Theo tổ chức Y tế thế giới thì “Sức khỏe là tình trạng thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải là không có bệnh tật hay thương tật”. Điều này có nghĩa là, một người chỉ thực sự có sức khỏe tốt khi có đồng thời cả ba yếu tố thể chất, tinh thần và xã hội, và cho dù một người đang có vấn đề về bệnh tật hay thương tật cũng không có nghĩa là không có sức khỏe tốt.
1. Cần nắm chắc các yếu tố nguy cơ góp phần xuất hiện hoặc làm nặng thêm các bệnh lý tim mạch, đột quỵ:
Trên cơ sở hiểu biết về các yếu tố nguy cơ chúng ta có thể phần nào hạn chế được sự xuất hiện của bệnh cũng như dự phòng được những tai biến nặng nề do bệnh tim mạch gây ra.
Các yếu tố nguy cơ góp phần xuất hiện hoặc nặng hơn lên của bệnh lý tim mạch bao gồm:
+ Tố bẩm di truyền và gia đình: người da đen có tỷ lệ bị bệnh THA cao hơn so với các chủng tộc người khác và có tới 50% người bị THA có yếu tố gia đình.
+ Sang chấn tâm lý kéo dài hoặc các stress dồn dập.
+ Thói quen ăn mặn, hút thuốc lá, uống rượu, bia, cà phê: nghiên cứu các trường hợp đột tử có nghiện rượu, người ta thấy có các biểu hiện teo các tế bào cơ tim, mất các sợi tơ cơ, giãn mô lưới cơ tương, nhiều ổ xâm lấn của mỡ vào cơ tim- đây là những yếu tố dẫn đến sự thay đổi điện học của tim nguyên nhân chính dẫn đến đột tử (bệnh cơ tim do rượu-Alcoholic heart disease)
+ Thể trạng béo: hiện nay căn cứ vào chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index), WHO 1988 để đánh giá tình trạng béo của cơ thể.
Trọng lượng cơ thể
BMI = ————————————–
Chiều cao (m) bình phương
Bảng 1: Chỉ số BMI của WHO, 1988
STT | TRỊ SỐ BMI | PHÂN LOẠI |
1 | <16 | Thiếu năng lượng trường diễn (Chronic enenergy difi ciency) độ III |
2 | 16 – 16,9 | Thiếu năng lượng trường diễn độ II |
3 | 17 – 18,4 | Thiếu năng lượng trường diễn độ I |
4 | 18,5 – 24,9 | Bình thường |
5 | 25 – 29,9 | Béo độ I |
6 | 30 – 39,9 | Béo phì độ II |
7 | >40 | Béo phì độ III |
Người càng béo tỉ lệ mắc bệnh THA, TMCT, xơ vữa động mạch càng cao
+ Phụ nữ tuổi mãn kinh và nói chung tuổi trên 40
+ Tăng Lipide máu và rối loạn chuyển hóa thành phần Lipide máu
Tam chứng Lipide:
– Tăng Lipide toàn phần ( bt< 7g/l)
– Tăng Triglycerite (bt < 1,7 mmol/l)
– Tăng cholesterol (bt< 5,1mmol/l)
Thay đổi thành phần Lipoproteine trong đó giảm HDL-C và tăng LDL-C, VLDL-C
+ HDL-C (High density Lipoproteine) là Lipoproteine có trọng lượng phân tử cao, còn gọi là Lipoproteine alpha, có vai trò chống xơ vữa động mạch ( bt>0,9mmol/l)
+ LDL-C (Low density Lipoproteine) là Lipoproteine có trọng lượng phân tử thấp, còn gọi là Lipoproteine beta, có vai trò gây xơ vữa động mạch ( bt < 3,9mmol/l)
+ VLDL-C (Very low density Lipoproteine), là Lipoproteine có trọng lượng phân tử cực thấp, có vai trò gây xơ vữa động mạch (bình thường <0,3 mmol/l)
Hiện nay, khoa học đã chứng minh được mối liên quan chặt chẽ giữa THA, TMCT và bệnh xơ vữa động mạch và người ta cũng khẳng định được nguyên nhân của trên 90% trường hợp bị TMCT là do xơ vữa động mạch vành, và yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của xơ vữa động mạch nói chung và xơ vữa động mạch vành nói riêng là chứng rối loạn lipid máu:
