Bài 2: Nền kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu

05/09/2020 10:58

(249)


Như đã nói từ bài trước, với một thời gian dài các quốc gia cạnh tranh nhau phát triển kinh tế bằng việc không ngừng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nhanh đến cực điểm, không ngừng đẩy mạnh năng suất và giá thành, đã khiến các nguồn tài nguyên kiệt quệ, phá hủy sự cân bằng sinh thái môi trường, gây nên sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt.

Hậu quả cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid – 19 đã khiến cả triệu người chết, các nước phải đóng cửa, nền kinh tế trì trệ, quan niệm tiêu dùng cũng đang từng bước thay đổi. Đây chính là lúc cần phải bắt đầu triển khai ngay các giải pháp thúc đẩy kinh tế và tiêu dùng bền vững, hướng đến bảo vệ môi trường, hay còn gọi là nền kinh tế tuần hoàn. 

Hiểu biết căn cơ về nền kinh tế tuần hoàn

Bản chất Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động với 3 nội hàm cơ bản, bao gồm:

(1) Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, bảo tồn và phát triển nguồn lực tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên và nguồn năng lượng tái tạo;

(2) Kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm và vật liệu, tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu;

(3) Tái tạo các hệ thống tự nhiên,nâng cao  hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết  kế ngăn chặn – xử lý các tác động tiêu cực (thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm).

Trên tinh thần khôi phục, tái tạo tăng vòng đời cho sản phẩm đó, một nền kinh tế tuần hoàn đang phải giải quyết mối liên quan đến sự khác biệt quan trọng giữa chu kỳ công nghệ và sinh học. Trong đó:

(1) Chu kỳ Công nghệ liên quan đến việc quản lý các nguồn tài nguyên hữu hạn. Các nguồn lực được khai thác và sử dụng trong nhiều chu kỳ kinh tế. Điều này đạt được thông qua việc tái sử dụng, sửa chữa và tái sản xuất vật liệu, tài nguyên;

(2) Chu kỳ Sinh học liên quan đến việc quản lý các nguồn tài nguyên tái tạo. Các vật liệu dựa trên độ bền, tuổi thọ sinh học được thiết kế để phục hồi vào hệ thống tự nhiên và sau đó được tái sinh. Trong nền kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng và tái chế phế phẩm chỉ diễn ra theo chu kỳ sinh học.

Về mặt lý thuyết, theo quan điểm của các nhà nghiên cứu quốc tế, một nền kinh tế tuần hoàn cần được vận hành theo 5 nguyên tắc quan trọng:

(1) Thiết kế để tái sử dụng: Chất thải sẽ không tồn và được thiết kế để phân tách, tổng hợp hay pha trộn tái sử dụng trong một chu trình mới;

(2) Vận hành linh động, đa dạng: luôn có sức chống chịu cao trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh, thể hiện ở các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản xuất trong mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau;

(3) Sử dụng chu chuyển năng lượng: với 2 nguồn năng lượng chính luôn sẵn có với khả năng gần như vô hạn, là năng lượng tái tạo và sức lao động;

(4) Tư duy có hệ thống: tập trung vào các tiến trình phi tuyến tính và các vòng luân chuyển. trong kết hợp với các yếu tố môi trường. Liên tục tối ưu hóa các hệ thống trong tương quan giữa Nguyên liệu – Sản phẩm – Tiêu thụ – Thải bỏ với định hướng lâu dài tại nhiều cấp độ và quy mô khác nhau;

(5) Căn cứ nền tảng sinh học, do ngày càng nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng chúng diễn ra dựa trên quy tắc “phân tầng” với nhiều mục đích sử dụng khác nhau trước khi kết thúc hay quay vòng.

