Bài 4: Vai trò của môi trường trong nền kinh tế tuần hoàn

08/09/2020 10:18

(250)


Về mặt môi trường, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với quy mô nền kinh tế nhỏ, tuy xếp thứ 68 về diện tích, thứ 15 trên Thế giới về dân số nhưng lại đứng thứ 4 Thế giới về thải rác nhựa ra đại dương đến 700 ngàn tấn /năm trong tổng lượng rác thải nhựa 1,8 – 2 triệu tấn /năm thải trong môi trường khắp nơi của mình.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số 5 nước dễ tổn thương nhất do Biến đổi Khí hậu, và cũng nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm không khí, điều sẽ làm Việt Nam mất đi khoảng 3,5% GDP vào năm 2035 theo dự báo.

Gấp rút có biện pháp ngăn chặn vấn nạn rác thải nhựa đại dương

Trong các thứ ô nhiễm, vấn nạn rác thải nhựa đại dương là nguy cơ lớn nhất vì sự suy thoái của hệ sinh thái biển chiếm 4/5 diện tích Trái đất và tác hại lên chuỗi thức ăn, lên ô nhiễm nguồn nước và không khí khi chúng bị phơi ra trước bức xạ mặt trời và sóng gió phân tán khắp nơi.

Kinh tế tuần hoàn nếu bỏ qua giải pháp ngăn chặn việc này vẫn là chưa đầy đủ và tạo một cửa mở bất ngờ cho ô nhiễm sinh thái xâm nhập phá hoại những thành tựu kinh tế tuần hoàn ở các nền kinh tế trên 5 lục địa.

Được biết, loại ô nhiễm này đang phát triển mạnh – khoảng 140 triệu tấn tích tụ nhức mắt đầy trên biển rồi tập trung vào 5 đảo xoáy rác khổng lồ trên các đại dương của quả địa cầu. Với liều lượng gần 13 triệu tấn thải ra biển hàng năm, và nếu không hành động ngay bây giờ, sẽ khiến trữ lượng nhựa đại dương tăng nhiều lần theo cấp số nhân.

Với lộ trình này, bắt đầu từ con số gấp 2 lần lượng nhựa sản xuất và sử dụng, gấp 3 lần lượng nhựa trong số đó thải ra biển, cuối cùng sẽ là tăng gấp 4 lần trữ lượng nhựa tích lũy trên đại dương với hơn 600 triệu tấn, nhiều hơn cả cá trong đại dương từ năm 2040 đến năm 2050.

Những hoạt động môi trường đồng dạng với kinh tế tuần hoàn

Như đã nói, khái niệm và thực tiễn Kinh tế tuần hoàn đã từng hiện diện rất xa xưa trong xã hội loài người khi con người không bao giờ bỏ đi những vật dụng, phương tiện mình đã sử dụng và kéo dài vòng đời của chúng cho đến khi tàn lụi hoặc chỉ vất bỏ khi không còn giá trị đổi chác, hay sử dụng. Diễn tiến tiêu dùng đó là hành động vô thức trong ý niệm về kinh tế tuần hoàn và tồn tại dai dẳng cho đến nay.

Xã hội ta lâu nay vẫn diễn ra trước mắt mọi người các điển hình của nền kinh tế tuần hoàn – chỉ vì chưa được khái niệm cụ thể theo từ ngữ ngày nay. Đó là các nghề: Thu mua ve chai, lông vịt, đồng nát, vật liệu – máy móc hư cũ; Đổ xà bần xây dựng; Gom nhặt tái sinh các thứ nhựa; Hốt thức ăn thừa, nông phẩm hư bỏ để chăn nuôi; Tận dụng nông sản dư thừa héo úa sau thu hoạch để sấy khô, trồng nấm, làm mứt, xi rô, trà, bột dinh dưỡng…

Đó còn là sản xuất các chất hút ẩm, phụ gia, bánh hay thực phẩm loại 2 từ thứ phẩm, phế phẩm của thức ăn, hàng thực phẩm; Thu phế phẩm xương – thịt – cá về chế biến nước chấm, thức ăn gia súc, thực phẩm chức năng; Xử lý vỏ tôm cua – giáp xác thành collagen, chitin, dược phẩm; Phơi hoai phân động vật – phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ; Tuyển rác điện tử để thu hồi nguyên liệu tổng hợp cao cấp; Gom lục bình, lá cây, gỗ nhựa, cao su làm hàng thủ công mỹ nghệ ..v.v.