– Kết luận của công trình nghiên cứu dịch tễ học ở Framingham cho thấy: “có mối tương quan thuận giữa nồng độ cholesterol máu (CT) với tỷ lệ mắc và tử vong do xơ vữa động mạch”
– Nghiên cứu MRFIT (Multiple risk factor intenvension trial), 1982 cho thấy “ có mối tương quan tuyến tính giữa CT máu với tử vong do bệnh mạch vành”
– Nghiên cứu PROCAM (Prospective cardiovascular munster study) thì kết luận “ nồng độ CT máu càng cao thì tần xuất mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do NMCT càng lớn”
– Các công trình nghiên cứu gần đây như: LRC (Lipid research clinic coronary premary prevension trial, 1984), HHS ( Heslsinski heart study, 1987), 4S (Scandinavisian simvastatin survival study, 1994), FATS (Familial atherosclerosis treatment study,1990, SCOR (Sanfrancisco specialezed center of research,1990), MAAS (Multicenter anti – Atheroma study, 1994)vv.. đều cho thấy nếu điều trị tốt chứng rối loạn lipit máu tức là góp phần quan trọng nhất trong vấn đề hạn chế sự xuất hiện và tiến triển của bệnh lý tim mạch.
+ Đái tháo đường: 30 – 50% bệnh nhân đái tháo đường bị THA kèm theo
+ Bệnh lý thận
+ Sự thay đổi điều kiện khí hậu, thời tiết đột ngột v.v
+ Rối loạn nhịp tim, nhất là các trường hợp có block AV, ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất v.v…
2. Thực hiện tốt “3 cái nửa phút” và “ 3 cái nửa giờ”
Với những người trung niên và có tuổi, đặc biệt là những người có tiền sử hoặc đang bị bệnh tim mạch thì nguy cơ đột tử về đêm rất cao. Vì sao những người này lại hay chết đột ngột về ban đêm? Vì ban đêm họ thường dậy đi tiểu quá nhanh làm não bộ bị thiếu máu đột ngột dẫn tới chuyếnh choáng, chóng mặt và bị ngã, từ đó gây hậu quả nặng nề, cá biệt có trường hợp còn làm cho tim ngừng đập và tử vong.
Thực hiện “3 cái nửa phút” tức là: khi muốn dậy phải nằm thêm nửa phút, khi đã ngồi dậy phải ngồi thêm nửa phút và khi đã bỏ chân xuống giường phải chờ thêm nửa phút nữa mới từ từ đứng dậy đi vệ sinh. Nếu làm được như vậy sẽ dự phòng được tình trạng não bị thiếu máu, bảo vệ được tim không phải co bóp quá sức, tránh nguy cơ tai biến mạch máu não, bị đột quỵ tim dẫn đến đột tử.
Thực hiện “ 3 cái nửa giờ” tức là: sáng dậy dành nửa giờ tập thể dục (tùy theo lứa tuổi và sức lực để áp dụng bài tập cho phù hợp), trưa giành nửa giờ để ngủ, tối giành nửa giờ để đi bộ nhẹ nhàng để có giấc ngủ ngon.
3. Thực hiện tốt 16 chữ: thức ăn phù hợp, vận động vừa sức, bỏ thuốc (lá), bớt rượu và cân bằng tâm trạng:
Chúng ta đều biết, bệnh tật là do 2 nguyên nhân, nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài trong đó nguyên nhân bên trong (yếu tố di truyền) không giữ vai trò chủ yếu mà chỉ là một xu hướng, còn nguyên nhân bên ngoài là những yếu tố về hoàn cảnh sinh hoạt, điều kiện sống vv.. có vai trò quyết định đến chiều hướng phát triển bệnh tật của con người.