Một nền Kinh tế tuần hoàn có nhiều cách tiếp cận khác nhau, tập trung ở 3 mức quy mô là:

(1) Mức thấp (vi mô), KTTH tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất các mặt hàng nông sản, có khuyến khích, yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch và mô hình hữu cơ, thân thiện môi trường;

(2) Mức trung bình (trung mô), KTTH bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp sinh thái để tạo cơ hội tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp;

(3) Mức cao (vĩ mô), toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế để mọi chất thải tiết giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng, không thải vào môi trường.

Sự hiện diện rõ dần của nền Kinh tế tuần hoàn

Việc chuyển đổi từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, vừa đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, mang lại nhiều lợi ích trong bối cảnh tài nguyên bắt đầu suy kiệt, khan hiếm vừa giúp ứng phó với biến đổi khí hậu vì hạn chế được phát thải.

Có thể nói cách tiếp cận này không chỉ là những điều chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nền kinh tế tuyến tính truyền thống mà còn là một sự thay đổi hệ thống tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, cơ hội kinh doanh đa dạng, cũng như mang lại những lợi ích môi trường và xã hội.

Theo Cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.

Đó là: (1) Không nghèo; (2) Không thiếu đói; (3) Sức khỏe và an sinh; (4) Chất lượng giáo dục; (5) Bình đẳng giới tính; (6) Nước sạch và vệ sinh; (7) Năng lượng sạch và tái tạo; (8) Công việc tử tế và kinh tế phát triển; (9) Thực thi tốt Công nghiệp, Sáng tạo và cơ sở hạ tầng; (10) Thu hẹp sự bất bình đẳng xã hội; (11) Đô thị và cộng đồng bền vững; (12) Sản xuất và Tiêu dùng có trách nhiệm; (13) Hành động vì khí hậu; (14) Môi trường Nước; (15) Môi trường Đất; (16) Bảo đảm các thiết chế, hòa bình và công lý; (17) Cùng hợp tác tốt để thực hiện các mục tiêu trên.

Từ hạ tuần tháng 8/2020, Thủ Tướng Chính phủ đã chính thức kích hoạt nền Kinh tế tuần hoàn bằng văn bản quyết định sách lược và lộ trình hiện thực hóa đến 2030. Theo đó, Chính phủ đã có một loạt các biện pháp triển khai đồng hành với chỉ đạo vĩ mô về nền Kinh tế tuần hoàn liên quan đến các lộ trình nghiên cứu, hoàn thiện văn bản và giải pháp, việc tổ chức và thực hiện. Qua quyết định này, Chính phủ cũng tái khởi động chương trình “Nhãn xanh môi trường” từng đã triển khai từ lâu nhưng chưa được các doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình.

Đây thực sự là một cơ hội lớn, cũng là động lực kịp thời để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với khan hiếm tài nguyên và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cách tiếp cận này không chỉ là những điều chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nền kinh tế tuyến tính truyền thống mà còn là một sự thay đổi hệ thống tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, cơ hội kinh doanh, cũng như mang lại những lợi ích môi trường và xã hội, đồng thời cũng là tiền đề để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Trong mỗi nền kinh tế, các nguồn lực được huy động, như vốn đầu tư, lao động, thiết bị, khoa học và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên và năng lượng… được xác định là những yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất, trong khi đó ở đầu ra, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng, dân sinh sẽ tạo ra chất thải vào môi trường.

Ở ngay tại điểm ngưỡng chết này của vật chất, sản phẩm, kinh tế tuần hoàn là cánh cửa chốt chặn, mở lối đi khác hòa nhập vào nền sản xuất xã hội. Đó cũng là con đường tất yếu của hiện tại và tương lai, vô cùng bức thiết hướng đến nền kinh tế bền vững, phát thải các-bon thấp nhờ giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp, triệt giảm nguyên nhân chính cho nguy cơ biến đổi khí hậu.

LÊ HÙNG (còn tiếp)

http://thegioimoitruong.vn/nhan-dien-nen-kinh-te-tuan-hoan.html

Đọc thêm

lên đầu trang