Sáng ngày 19/9/2020, tại sự kiện công bố các hoạt động chính trong giai đoạn 1 của chương trình VÌ BIỂN ĐẢO XANH TỔ QUỐC, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM (HANE)cũng chính thức ra mắt Ban Tư vấn Môi trường(trực thuộc HANE), do ông Huỳnh Tấn Đạt – Ủy viên BCH Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM, làm Trưởng ban.
Trong thời gian tới, Ban Tư vấn Môi trường sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá lại qui trình sản xuất, thực hiện các giải pháp sản xuất sạch và xanh, các sản phẩm thân thiện với môi trường…
Khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất sạch – sản phẩm thân thiện môi trường
Đây là yêu cầu cấp bách để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững từ năm 2021-2030 mà chính phủ đã ban hành cuối tháng 6 vừa qua. Đó chính là con đường phát triển NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN nhằm bảo vệ và khai thác tài nguyên hợp lý và hiệu quả.
Các tiêu chí đánh giá được gửi đến các doanh nghiệp dựa theo tiêu chuẩn bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành cho Nhãn Xanh Việt Nam. Các doanh nghiệp đạt chuẩn sẽ được Ban Tư vấn Môi trường của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường dán Nhãn Sinh thái Rồng Xanh.
Dự kiến đến cuối tháng 3/2021, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TPHCM sẽ tổ chức LIÊN HOAN CÁC DOANH NGHIỆP RỒNG XANH để đẩy mạnh phong trào sản xuất sạch, sản phẩm thân thiện môi trường.
Trước đó, vào ngày 20/8/2020, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TPHCM đã ra quyết định thành lập Ban TƯ VẤN MÔI TRƯỜNG trực thuộc Thường vụ BCH Hội.
Ban TƯ VẤN MÔI TRƯỜNG có nhiệm vụ nâng cao việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến môi trường, tập trung vào các hoạt động tư vấn, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, các hoạt động bảo vệ môi trường…
Đây là hoạt động cùng đồng hàng với các doanh nghiệp thực hiện “Chương trình HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG giai đoạn 2021-2030” mà Phó Thủ tướng Chính phủ – Trịnh Đình Dũng, mới ký ngày 24/6/2020.
Theo đó, mục tiêu của chương trình từ nay đến năm 2030 VN phải đạt mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm phát triển kinh tế hiệu quả; bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo và tái cơ cấu kinh tế; thúc đẩy NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN và phát triển bền vững…
Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ, chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, TÁI SỬ DỤNG VÀ TÁI CHẾ trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm, ứng dụng các công nghệ thân thiện môi trường nhằm sử dụng hiệu quả các tài nguyên và giảm thiểu phát sinh chất thải…
Chính phủ cũng ra chỉ tiêu cho từng ngành phải giảm thiểu cụ thể tỉ lệ tiết kiệm nguyên phụ liệu và phát thải cho từng ngành kỹ thuật, để đến năm 2030 đạt được yêu cầu đã đặt ra.
Quy chế hoạt động của Ban Tư vấn Môi trường
Căn cứ Quyết định số 1618/QĐ-UBND ngày 16/04/2009 của Chủ tịch UBND TP.HCM thành lập Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM và quyết định ngày 2/11/2018 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM nhiệm kỳ II (2018 – 2023).
Căn cứ Điều lệ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM nhiệm kỳ II (2018 – 2023).
Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM xây dựng Điều lệ thành lập Ban Tư vấn Môi trường như sau:
Mục tiêu
Nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, định hướng phát triển của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM tập trung vào các lĩnh vực:
– Nâng cao cung cấp các dịch vụ về môi trường, tập trung vào lĩnh vực tư vấn, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
– Mở rộng nhiều dịch vụ khác hỗ trợ lĩnh vực tuyên truyền giáo dục môi trường tạo thế mạnh và sự bền vững trong hoạt động của hội.
– Hội hoạt động dựa trên uy tính và chất lượng tạo cho khách hàng thấy được sự tin tưởng tối đa về các sản phẩm dịch vụ do Hội cung cấp.
– Trong định hướng chiến lược phát triển của mình, Hội cố gắng tăng cao tỷ trọng doanh số của các dịch vụ mới nhằm thu hút khách hàng và tăng doanh thu hàng năm.
– Ban Tư vấn Môi trường do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM ra quyết định thành lập, quản lý và chỉ đạo hoạt động.
Ban Tư vấn Môi trường có chức năng và nhiệm vụ:
1. Chức năng:
– Thiết kế hệ thống xử lý nước cấp sinh hoạt và công nghiệp
– Thiết kế hệ thống xử lý ô nhiễm không khí
– Chuyển giao công nghệ môi trường
– Lập báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM)
– Lập hồ sơ bảo vệ môi trường
– Giám sát lắp đặt thiết bị các công trình XLNT.
– Tư vấn công nghệ sản xuất tuần hoàn.
– Xin giấy phép xả thải cho các doanh nghiệp.
– Nhận Giám sát quan trắc môi trường.
2. Nhiệm vụ:
– Hỗ trợ pháp lý về môi trường các nhà đầu nước ngoài vào Việt Nam.
