Ngày 26-8, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP.HCM tổ chức họp báo xung quanh nội dung “Định hướng của TP.HCM về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện”.
Công nghệ xử lý hiện hữu không còn đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của TP, người dân, việc chuyên đổi công nghệ mới được đánh giá trở thành cứu cánh để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững và tăng trưởng xanh. Đó là những nội dung chính được lãnh đạo Sở TN-MT TP nhấn mạnh tại buổi họp báo.
Hạn chế của công nghệ cũ
Theo Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, cùng với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, phát triển kinh tế – xã hội cao, TP đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, trong đó, giảm ô nhiễm môi trường là 1 trong 7 Chương trình đột phá của TP giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý chất thải của TP chủ yếu là chôn lấp. Một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón và tái chế nhưng tỷ lệ còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của TP.
Cụ thể, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, vận chuyển năm 2018 là gần 3,8 triệu tấn, trung bình hơn 9.200 tấn một ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý dưới dạng chôn lấp trên 2,2 triệu tấn, chiếm hơn 72% trên tổng khối lượng chất thải năm 2018. Việc chôn lấp khối lượng rác thải này hiện chủ yếu tập trung tại Khu Đa Phước và Khu Tây Bắc; còn tái chế tại Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa. “Mặc dù các bãi chôn lấp tại TP là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp này phù hợp với điều kiện của TP ở giai đoạn trước đây, trong đó hạn chế lớn nhất là tồn tại mùi hôi trong một số thời điểm”, đại diện Sở TN-MT TP.HCM nêu thực tế.
Để cải thiện những tồn tại trong công tác xử lý, bảo vệ môi trường trong thời gian qua, từ tháng 11-2016, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 5297/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 đến 2020. Trong đó, xác định cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện, hướng đến năm 2020, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%.
“Để đạt được mục tiêu này, TP đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất cần phải tiến hành chuyển đổi công nghệ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý tại các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt phát điện theo Nghị quyết 03/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân TP trong giai đoạn đến năm 2020, gồm các nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần Tasco và tiếp theo sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy nữa”, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin.
Không phát sinh phí dịch vụ
Cũng theo Sở TN-MT TP, nhằm hỗ trợ cho các nhà máy thực hiện chuyển đổi công nghệ, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp cùng các sở, ngành liên quan đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý của các công ty: Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa, Tasco. Đến nay, các đơn vị đã triển khai những thủ tục pháp lý như: Thẩm định tổng thể dự án nâng cấp cải tạo, chuyển đổi công nghệ của nhà máy, quyết định điều chỉnh đầu tư; cấp quy hoạch 1 trên 500; cấp phép xây dựng tạm để có cơ sở tiến hành khởi công xây dựng vào tháng 9, tháng 10-2019. UBND TP cũng yêu cầu các nhà máy chuẩn bị sẵn vật chất kỹ thuật cần thiết để tổ chức khởi công xây dựng, lắp đặt thiết bị trong quý 4-2019, cam kết thời gian hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử nghiệm tháng 9-2020, chính thức vận hành tháng 12-2020.
Có mặt tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo của 3 doanh nghiệp nêu trên khẳng định sẽ thực hiện đúng thời gian tiến độ như đã giao kết trong dự án đã trình. Các doanh nghiệp cũng cam kết công nghệ đầu tư của các nhà máy hoàn toàn mới, hiện đại, đồng bộ (đốt-thu hồi năng lượng phát điện) với hiệu suất cao của Đức, Phần Lan. Do đó, khi đi vào hoạt động các nhà máy này không phát tán mùi hôi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh. Mỗi nhà máy có công suất từ 1.300 – 6.000 tấn một ngày với kinh phí đầu tư lên đến 400 triệu USD (Công ty Vietstar). “Do khí hậu ở Việt Nam có độ ẩm cao, chất thải thường ướt khó xử lý. Do đó, chúng tôi đã phải đến nhiều nước để tìm hiểu về công nghệ và nhờ chuyên gia nước ngoài tư vấn để lựa chọn loại tốt, phù hợp và hiệu quả nhất trước khi triển khai dự án”, Ngô Như Hùng Việt (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietstar), nói.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, toàn bộ chi phí đầu tư của các nhà máy nêu trên đều do doanh nghiệp tự đầu tư, TP chỉ cung cấp và trả phí dịch vụ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi công nghệ của các nhà máy này trước mắt cũng không làm tăng chi phí của người dân. Bởi để thu hút đầu tư, TP sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ như về đất đai; giá mua-bán điện, thuế, nguồn vốn. Nhưng các doanh nghiệp đều phải qua khâu đấu thầu công khai phí dịch vụ của TP. Về mặt kỹ thuật công nghệ của các nhà máy, TP sẽ tổ chức hội đồng thẩm định để đảm bảo cho sự phát triển bền vững môi trường của TP; đồng thời, góp phần đáp ứng chỉ tiêu công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo SGGP