Có một Cần Giờ đang vươn mình mạnh mẽ

16/05/2019 02:30

(60)


Cần Giờ vốn mang trên mình cái tên “vùng đất chết” do lịch sử phải chịu hơn 2 triệu tấn bom đạn, 4 triệu lít chất độc hóa học trong chiến tranh. Ngày nay Cần giờ vẫn đang vươn mình mạnh mẽ đứng lên thoát khỏi cái tên ấy.

Chiến khu xưa “thay da đổi thịt” từng ngày

Từ trung tâm quận 1 về Cần Giờ, xe chúng tôi vượt quãng đường khoảng 50km trong cái nắng trong trẻo mùa hạ. Mất khoảng 25 phút, chúng tôi có mặt tại phà Bình Khánh nối hai huyện Nhà Bè với Cần Giờ. Đứng trên phà, lòng bâng khuâng liên tưởng đến câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về”. Chợt nghĩ, biết đâu đây sẽ là những chuyến phà cuối cùng qua sông Soài Rạp, bởi dự án xây cầu Cần Giờ (tổng vốn hơn 5.300 tỷ) vừa được TP HCM phê duyệt. Chỉ vài năm nữa thôi, một cây cầu lớn có hình cây đước sẽ khánh thành, thay thế bến phà này…

Rời phà Bình Khánh, chúng tôi đi xuyên Rừng Sác trên con đường trải nhựa phẳng lì, dài khoảng 36km từ phà về thị trấn Cần Thạnh. Nhìn về 2 phía là hai cây cầu Phước Khánh và Bình Khánh cao sừng sững, dài hút tầm mắt đang nối nhịp. Hai cây cầu này nằm vắt qua vùng rừng ngập mặn rộng hàng nghìn ha. Cung đường láng mịn, êm thuận với 6 làn xe được xây dựng trên vùng đầm lầy, ở giữa được ngăn cách bằng dải phân cách hoa rừng màu tím, hai bên đường là bạt ngàn màu xanh của những rừng ngập mặn trồng toàn là cây đước. Đường đẹp và thông thoáng, chẳng mấy chốc xe đã đưa chúng tôi tới ngã ba Long Hòa để tiếp tục hành trình đến khu căn cứ, đến các điểm du lịch nổi tiếng của Cần Giờ.

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi tranh thủ thời gian vào đảo Khỉ để thăm khu trung tâm căn cứ Rừng Sác. Gọi là đảo Khỉ bởi ở đây có hơn 2.000 con khỉ sinh sống trên những ngọn đước. Mỗi khi có khách ghé thăm, bầy khỉ lại sà xuống xin ăn. Từ khu bán vé tới những lán trại căn cứ, chúng tôi đi ca nô để vượt quãng đường khoảng 5km. Ở đây, người ta cũng đã bắc những cây cầu, hình thành tuyến đường bộ vào trung tâm. Tuy nhiên, tôi thích được đi đường thủy, được len lỏi qua những vạt rừng ngập mặn dưới ánh chiều vàng rực.

Tại khu lán trại căn cứ, chúng tôi được mục sở thị khu nhà cảnh vệ, nhà đón tiếp khách, hầm trú ẩn, nhà hậu cần, khu xưởng… Tất cả được treo vững chắc trên những thân cây đước giữa khu rừng ngập mặn bao la. Hướng dẫn viên tên Hải chậm rãi kể cho nghe những câu chuyện bi tráng và hào hùng của những chiến sĩ cách mạng trong những năm kháng chiến. Rồi hồi ức về những năm tháng địch rải hàng triệu lít chất độc hóa học, biến Rừng Sác thành khu “rừng chết”. Nhưng bằng ý chí kiên cường, bộ đội ta vẫn bám trụ để giữ vững và phát triển cơ sở cách mạng…

Đi dưới cánh rừng, chúng tôi mê mẩn ngắm nhìn từng đàn chim mải miết kiếm ăn, những đàn dơi treo mình ẩn vào trong tán lá. Khung cảnh thiên nhiên khu du lịch Vàm Sát hiện ra đẹp như tranh vẽ. Cách đó không xa là khu du lịch sinh thái biển Phương Nam được xây dựng trên một vùng đất rộng nhiều ha, có resort với 70 phòng nghỉ tiện nghi và hồ bơi lớn dành cho du khách…

Cần Giờ sẽ phát triển đột phá

Diện mạo huyện Cần Giờ hôm nay đã thay đổi mạnh mẽ. Các công trình hạ tầng về giao thông, cấp, thoát nước, giáo dục đã phát huy tác dụng, giải quyết được nhu cầu về dân sinh xã hội…

Sau 22 năm trồng và bảo vệ, từ vùng đất trơ trụi do chiến tranh, ngày 22/1/2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, với tổng diện tích 38.556 ha. Việc bảo vệ, phát triển tài nguyên và hệ sinh thái rừng đã góp phần to lớn vào việc giữ gìn môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển được nhiều nguồn lợi thiên nhiên khác.

Cùng với đó, con đường Rừng Sác nối 2 xã Bình Khánh – An Thới Đông; đường Nhà Bè – Cần Giờ; Đường Nhà Bè – Duyên Hải dài hàng chục km được xây dựng nâng cấp những năm qua tạo thuận lợi cho huyện thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển KT-XH, khai thác tiềm năng kinh tế biển, du lịch sinh thái biển, sinh thái rừng để thu hút khách du lịch đến với Cần Giờ. Nhiều công trình hạ tầng như hệ thống điện lưới quốc gia, đường ống dẫn nước sạch… cũng đã giúp địa phương nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

“Đặc biệt, nhờ được đầu tư xây dựng tuyến đường Rừng Sác xuyên suốt từ phà Bình Khánh đến mũi Cần Giờ đã giúp kết nối khu vực trung tâm TP HCM với địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển du lịch và KT-XH. Việc hoàn chỉnh đưa vào khai thác 2 tuyến vận tải hành khách công cộng, tuyến phà Cần Giờ – Cần Giuộc, tuyến tàu cao tốc từ TP HCM đến Cần Giờ; Cần Giờ đến Vũng Tàu và ngược lại đã phục vụ nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa của nhân dân trên địa bàn…”, ông Triển cho biết.

TP HCM đã và đang xây dựng huyện Cần Giờ trở thành đô thị biển, đô thị du lịch nghỉ dưỡng và giải trí hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Để Cần Giờ “cất cánh”, việc phát triển tuyến giao thông kết nối bằng máy bay trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Cần Giờ và đầu tư cầu vượt biển hiện đại nối liền Cần Giờ – Vũng Tàu (dài khoảng 17km) có thể sẽ được thực hiện trong tương lai không xa.

PHƯƠNG LAN

Đọc thêm

lên đầu trang