Xe đạp là loại phương tiện công cộng phổ biến và được xem là phù hợp với mọi loại đối tượng, xe đạp tiện lợi, nhỏ gọn, tốt cho sức khỏe và đặc biệt đây là loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Biết được những điều đó, UBND quận 1 đề xuất dự án vào giữa tháng 1/2018 sẽ triển khai thí điểm giải pháp Mobike (chia sẻ xe đạp thông minh) ở khu vực trung tâm thành phố…
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP MOBIKE Ở KHU VỰC TRUNG TÂM THÀNH PHỐ
Ngày 2.1.2018, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải là cơ quan đầu mối của thành phố tiếp nhận các đề xuất của các doanh nghiệp, phối hợp với các ngành chức năng làm việc với Tập đoàn Hyosung và các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư để xem xét đề xuất UBND thành phố khả năng triển khai thí điểm giải pháp Mobike ở khu vực trung tâm thành phố giữa tháng 1 năm nay.
Trước đó, ngày 22.12 vừa qua, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Hyosung về phương án đầu tư xe đạp công cộng không người trông coi trên địa bàn thành phố. Tham dự buổi họp về phía thành phố có lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải và Sở Ngoại vụ.
Sau khi nghe phần trình bày của Tập đoàn Hyosung và ý kiến của các đơn vị dự họp, ông Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao về tính ứng dụng của chương trình Mobike – giải pháp chia sẻ xe đạp thông minh trên địa bàn thành phố
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, trong tình hình TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển mô hình đô thị thông minh, Mobike có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, vừa thúc đẩy phát triển giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân vào nội thành (nhất là giờ cao điểm), vừa góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe người sử dụng phương tiện.
Tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến lưu ý Tập đoàn Hyosung về tính chất giao thông phức tạp của thành phố để nghiên cứu sâu hơn (về giải pháp đảm bảo an toàn tối đa cho người sử dụng phương tiện, hành lang pháp lý và giải pháp xử lý linh hoạt khi xảy ra tai nạn; cơ chế quản lý sử dụng phương tiện, phòng chống mất cắp, phá hoại tài sản; độ tuổi cho phép sử dụng phương tiện; thủ tục đăng ký kinh doanh; mức thu giá sử dụng phương tiện theo quy định…) để hoàn thiện đề án, trình UBND thành phố đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.
Trong khi đó, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản 148 về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo 5 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ xây dựng, phê duyệt, triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm, để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng.
GIẢI PHÁP MỚI LIỆU CÓ KHẢ THI?
Nhiều chuyên gia cho rằng việc đưa xe đạp trở lại với đời sống giao thông hoặc sử dụng xe đạp công cộng chưa đạt hiệu quả do Việt Nam còn thiếu những quy định để khuyến khích, bảo vệ cho người dân sử dụng xe đạp, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp hay sự kết nối của xe đạp với các điểm xe buýt, cũng như chỗ gửi xe…
Để xe đạp có một chỗ đứng trong các loại hình phương tiện, dần thay thế được xe máy trong thói quen sử dụng của nhiều người, trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, các thành phố cần tính toán, đưa xe đạp công cộng trở thành giải pháp kết nối giao thông, giảm phương tiện cơ giới cá nhân…
Đặc biệt, các thành phố cần xây dựng hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho người đi xe đạp như làn đường cho xe đạp, điểm dừng, trông giữ xe…
THÙY ANH (tổng hợp)