Theo đại diện Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), những người đồng nát, ve chai, tái chế tự phát là “tài sản quý của Việt Nam”. Nhóm phi chính thức này nếu nhận được hỗ trợ từ chính sách sẽ tạo ra động lực thúc đẩy cho kinh tế tuần hoàn.
Thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế ở Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu một số lượng lớn phế liệu từ nước ngoài. Điều này tưởng chừng rất phi lý khi Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa nhất ra đại dương.
Lý giải về nghịch lý này, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, cho biết, rác thải ở Việt Nam không được phân loại tại nguồn, dẫn đến những loại rác có giá trị tái chế thường bị trộn lẫn với chất thải hữu cơ, chất thải không có giá trị. Đồng thời, một số loại rác có tiềm năng tái chế cao nhưng từ khâu thiết kế đã không thuận tiện cho hoạt động tái chế.
Những khó khăn đó là cản trở rất lớn đối với tái chế ở quy mô lớn, bắt buộc các doanh nghiệp tái chế phải nhập khẩu phế liệu đã được phân loại sẵn. Lượng rác thải có tiềm năng tái chế thì chủ yếu được “phân loại bằng tay” và tái chế (chủ yếu là giáng chế) ở các cơ sở phi chính thức.
Như vậy, những người đồng nát, ve chai và tái chế tự phát trong suốt hàng chục năm qua đã góp phần quan trọng vào việc hạn chế lượng rác thải. Như ông Vượng đã chia sẻ trong một hội thảo trước đây, rằng nếu không có nhóm lao động này, có lẽ “rác đã ngập đến cổ chúng ta thay vì đến chân như hiện nay”.
Thu gom đồng nát, phế liệu: Mắt xích yếu thế trong kinh tế tuần hoàn
Thu gom đồng nát, phế liệu: Mắt xích yếu thế trong kinh tế tuần hoàn
Thực tế, trao đổi với phóng viên TheLEADER, một công nhân vệ sinh môi trường cho biết, trước lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng cao còn nhân công thì ngày càng ít đi, những người đồng nát, ve chai chính là “trợ thủ đắc lực” giúp công nhân vệ sinh môi trường làm sạch đường phố, gìn giữ vệ sinh chung.
Quanh năm làm việc với rác thải, chịu nhiều rủi ro về sức khỏe, tuy nhiên nhóm lao động này chủ yếu là những người yếu thế và gần như bị “bỏ quên” trên chính sách. Theo ông Vượng, đây chính là lý do hoạt động tái chế của khu vực phi chính thức có chất lượng, hiệu quả thấp, đồng thời phát sinh ô nhiễm.
“Không thể trách họ gây ra ô nhiễm vì chúng ta đâu có hỗ trợ được gì cho họ trong suốt nhiều năm qua”, đại diện ngành tái chế nhận xét.
Kỳ vọng vào EPR
“Những người bị đặt ngoài lề”, theo ông Vượng, có khoảng 2 – 3 triệu người, tương đương với quy mô lao động của ngành dệt may. Trong số đó, chủ yếu là chị em phụ nữ không được học hành nhiều, tuổi cũng đã cao.
Như vậy, hỗ trợ cho nhóm thu gom, tái chế rác thải phi chính thức không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, mà còn tạo tác động tích cực tới những vấn đề về an sinh xã hội và cân bằng giới ở Việt Nam.
Đồng quan điểm với đại diện ngành tái chế, ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam nhận xét, những người đồng nát, ve chai là “hình thức sơ khai của mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Những người tái chế, thu gom tự phát này được nhận xét là “tài sản quý của Việt Nam”, vẫn sẽ đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế tuần hoàn mà chúng ta đang hướng tới nếu có sự hỗ trợ thích hợp từ phía chính sách.
Ông Nguyễn Thi, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, công cụ mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) được đưa vào luật mới sẽ hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức nói trên.
Cụ thể, các cơ sở đồng nát, ve chai sẽ tiếp tục duy trì vai trò thu gom rác thải và cung cấp phế liệu cho các nhà tái chế nằm trong hệ thống EPR.
Mặt khác, tiến phí đóng góp cho công cụ EPR sẽ được chi trả một phần để hỗ trợ khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, muốn tham gia vào cơ chế này, các cơ sở tái chế, thu gom cần đáp ứng những tiêu chuẩn để hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả.
Theo báo TheLEADER