– Hỗ trợ Ban truyền thông về các luật, các hành vi về môi trường.
– Hỗ các doanh nghiệp về mặt môi trường đúng luật bảo vệ môi trường Việt Nam.
– Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo vệ thiên nhiên và môi trường trong nhân dân, góp phần đưa nội dung Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường vào chương trình giảng dạy trong các trường trung học cơ sở.
– Vận động nhân dân thực hiện đúng luật pháp, tích cực đóng góp công sức cho các hoạt động Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ môi trường , tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật và các quy định về Môi trường để hướng tới một nền kinh tuần hoàn cho TP.HCM nói riêng và Toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung.
– Huy động và tổ chức các Viện, các Hội, các trung tâm và các trường Đại học tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách, luật pháp và biện pháp liên quan đến bảo vệ Môi trường; thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh doanh, về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội khi được yêu cầu.
– Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, trình độ kiến thức và khả năng của hội viên, thành viên trong công tác bảo vệ Môi trường, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ môi trường cho nền kinh tế tuần hoàn.
– Thực hiện tư vấn và đánh giá các tiêu chí được gửi đến các doanh nghiệp dựa theo tiêu chuẩn bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành cho Nhãn Xanh Việt Nam. Các doanh nghiệp đạt chuẩn sẽ được Ban Tư vấn Môi trường đề xuất Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM chính thức công nhận và dán Nhãn Sinh thái Rồng Xanh.
Thành viên Ban Tư vấn Môi trường
I. Ban Tư vấn Môi trường gồm các thành viên như sau:
1. Ông Huỳnh Tấn Đạt – Trưởng Ban
2. Bà Văn Thị Minh Hoa – Phó Ban
3. Ông Ngô Xuân Chinh – Phó Ban
4. Ông Nguyễn Toàn Thắng – Phó Ban
5. Ông Lê Năng Hùng – Thành viên
6. Ông Nguyễn Văn Quốc – Thành viên
7. Ông Lê Đức Toàn – Thành viên
8. Bà Võ Thị Kim Yến – Thành viên
9. Ông Văn Phước Ngọc – Thành viên
10. Bà Nguyễn Phạm Thúy Vy – Thành viên (Thư ký)
11. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lê – Thành viên (Thư ký)
II. Quyền của thành viên:
– Được tham gia tất cả các hoạt động của Ban Tư vấn Môi trường
– Được cấp thẻ Hội viên và Cộng tác viên môi trường trong quá trình công tác.
– Được ứng cử, đề cử và bầu cử Ban Tư vấn Môi trường, được thảo luận và biểu quyết các công việc của Ban Tư vấn Môi trường.
– Được xin ra khỏi Ban Tư vấn Môi trường do yêu cầu cá nhân (gửi thư thông báo cho Ban Tư vấn).
III. Nghĩa vụ của thành viên:
– Tham gia các buổi tập huấn, diễn đàn của Ban Tư vấn Môi trường.
– Góp phần quảng bá và vận động xây dựng Ban Tư vấn Môi trường.
Nguyên tắc và vai trò điều hành của Ban Tư vấn Môi trường
1. Nguyên tắc hoạt động:
– Hoạt động của Ban Tư vấn Môi trường dựa trên nguyên tắc phi lợi nhuận, phát huy và kết hợp năng lực các thành viên để phát triển họat động chung đáp ứng yêu cầu mục tiêu đã đề ra.
– Hoạt động của các thành viên mang tính chất tự nguyện.
2. Hội nghị thành viên Ban Tư vấn Môi trường:
– Nhiệm kỳ 2 năm một lần để bầu Ban Tư vấn Môi trường, đề ra phương hướng hoạt động cho Ban Tư vấn Môi trường.
– Khi cần thiết, Ban Tư vấn Môi trường có thể triệu tập Hội nghị bất thường.
– Ban Tư vấn Môi trường họp 1 tháng 1 lần.
3. Ban Tư vấn Môi trường:
– Ban Tư vấn Môi trường gồm 11 người: 01 Trưởng Ban, 03 Phó Ban, 07 Thành viên.
– Nhiệm kỳ: 2 năm. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, Ban tư vấn Môi trường sẽ tổ chức Hội nghị bầu Ban Tư vấn mới. Trong trường hợp thành viên trong Ban Tư vấn vì lý do nào đó ngưng công việc giữa nhiệm kỳ, các thành viên trong Ban Tư vấn sẽ bầu bổ sung.
Kinh phí
– Lấy thu bù chi.
– Tất cả các nguồn thu từ Ban tư vấn môi trường trừ các chi phí, phần lợi nhuận sẽ được đóng góp vào Hội để Hội duy trì hoạt động.
Ý thức nghề nghiệp
– Tất cả các thông tin của Hội nói chung và thông tin dự án của Ban tư vấn môi trường nói riêng không được thông tin ra ngoài khi chưa được chấp thuận của Ban chấp hành Hội HANE.
– Không được lợi dụng quyền hạn và chức vụ trong Hội để làm riêng cho cá nhân.
BCH HỘI BVTN&MT TP.HCM
PHÓ CHỦ TỊCH kiêm TỔNG THƯ KÝ – VĂN THỊ MINH HOA (Đã ký)