Ngày 28/2 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ đã tổ chức Lễ ra mắt Hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sỹ (Swiss-Vietnamese Business Gateway – SVBG).
Tham dự buổi lễ có toàn thể cán bộ Đại sứ quán, Văn phòng Thương vụ, Chủ tịch SVBG và các thành viên Ban điều hành SVBG, đại diện của cộng đồng và các thành viên Ban chấp hành Hội trí thức, chuyên gia người Việt tại Thụy Sỹ.
Chủ trì và phát biểu tại buổi Lễ ra mắt SVBG, Đại sứ Lê Linh Lan nhấn mạnh, Nhịp cầu kinh doanh ra đời vào một thời điểm hết sức đặc biệt.
Tuy đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của tình hình kinh tế thế giới trong hơn một năm qua, song với quyết tâm cao cùng sự đồng lòng của Chính phủ và toàn xã hội, về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh, đổi mới sáng tạo trong tư duy, tầm nhìn và cách làm để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đón các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Thụy Sỹ.
Với tốc độ tăng trưởng GDP 2,91% năm 2020, Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước giữ được tăng trưởng GDP dương trong khi nhiều nước trên thế giới rơi vào suy thoái nặng nề.
Ngay trong đại dịch, Việt Nam được thế giới đánh giá là quốc gia có nhiều yếu tố hỗ trợ phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới như chính trị ổn định, nền tảng kinh tế lành mạnh, và đặc biệt là hiệu ứng tích cực của việc ký kết gia nhập một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Đặc biệt, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mở ra những cơ hội to lớn thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Âu, hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của các nước thời kỳ hậu Covid-19.
Tháng 11/2020, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy thành công việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn điện khu vực (RCEP) với mục tiêu tự do hóa thương mại, đầu tư và tăng cường hợp tác kinh tế giữa 15 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Với 30% GDP toàn cầu, RCEP là khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, là tiến triển hết sức quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ thương mại tự do và toàn cầu hóa ngay trong năm đại dịch Covid-19.
Những yếu tố trên củng cố lợi thế so sánh vốn có của Việt Nam để thu hút mạnh mẽ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu tới Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và khủng hoảng Covid-19.
Về quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ, Đại sứ Lê Linh Lan chia sẻ, Thụy Sỹ là đối tác thương mại quan trọng và là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện lực.
Hiện có khoảng gần 100 doanh nghiệp, tập đoàn tên tuổi lớn của Thụy Sỹ như Nestlé, Novatis, Roche (dược phẩm), Holcim (xi măng), ABB (thiết bị điện) đang hoạt động ở Việt Nam.Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của Thụy Sỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2019 đạt hơn 3,6 tỷ USD.
Từ năm 2012, Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu EFTA bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Nauy, Iceland và Liechtenstein chính thức đàm phán FTA. Hiện hai bên đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán FTA để sớm hoàn tất việc ký kết Hiệp định trong năm 2021 khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021).
Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định, cơ hội và tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, thời gian tới còn rất lớn. Minh chứng sinh động gần đây nhất là tháng 11/2020, nguyên Phó Thủ tướng Đức người Việt Philipp Rosler đã có chuyến thăm Việt Nam với 10 nhà đầu tư Thụy Sỹ, Đức, Israel và đã quyết định đầu tư 350 triệu USD vào 3 lĩnh vực start up, sản xuất thiết bị y tế và bất động sản du lịch.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ luôn ủng hộ những nỗ lực kết nối, thúc đẩy thương mại đầu tư giữa hai nước và chúc cho Nhịp cầu kinh doanh ngày càng phát triển lớn mạnh, đóng góp tích cực cho quan hệ đối tác hợp tác hai bên ngày càng phát triển, phục vụ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam-Thụy Sỹ.
Đánh giá cao ý nghĩa của việc thành lập SVBG, Đại sứ Lê Linh Lan cho rằng đây là lần đầu tiên ra đời một Hội do người Việt tại Thụy Sỹ sáng lập với mục đích kết nối giao thương giữa Việt Nam và Thụy Sỹ. Sự kiện này cũng là một hoạt động có ý nghĩa trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ (1971-2021).
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ biểu dương nỗ lực của Ban lãnh đạo SVBG, đồng thời bày tỏ Đại sứ quán và Thương vụ sẽ đồng hành, ủng hộ các hoạt động của SVBG trong thời gian tới, đóng góp thiết thực vào bắc những nhịp cầu hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước.
Trên cơ sở giới thiệu về SVBG của Chủ tịch sáng lập Nguyễn Thị Thục, chia sẻ của các thành viên BCH Hội về quá trình chuẩn bị thành lập, sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu và kế hoạch của Hội thời gian tới, đại diện cộng đồng và các thành viên Ban chấp hành Hội chuyên gia trí thức người Việt tại Thụy Sỹ đã cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến tham vấn quý báu về các quy định sở tại trong quá trình xây dựng và vận hành các hoạt động của Hội, gợi ý về việc xây dựng trang web, và một số phương thức nâng cao chất lượng thông tin giúp tạo dựng uy tín làm tiền đề phát triển SVBG trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, sau Lễ ra mắt tại Đại sứ quán, ngày 2/3, SVBG cũng sẽ ra mắt chính thức với các đối tác Thụy Sỹ tại sự kiện Hội thảo trực tuyến Market Focus Vietnam do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Geneva (CCIG) cùng SVBG tổ chức.
Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sỹ là một Hiệp hội phi lợi nhuận được thành lập theo quy định Bộ luật Dân sự Thụy Sỹ, trung lập về chính trị và tôn giáo. Trụ sở Hội được đặt tại thành phố Lausanne, Thụy Sỹ.
Mục đích hoạt động của Hội là thúc đẩy trao đổi, hợp tác thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sỹ và Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Với vai trò quảng bá, kết nối và hỗ trợ, SVBG tập trung vào các hoạt động sau: – Thông tin cho doanh nghiệp hai nước về tiềm năng kinh tế và cơ hội kinh doanh thương mại và đầu tư của nhau bằng hình thức hội thảo, diễn đàn và các bản tin nội bộ. – Tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp hợp lệ nhằm giúp các doanh nghiệp thành công khi đầu tư, giao thương ở nước ngoài. – Phát triển các liên kết, tạo kênh dẫn thuận lợi cho việc hợp tác chuyển giao công nghệ và cải tiến kỹ thuật mang tính chất thương mại. – Giới thiệu chuyên gia, kỹ sư lành nghề, nhân công có tay nghề và các dịch vụ thuê ngoài theo nhu cầu của doanh nghiệp. – Tương tác góp ý vận động các cơ quan chức năng hai nước tạo môi trường kinh doanh với các điều kiện đầu tư và hoạt động tối ưu cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. – Tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội nhằm hỗ trợ các mục tiêu trên. |
Theo Báo Quốc tế