Ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành công nghiệp sinh lời hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho ngành công nghiệp tỉ đô này chính là khoản chi phí môi trường.
TỪ MỘT ĐỜI NGƯỜI, MỘT ĐỜI ÁO
Tỉ phú Jack Ma từng nói: “Bà tôi chỉ có một cái áo. Mẹ tôi có ba. Thế hệ con gái tôi có 50 cái trong tủ và một nửa trong số đấy chúng không bao giờ mặc”.
Câu nói của Jack Ma đã đánh giá cực kỳ chính xác về xu thế của ngành công nghiệp thời trang ngày nay và sự chuyển biến của ngành này.
Theo tờ BBC, khoảng 70 năm về trước, thông thường các hàng thời trang toàn cầu phải mất đến năm hoặc tám tháng, thậm chí là hơn một năm mới cho ra mắt một loại sản phẩm mới. Bên cạnh đó, phần lớn những sản phẩm hàng hiệu của những công ty thời trang hàng đầu khi đó đều có chất lượng cực kì tốt và có tuổi đời sử dụng ít nhất là năm năm.
Tuy vậy, đi đôi với chất lượng là cái giá cực đắt. Nhiều người phải mất một, thậm chí là hai hoặc ba tháng lương mới có thể mua nổi một cái quần jeans chính hãng hiệu Hermes hay một chiếc túi xách hiệu Gucci.
Phần lớn người tiêu dùng vào thời đó không sắm nhiều quần áo hay phụ kiện thời trang mà chỉ dùng đi dùng lại những món đồ đã mua. Thậm chí, có trường hợp nhiều gia đình “truyền nhau” từ ba đời một chiếc áo khoác cũ để mặc vào mùa đông.
Điều này đã góp phần tạo nên vòng tuần hoàn quần áo cực kì ổn định. Trong vòng tuần hoàn này, số lượng quần áo dư ít hơn nhiều so với lượng người tiêu dùng. Quần áo dư thừa hầu hết đều đã rất cũ và khi được bỏ ra, những món đồ này được đưa đến tay người nghèo và được tiếp tục tái sử dụng trong vài năm tiếp theo.
Vào thời kì 70 năm trước, quần áo dư là một khái niệm vẫn còn xa lạ và ngành thời trang nằm trong số những ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm nhất trên thế giới.
ĐẾN MỘT ĐỜI NGƯỜI, MỘT “RỪNG” ÁO
Mọi chuyện chỉ thay đổi kể từ khi xu thế thời trang nhanh xuất hiện vào những năm 1960. Sau đó, sự ra đời của hãng thời trang nhanh Zara ra đời cùng những “đàn em” kế cận của nó như H&M, Mango và Bershka đã làm thay đổi mãi mãi bộ mặt của ngành công nghiệp thời trang.
Dựa trên thông tin từ tờ South China Morning Post, nhờ vào nguồn lao động giá rẻ tại châu Á và sự ra đời của những loại vật liệu bền, ít tốn chi phí, hầu hết sản phẩm thuộc xu hướng thời trang nhanh đều có giá khá rẻ, hợp túi tiền người tiêu dùng từ mọi tầng lớp. Không chỉ thay đổi mẫu mã, sản phẩm liên tục, những hãng này cứ một tháng sẽ cho ra mắt sản phẩm mới và thường hạn chế số lượng, tạo cảm giác hàng “độc”, không mua sẽ hết.
Chính những điều này đã khiến cho hàng tỉ người trên thế giới hàng tháng, thậm chí hàng tuần sẵn sàng móc hầu bao lùng mua những chiếc áo, chiếc quần hàng hiệu mà cả đời họ chẳng bao giờ thèm mặc mà chỉ nhằm bắt kịp xu thế thời trang trên thế giới, để khỏi bị “tụt hậu” so với bạn bè.
VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CỦA MÔI TRƯỜNG…
Giống như Jack Ma đã nói, họ sẵn sàng mua 50 chiếc áo trong tủ nhưng chỉ mặc một nửa trong số đó. Kết cục là những chiếc áo, chiếc quần chỉ được mặc một hoặc hai lần đó sẽ bị chính người tiêu dùng đào thải, được đưa ra bãi rác để có chỗ cho những món đồ thời trang mới toanh khác trong tủ quần áo của họ.
Số lượng quần áo được sản xuất ra quá nhiều cộng với xu hướng thời trang thay đổi liên tục đã phá vỡ vòng tuần hoàn quần áo và tạo ra lượng đồ dư thừa khổng lồ. Đó là chưa kể hàng tấn những lô hàng tồn kho từ các hãng thời trang.
Theo như trang Edgexpo, chỉ trong năm 2018, đã có hơn 500 triệu tấn áo quần, phụ kiện thời trang được thải ra và chỉ 30% trong số đó được tái chế. Điều đó đồng nghĩa với việc 70% số lượng quần áo dư thừa sẽ được chôn trong bãi rác công cộng hoặc đi vào lò thiêu rác.
Tuy nhiên, rác thải thời trang vốn không dễ tiêu hủy. Tờ báo uy tín của Mỹ Huffingtonpost đã chỉ ra rằng, tất cả những món đồ thời trang trước khi ra lò đều phải trải qua giai đoạn ngâm, tẩy rửa, nhuộm bằng vô số các loại hóa chất.
Khi được đem chôn, những hóa chất độc hại trong quần áo và phụ kiện thời trang vẫn tồn tại rất lâu và ngấm vào trong đất, thậm chí là cả nguồn nước. Ngay cả khi được đem đi đốt, những chất độc này vẫn không bị tiêu hủy hoàn toàn mà lẩn vào trong không khí.
Với tổng số doanh thu toàn cầu hơn 2,5 nghìn tỉ USD/năm, thời trang là ngành có quy mô rất lớn và tiếp tục phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, ngoài cái giá “khủng” mà những người tiêu dùng “sành điệu” phải trả, cái giá của môi trường chung của nhân loại phải trả có thể còn đắt hơn nhiều.
Theo Thế giới Tiếp thị