Với những tiềm năng, cơ hội phát triển đặc biệt, từ năm 2007, Đặc khu kinh tế Vân Đồn, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập là Khu kinh tế ven biển.
Vân Đồn là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang – một vành đai” kinh tế Việt-Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN-Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Nền kinh tế của Vân Đồn chủ yếu là kinh tế biển và khai thác khoáng sản bao gồm: nuôi trồng và đánh bắt hải sản, trồng và khai thác lâm nghiệp, dịch vụ du lịch biển, khai thác các khoáng sản như than, đá vôi, cát trắng, sắt, vàng sa khoáng.
Vùng biển của huyện đảo Vân Đồn có nhiều chủng loại hải sản quý như: cá mực, sà sùng, cua, ghẹ, ngọc trai…Việc nuôi cấy ngọc trai những năm gần đây phát triển mạnh.
Quảng Ninh là vùng đất giàu khoáng sản, trữ lượng khai thác than đá ở mỏ than Kế Bào khoảng 107 triệu tấn. Mỏ quặng sắt Cái Bầu có trữ lượng lớn khoảng 154.000 tấn. Mỏ cát trắng Vân Hải có trữ lượng trên 13 triệu tấn, hiện đang khai thác với sản lượng 20.000 tấn/năm. Vàng sa khoáng và vàng trong đới quặng sắt có ở đảo Cái Bầu.
Khi quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển Vân Đồn, trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển-đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.
Với cảng hàng không quốc tế và cao tốc nối Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái cũng như cơ chế chính sách đặc thù, hiện Vân Đồn đã cơ bản hội tụ đủ các yếu tố để trở thành trung tâm của sự phát triển của Quảng Ninh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Cùng với Hạ Long, Vân Đồn là đôi cánh vững chắc để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030.
Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định 1296/QĐ-TTg ngày 19/8 được Chính phủ phê duyệt, Vân Đồn là khu kinh tế tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh và vùng Duyên hải Bắc Bộ; là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp vùng Bắc Bộ, đảo Hải Nam và các thành phố phía Đông Trung Quốc; là đầu mối giao thương quốc tế, động lực chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đầu tự hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.
Tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa có điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển-đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp và là cửa ngõ giao thương quốc tế.
Việc phát triển khu kinh tế Vân Đồn mang tính đột phá, tập trung vào các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội.
Cùng với đó là sự kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia, với giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại.
Định hướng cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; Vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).
Phát triển Vân Đồn thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.