Phát hiện lượng rác nhựa khổng lồ tại hòn đảo thiên đường không người ở giữa Thái Bình Dương: 30 năm trôi qua trông vẫn như mới
Khoa học bảo rằng trong tương lai, nhựa sẽ chính là dấu vết chứng minh cho sự tồn tại của nền văn minh nhân loại bây giờ. Lý do thì chắc ai cũng biết: nhựa có sức “sinh tồn” quá lớn, tồn tại ở ngoài tự nhiên trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm mới phân hủy. Và đặc biệt, chúng đang lan tỏa đi khắp mọi nơi trên thế giới.
Chẳng hạn như mới đây, người ta mới thu thập được 18 tấn rác nhựa ở một nơi chẳng ai nghĩ tới, đó là đảo Henderson. Đây là một hòn đảo san hô thuộc Thái Bình Dương, nằm giữa New Zealand và Peru, nhưng quan trọng nhất là nó không có người ở! Vậy mà, nhựa vẫn tồn tại, thậm chí còn nhiều là đằng khác.
Đảo Henderson vốn được biết đến là một thiên đường, do nó nằm ở vị trí rất biệt lập, cách đất liền tới 5.500km. Xung quanh chỉ toàn nước, trong vắt đến mức nhìn xuống đáy. Năm 1988, hòn đảo được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nhờ sở hữu hệ sinh thái đa dạng sinh học cực khủng, và một bãi biển chưa bị loài người xâm phạm.
Còn bây giờ, Henderson lại trở thành một trong những nơi bị ô nhiễm nhiều nhất từ rác thải của con người. Lý do là nó nằm ở ngay vị trí hợp lưu của các dòng biển trên thế giới, nên rác thải của con người sẽ theo dòng và tập trung lại đó.
Ước tính, có khoảng 38 triệu mảnh rác đang ở trên đảo, và mỗi ngày có thêm 3.500 mảnh mới. Theo các chuyên gia, bi kịch nằm ở chỗ dù chúng ta có kéo người lên đảo dọn dẹp, mọi chuyện vẫn đâu lại vào đấy do ảnh hưởng từ thói quen xả rác trên đất liền.
“Chúng tôi thấy rác ở mọi nơi,” – trích lời Jennifer Lavers, chuyên gia người Úc đứng đầu nghiên cứu trên đảo vào tháng 7 cho biết.
“Chai nhựa, hộp nhựa, ngư cụ… và chúng đến từ rất nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Đức, Canada, Mỹ, Chile, Argentina, Ecuador…”
“Thông điệp thực sự ở đây là mỗi quốc gia đều phải có trách nhiệm cho câu chuyện này. Bảo vệ môi trường ở đất nước họ, cũng là bảo vệ các khu vực xa xôi hơn.”
Lavers cho biết đảo Henderson nằm ở giữa hải lưu Nam Thái Bình Dương – một vòng xoáy chạy ngược chiều kim đồng hồ từ bờ Đông Úc đến bờ Tây của Nam Mỹ. Dòng hải lưu này vốn mang theo rất nhiều dinh dưỡng cho vùng nước quanh hòn đảo. Nhờ vậy, đảo Henderson sở hữu một hệ sinh thái hết sức đa dạng.
Nhưng sau 3 thập niên kể từ khi UNESCO trao tặng danh hiệu di sản thế giới, chính dòng hải lưu này lại nhấn chìm hòn đảo trong một biển rác. Theo tiến sĩ Lavers, cô đã đến đây lần đầu vào năm 2015, và khi đó phát hiện rất nhiều rác nhựa với mật độ 700 mảnh/m2 – con số có thể coi là cao nhất ngay cả khi so với thế giới.
Chưa hết, những con sóng còn góp phần biến rác nhựa thành những mảnh li ti, gần như vô hình với mắt người. Điều này khiến cho việc dọn dẹp bãi biển trở nên khó khăn hơn, dễ đưa nhựa vào chuỗi thức ăn của chim và rùa biển, gây ra nhiều hệ luỵ về sau.
Tháng 6/2019, tiến sĩ Lavers thực hiện chiến dịch thu dọn bãi biển trên đảo, qua đó thu thập được 6 tấn rác trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, họ không thể mang rác đi được vì không có chỗ xử lý, nên đành phải gom lại và đặt ở nơi thủy triều không thể chạm đến.
Và đau lòng hơn, ngay khi họ vừa dọn sạch một khu vực trên bãi biển, thì ngay hôm sau đã thấy rác trôi đến. Đáng chú ý, số rác họ thu gom có cả những vật dụng với niên đại từ 30 năm trước, mà giờ trông vẫn như mới.
Tiến sĩ Lavers cho biết, họ sẽ thực hiện các chuyến thực địa tới đảo Henderson trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp trong dài hạn. “Có quá nhiều rác trên đại dương rồi. Chúng ta cần phải ngăn điều đó xảy ra.”
Theo CafeF