/lít, Campuchia là 2.988 đồng/lít, Trung Quốc là 1.650 đồng/lít); và thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, châu Á (như thấp hơn Singapore là 18.560 đồng/lít, Philippines là 3.892 đồng/lít, Hong Kong là 27.974 đồng/lít).
Thực tế trên cho thấy, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Do đó, để khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Với đề xuất điều chỉnh như trên, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, việc tăng thuế đối với xăng dầu như trên sẽ đảm bảo giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam tương đồng với của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu.
Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh mức thuế đối với các loại hàng hóa theo đề xuất trên là phù hợp với khung thuế bảo vệ môi trường và các nguyên tắc quy định mức thuế tại Luật Thuế bảo vệ môi trường. Mặc dù việc tăng mức thuế đối với các hàng hóa sẽ tác động đến giá bán của chúng, tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, góp phần vào thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.
Thời điểm thực hiện quyết định này dự kiến từ ngày 1/7/2018.
PHAN HỒNG (Tổng hợp/Pháp luật online)