Các yếu tố về di truyền chỉ đóng vai trò nhỏ trong cơ chế gây bệnh nhưng để thay đổi được nó đòi hỏi phải có sự tốn kém rất lớn về kinh tế và không phải ai cũng thực hiện được. Trong khi đó, để thay đổi nguyên nhân chính của cơ chế sinh bệnh – nguyên nhân bên ngoài thì lại rất đơn giản, điều này bất cứ ai cũng có thể thực hiện được.
Có thể khái quát nguyên nhân bên ngoài thành 4 câu ngắn gồm 16 chữ như đã nêu ở phần trên. Nếu thực hiện tốt 16 chữ này có thể là giảm 55% bệnh đái tháo đường, 1/3 bệnh ung thư và bình quân kéo dài tuổi thọ từ 10 năm trở lên mà không tốn thêm bao nhiêu tiền, do vậy cách giữ gìn sức khỏe hàng ngày thật đơn giản mà hiệu quả thì vô cùng to lớn.
3.1 Về thức ăn phù hợp
Chúng ta khẳng định rằng, ai cũng cần phải ăn mới sống được, nhưng phải ăn như thế nào cho cơ thể không quá béo cũng không quá gầy, lượng mỡ trong máu không cao cũng không thấp, máu không quá đặc cũng không quá loãng v v.. Có thể khái quát thành 2 câu 10 chữ:
Câu thứ nhất là: 1,2,3,4,5
Câu thứ hai là: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen
Thực hiện tốt 2 câu này sẽ giúp chúng ta có chế độ ăn rất có lợi cho sức khỏe, giảm được bệnh tật mà không tốn kém nhiều về kinh tế.
Thế nào gọi là 1?
Tức là: mỗi ngày nên uống 1 túi sữa từ 100 – 200ml (tốt nhất là sữa bò). Uống sữa bò có nhiều tác dụng như: phát triển trí tuệ, trí thông minh, tăng sức đề kháng, chống các bệnh viêm nhiễm, giảm được đau, mỏi xương, gãy xương do thưa xương ở người già.
Cách tốt nhất là uống vào lúc trước khi đi ngủ kèm theo với 1 viên C và một viên B tổng hợp.
Thế nào gọi là 2:
Tức là: mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 200 gam tinh bột
Thế nào gọi là 3:
Tức là: chỉ ăn 3 phần Protide ( chất do thịt và trứng cung cấp, nên hạn chế ăn bằng 1/3 hạn bình thường)
Thế nào là 4?
Tức là 4 câu chữ sau đây: có thô mềm, không ngọt, không mặn, ngày 4-5 bữa, ăn vừa phải chỉ khoảng 70 – 80% so với bình thường.
Thế nào là 5:
Tức là: mỗi ngày ăn chừng 500gam rau xanh và hoa quả chín, trong đó khoảng 400gam rau xanh và 100 gam hoa quả chín, thực tế cho thấy ăn nhiều rau quả tươi có thể giảm được 50% bệnh ung thư.
Còn đỏ, vàng, xanh, trắng, đen là gì?
“Đỏ” tức là mỗi ngày nên ăn một quả cà chua chín, đặc biệt là đối với nam giới cao tuổi, vì chỉ với 1 quả cà chua/ngày cũng có thể giảm được gần nửa bệnh tuyến tiền liệt (viêm ung thư) khoai lang đỏ cũng có tác dụng tương tự. Ngoài ra rượu nho đỏ, rượu nếp cẩm (có màu tím) cứ uống mỗi ngày 50 – 100ml có thể rất tốt cho phòng bệnh xơ cứng động mạch ( không nên uống nhiều rượu vì có thể gây những tai hại không lường trước được). Nếu ai tính trầm mặc, hay phiền muộn nên ăn một quả ớt chín đỏ mỗi ngày.
