“BÁO ĐỘNG” CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ ở Hà Nội và TP.HCM

01/02/2018 02:59

(27)

Theo kết quả quan trắc được ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy, chỉ số chất lượng không khí ở những thành phố lớn đã nhiều lần vượt mức báo động, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân Việt Nam.

Vào ngày 30/1, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường tổ chức hội thảo “Chất lượng không khí năm 2017: Hiện trạng và giải pháp” tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về những nỗ lực và giải pháp cải thiện chất lượng không khí ở Việt Nam.

Tại hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM có nồng độ bụi trung bình năm cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 3,5 lần.

Theo nghiên cứu từ GreenID, trong năm 2017, tại 2 trạm quan trắc đặt ở Đại sứ quán Mỹ (Hà Nội) và Lãnh sự quán Mỹ (TP.HCM) cùng dữ liệu quan trắc từ một số máy đo đặt tại 4 điểm ở Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí nhiều lần vượt ngưỡng “nguy hiểm” – ở mức gây nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng. Cũng theo các thông số do Đại sứ quán Mỹ đo được tại các trạm quan trắc đặt ở một số nước trên thế giới, chỉ số chất lượng không khí ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với New Delhi, Mumbai (Ấn Độ), nhưng lại tương đương với Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trong tháng 11-12/2017, GreenID đã chọn 3-4 đợt ô nhiễm nghiêm trọng để phân tích cho thấy, hầu hết các nguồn không khí bị ô nhiễm đều qua khu vực Quảng Ninh. Các khu công nghiệp ở Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các lần bụi mịn (PM 2.5) đạt đỉnh điểm đều liên quan đến những khối khí đi dọc theo bờ biển, tích tụ ô nhiễm từ tất cả các thành phố, từ giao thông, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp trong khu vực.

Nguyên nhân khác khiến chỉ số chất lượng không khí nhiều lần ở mức nguy hiểm là do các hoạt động phát triển kinh tế sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, sinh hoạt, nông nghiệp và làng nghề, xử lý chất thải… Đặc biệt, là những tháng cuối năm, đặc điểm thời tiết mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm giảm sự phát tán của bụi và chất ô nhiễm. Thêm vào đó, các hoạt động sinh hoạt của người dân để chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất diễn ra mạnh mẽ hơn cũng góp phần vào ô nhiễm không khí trong thành phố.

Cũng qua hội thảo, các đại biểu kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát nguồn thải, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật và kinh tế cho nông dân để thu gom rơm rạ sau thu hoạch và không sử dụng than tổ ong… Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc tại các vùng kinh tế trọng điểm và kiểm kê nguồn thải… để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Các giải pháp cũng được khuyến cáo nhiều như sử dụng nhiên liệu sạch và hiệu quả hơn; thiết kế nhà thông thoáng, trồng cây xanh, giữ trẻ nhỏ tránh xa khói, hạn chế các hoạt động với cường độ cao, sử dụng máy lọc không khí; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để gửi thông tin cho người dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao.

PHAN HỒNG

Đọc thêm

lên đầu trang