Đại khái là rất nhiều hình thức, nhưng do là “phế thải” nằm cuối chuỗi tiêu thụ của nền kinh tế tuyến tính, khi thành “nguyên liệu đầu vào” của cơ chế tái sản xuất đó thường là của bỏ đi, đồ “chùa”, rẻ tiền, nên phần lớn những “nhà kinh tế tuần hoàn” đó bị xem thường như nguồn nhân lực thứ cấp của xã hội, sống ăn theo bên lề cuộc sống sản xuất – tiêu dùng, và những hoạt động trên không được xem là động thái chính quy của guồng máy kinh tế…

Thực trạng vận hành kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực Môi trường

Hiện nay Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn ở quy mô rộng khắp. Các hoạt động mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho những cơ sở sản xuất và tiêu dùng nhưng qui mô nhỏ và thiết bị – công nghệ tái chế còn lạc hậu.

Hơn nữa, những vựa ve chai đồ cũ chẳng hạn, chưa mang lại lợi ích kinh tế rộng lớn hơn cho xã hội nhưng nhiều hoạt động của các mô hình cục bộ và tùy nghi đó đôi khi lại rất nhếch nhác, dơ bẩn, đã gây ra ô nhiễm và suy thoái thêm cho môi trường.

Gần đây ở Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang được thực nghiệm, đem lại những hiệu quả ban đầu nhất định và tác động đến xã hội tốt. Chẳng hạn như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản giáp xác tạo ra Chitosan, Collagen; sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang; thử nghiệm con đường bằng nhựa tái chế ở khu công nghiệp Hải Phòng; chương trình giải cứu rác chết của vài nhóm liên kết với các công ty FDI; dự án thu hồi phế phẩm bao bì sản phẩm phế thải của Liên Minh Tái chế từ các tập đoàn ngành giải khát lớn…

Tuy nhiên, các công trình kinh tế tuần hoàn này này thật đầy triển vọng nhưng đại đa số đều có nhân tố nước ngoài chứ chưa mang dấu ấn Việt Nam, tức là các doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự ý thức để tham gia vào quá trình này, và hiệu quả thực tế cũng chưa hoàn toàn thuyết phục để đưa ra các mô hình triển khai trên diện rộng.

Trong đời sống thường ngày, ta vẫn bắt gặp rất nhiều những dự án kinh tế tuần hoàn ở quy mô nhỏ từ các tổ chức hội đoàn quần chúng và chuyên môn, từ các đơn vị kinh doanh khởi nghiệp, hay từ sáng kiến sản xuất – cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh và dịch vụ.

Gần đây nổi lên phòng trào kêu gọi sử dụng những túi đựng, ly chén, đồ dùng bằng vật liệu thiên nhiên thay thế nhựa; những vật dụng bao bì dùng nhiều lần; những sản phẩm nhựa sinh học tự phân hủy; những phế phẩm nông sản thành kẹo mứt, phụ phẩm hữu cơ; những siêu thị, nhà hàng tái phân phối hàng thừa, cận đát; những khu du lịch sinh thái; những sáng kiến chuyển rác nhựa thành vật liệu xây dựng; những công nghệ thu hồi tro xỉ nén đúc làm đường; những biện pháp thu hồi nước thải để xử lý và tái sử dụng; những đồ phế liệu thành hàng thủ công mỹ nghệ, những chai nhựa, cao su, vỏ xe thành giày dép ..v.v.

Tương tự như vậy, hiện nay ở khắp nơi đã xuất hiện nhiều công trình hoạt động quy mô hơn trong mọi lĩnh vực mang dáng dấp và xu thế kinh tế tuần hoàn.

