378 thùng rác màu cam đã được đặt trên các tuyến đường ở vùng sản xuất nông nghiệp của TP.Đà Lạt để thu gom bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, nhưng rác vẫn tràn ra ngoài, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Đến ngày 20/9 là đã 2 tháng trôi qua kể từ khi lắp đặt hàng trăm thùng rác màu cam để chứa rác thải độc hại trong sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt, nhưng Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt vẫn chưa một lần thu gom rác để đưa đi xử lý. Lãnh đạo công ty thừa nhận việc thu gom rác thải nông nghiệp tại các phường, xã trên địa bàn TP.Đà Lạt thời gian qua có những bất cập, hạn chế.
Cụ thể từ tháng 7/2019, công ty đã phối hợp với các phường, xã ở Đà Lạt bố trí tổng cộng 378 thùng rác màu cam trị giá hàng tỷ đồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp để thu gom bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật độc hại.
Trước đó, chính quyền các địa phương đã phối hợp với hội nông dân và các tổ dân phố hướng dẫn bà con nông dân việc phân loại rác trước khi bỏ vào thùng. Trên các thùng rác màu cam ghi rõ đây là thùng chứa chất thải nguy hại (bao bì thuốc bảo vệ thực vật), do đó không đươc bỏ rác sinh hoạt vào thùng, nếu vi phạm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng.
Thế nhưng, thực tế rất nhiều thùng rác màu cam được đặt cạnh thùng rác màu xanh (thu gom rác thải sinh hoạt) nên cũng bị lấp đầy bằng các loại rác sinh hoạt.
Đi dọc các con đường khá gần trung tâm TP.Đà Lạt như phường 3, phường 5 và phường 8, nhiều thùng rác màu cam chứa đầy rác nhưng bị bỏ mặc mấy tháng qua khiến rác tràn ra ngoài trông rất nhếch nhác và bốc mùi hôi thối; nhất là các tuyến đường An Bình và Trần Thánh Tông (Phường 3), mỗi ngày có hàng trăm xe chở du khách đi ngang qua để đến khu du lịch hồ Tuyền Lâm.
Tại một số tuyến đường ở phường 8, nhiều thùng rác màu cam bị bung cả cửa bên hông vì bị ùn ứ rác quá lâu, có những thùng rác bị lập úp hoặc nằm lăn lóc trên bãi cỏ.
Ngày 21/9, trước phản ánh bức xúc của người dân và cơ quan truyền thông, Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt mới huy động hơn 80 công nhân để phân loại rác thải nông nghiệp trong các thùng rác màu cam.
Ông Nguyễn Đức Thuần, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật – Kinh doanh của công ty trực tiếp hướng dẫn công nhân phân loại rác để thu gom.
Ông Thuần nói do người dân bỏ lẫn lộn rác sinh hoạt với rác nông nghiệp độc hại nên công nhân phải tiến hành phân loại. Sau đó, rác sinh hoạt sẽ được đưa về bãi rác Cam Ly để chôn lấp, còn các bao bì, chai lọ thuốc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu được thu gom vào bao riêng để chuyển về kho lưu giữ. Định kỳ 6 tháng một lần, công ty sẽ cho vận chuyển rác độc hại đến TP.HCM và thuê một đơn vị chức năng xử lý bằng cách đốt tiêu hủy.
Theo TPO