Với việc thực hiện hiệu quả mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, từ đầu năm 2019 tới nay, lượng rác thu gom trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) giảm hơn 5 tấn mỗi ngày. Nhờ đó, chi phí vận chuyển, xử lý rác giảm khoảng 150 triệu đồng mỗi tháng.
Năm 2018, Hội LHPN huyện Nghi Xuân triển khai mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và được người dân hưởng ứng tích cực. Tới nay, việc phân loại rác đã trở thành nền nếp đối với nhiều hộ dân.
Rác thải sinh hoạt không còn “quy về một mối” nữa mà đã được các hộ dân phân ra các loại: Rác thải rắn khó phân hủy, rác hữu cơ và rác tái chế. Cùng với đó, nhiều hộ gia đình đã chủ động xây bể xử lý rác hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học ủ rác làm phân bón.
Bà Dương Thị Hà (thôn 3, Cổ Đạm) chia sẻ: “Sau khi được phổ biến những lợi ích về phân loại rác ngay tại nhà để bảo vệ môi trường và giảm chi phí xử lý rác, từ cuối 2018, gia đình tôi đã làm các thùng rác có ghi thông tin cụ thể và bỏ đúng theo từng loại. Chúng tôi cũng xây hố chứa rác, các loại lá cây, đồ thừa rau quả bỏ vào đó khoảng 2 – 3 tháng thì đưa ra làm phân bón vườn”.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Xuân Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, thời gian qua, hội đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức hướng dẫn người dân phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình bằng nhiều hình thức như tổ chức tuyên truyền, đi đến nhà vận động, lồng ghép nội dung trong các buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ thôn, xã… Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cũng đã trao tặng 4.000 giỏ rác cho các hộ dân.
“Tới nay, nhiều xã làm tốt công tác xử lý rác như Xuân Trường, Xuân Phổ, Xuân Viên… Nhiều hộ gia đình đã có 3 thùng rác trong nhà, chia rác ra làm 3 loại riêng biệt, các loại rác hữu cơ được xử lý đúng cách, hạn chế lượng rác mang đến nhà máy. Hiện có 886 hố rác hữu cơ ở các hộ dân để xử lý rác làm phân bón” – Chủ tịch Hội LHPN Nghi Xuân nói thêm.
Theo Phó trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Nghi Xuân Lê Hữu Phong, nhờ vào các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn nên lượng rác thu gom về nhà máy xử lý giảm rất rõ rệt.
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện mỗi ngày lượng rác thải thu gom khoảng 35 tấn, trong khi đó, khi chưa thực hiện mô hình phân loại rác là 40 tấn mỗi ngày. Rác sau khi được tổ vệ sinh môi trường các địa phương thu gom và đưa về khu xử lý theo quy định.
“Việc giảm lượng rác 5 tấn mỗi ngày, tính ra mỗi tháng trên toàn huyện, chi phí vận chuyển và xử lý rác giảm tới 150 triệu đồng”, Phó trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Nghi Xuân cho hay.
Để hoạt động phân loại rác quyết liệt, hiệu quả hơn, cuối tháng 7/2019, UBND huyện Nghi Xuân đã ban hành Nghị quyết triển khai đề án phân loại rác sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ tại nguồn.
Huyện đã xây dựng thí điểm 100 bể ủ rác hữu cơ 2 ngăn để xử lý tại hộ gia đình thuộc 3 xã Tiên Điền, Xuân Thành và Xuân Viên. Ngoài ra, cùng với nguồn kinh phí huyện hỗ trợ, các xã khác cũng chủ động xây bể ủ rác.
Việc thực hiện tốt phân loại, xử lý rác tại nguồn không chỉ mang lại diện mạo làng quê sạch đẹp hơn mà còn góp phần hạn chế lượng rác thải ra môi trường, giảm thiểu chi phí thu gom, xử lý rác, giải quyết gánh nặng ô nhiễm môi trường cho địa phương.
Theo Báo Hà Tĩnh