Chẳng hạn, đã có các dự án tận dụng nước thải để phục vụ sản xuất, sinh hoạt; dùng điện mặt trời áp mái để có điện năng tiêu dùng, xây dựng trang trại điện gió, điện mặt trời để hòa lưới cấp điện quốc gia; sử dụng phế – phụ phẩm nông sản để chế biến thứ khác, trồng rau quả hữu cơ hay chuyên canh, luân canh có khoa học để tận dụng phân xanh cải tạo đất; chia sẻ văn phòng, cơ xưởng để cùng sản xuất và tận dụng nguyên liệu, công việc, giảm chi phí…

Đồng thời các giải pháp sản xuất và sử dụng những sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường; tận thu khí lò hơi để sấy sản phẩm hay gia nhiệt hệ thống dây chuyền sản xuất; mô hình Vườn – Ao – Chuồng trong nông nghiệp đồng bằng; hình thức “đổi rác lấy quà hay tem phiếu” trong cộng đồng dân cư… cũng được thực hiện. Có thể nói, những hoạt động này đều là những thể hiện tốt đẹp, khả quan của nền kinh tế tuần hoàn đang được định hình.

Tuy nhiên, không phải cứ tận thu phụ – phế phẩm, rác thải mà sàng lọc tái chế, tái sử dụng, đều là biểu hiện tích cực của nền kinh tế tuần hoàn. Có những cơ sở thu gom chỉ quan tâm đến những thứ kiếm ra tiền chứ hoàn toàn không ý thức gì về bảo vệ môi trường hay chí ít cũng chia sẻ nguyên liệu tái sinh cho ngành nghề khác. Hoạt động này chẳng khác một ngách rẽ thu gom nhặt nhạnh những thứ có thể hữu dụng bán được, rồi tọng những thứ vô dụng còn lại vào dòng chảy tàn lụi của nền kinh tế tuyến tính.

Thậm chí, có những đơn vị thu gom xử lý kiểu đồng nát rác thải điện tử đã tách thủ công những thứ có thể bán được cho ngành điện tử, điện cơ kinh doanh, dịch vụ và thải bừa bãi ra môi trường những mớ rác vừa nhựa, vừa cao su, vừa kim loại nặng, vừa hóa chất độc hại. Có nơi, đơn vị khởi nghiệp đã chế tạo sản phẩm chén ăn, ly nước từ tinh bột, rơm rạ, bã tre “thân thiện môi trường” nhưng lại tráng màng Melamine hoặc Polimer cho bóng đẹp, chống thấm, đã tạo ra những ẩn họa nguy cơ độc hại khôn lường khi sử dụng mà sản phẩm bị trầy xước hoặc khi nhiệt hóa sẽ gây độc hại hơn nhựa….

Kinh tế tuần hoàn không phải là xử lý chất  thải, mà ngược lại, thiết kế chất thải, tức là các quy trình sản xuất phải thay đổi ngay từ đầu, tính toán sao cho chất thải tạo ra sẽ có thể được tái sử dụng, tái chế ở mức độ cao nhất, trở lại thành đầu vào cho sản xuất, thậm chí, không tồn tại khái niệm chất thải trong nền kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà trong một nền kinh tế có chứa nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn. Đã có những sự kết hợp kiểu kinh tế tuần hoàn như vậy giữa vài đơn vị sản xuất để tối ưu hóa nguồn nguyên liệu, năng lượng hay giảm thiểu chất thải, nhưng ở mức độ tự phát quy mô nhỏ. Như vậy, không thể hình thành một nền kinh tế tuần hoàn nếu không vận hành mang tính hệ thống của cả nền kinh tế – xã hội thì mới phát huy hết hiệu quả.

LÊ HÙNG

Nguồn bài 1: https://thegioimoitruong.vn/nhan-dien-nen-kinh-te-tuan-hoan.html

Nguồn bài 2: https://thegioimoitruong.vn/bai-2-nen-kinh-te-tuan-hoan-la-yeu-cau-tat-yeu.html

Nguồn bài 3: https://thegioimoitruong.vn/bai-3-uu-diem-cua-nen-kinh-te-tuan-hoan.html

Đọc thêm

lên đầu trang