“Vàng” có nghĩa là nên ăn các hoa, củ, quả có màu vàng
“ Xanh” có nghĩa là chè xanh, chúng ta đang dùng nhiều loại chè để uống nhưng cần phải nhấn mạnh là chè xanh là thức uống tốt nhất, nếu chè xanh tươi thì càng tốt. Chè xanh có nhiều tác dụng nhưng có thể khái quát một vài tác dụng như: chống viêm răng miệng, lợi tiểu, chống táo bón, hạn chế viêm đại tràng từ đó góp phần chông ung thư ruột kết v.v..
“Trắng” có nghĩa là bột yến mạch
“Đen” có nghĩa là mộc nhĩ đen. Tại Mĩ, người ta đề cao tác dụng phòng bệnh của mộc nhĩ đen, các công trình nghiên cứu đều khẳng định tác dụng giảm được độ dính máu của mộc nhĩ đen, nhờ đó mà ngăn chặn được chứng tắc mạch máu, vỡ mạch máu, nhồi máu cơ tim, ở người có tuổi, đặc biệt ở người bị bệnh tăng huyết áp. Ở mức bình thường mộc nhĩ giúp cho máu lưu thông toàn thân và lên não đầy đủ hơn nên duy trì được trí nhớ tốt hơn và vận hành tốt hơn các cơ quan vận động của cơ thể. Nên ăn mộc nhĩ từ 5 – 10 gam/ngày, ngoài ra có thể ăn đậu đen, vừng đen, nếp cẩm tím, quả táo tầu đen.v.v
3.2. Về vận động vừa sức
Vì sao phải vận động? Bởi vì những lý do sau đây:
+ Thiếu vận động làm người ta béo phì ra, làm mỡ máu tăng lên, nhất là Cholesterol “ xấu” , trong khi lại làm giảm Cholesterol “tốt” là chất chống xơ vữa động mạch.
+ Thiếu vận động tạo điều kiện phát sinh bệnh đái tháo đường
+ Thiếu vận động làm thần kinh hay căng thẳng
+ Thiếu vận động cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng của sức khỏe. Hypocrate, sư tổ của nền y học, cách đây hơn 2400 năm đã khẳng định: “ Ánh nắng mặt trời, không khí, nước và sự vận động là nguồn gốc của sự sống và của sức khỏe”. Ai muốn sống và sống khỏe đều không thể thiếu được một trong bốn thứ đó, điều đó khẳng định rằng vận động cũng quan trọng như không khí, nước và ánh nắng mặt trời.
Chúng ta cũng phải biết, trên một sườn núi cổ của Hy Lạp quê hương của phong trào thể thao olympic có khắc rất rõ nét câu chữ như sau: “ Anh muốn khỏe mạnh anh hãy chạy và đi bộ, anh muốn có dáng hình đẹp hãy tập chạy và đi bộ” . Điều này có nghĩa là luyện tập bằng phương pháp chạy và đi bộ là tốt nhất đối với mỗi lứa tuổi, đặc biệt là đối với người trung niên và cao tuổi.
Khoa học đã tổng kết là : đi bộ là cách luyện tập tốt nhất làm cho động mạch từ cứng chuyển thành mềm, đồng thời làm giảm lượng mỡ và cặn bã trong máu, các môn thể thao khác có thể gây nguy hiểm nếu quá sức còn đi bộ thì tăng tải từ từ nên dễ khống chế, điều chỉnh. Vì vậy, đi bộ là môn thể dục luyện tập phù hợp nhất cho người có tuổi, đặc biệt là những ai mắc bệnh tim mạch, huyết áp. Vậy, đi bộ thế nào là tốt nhất ? Có thể nói gọn trong ba chữ là : 3, 5, 7
“3” có nghĩa là mỗi lần đi ít nhất là 3km, thời gian tập ít nhất là 30 phút/lần
“5” là mỗi tuần phải đi bộ ít nhất 5 lần
“7” là thước đo liều lượng đi bộ, đo bằng cách hãy xác định nhịp tim của mình sau khi đi bộ sao cho cộng với số tuổi phải con số 170 là vừa sức.
Ví dụ: Một người 50 tuổi, thì đi bộ sao cho mạch bắt được là 120CK/l là vừa sức
Một cách tính thông thường khác là căn cứ vào chỉ số mạch đập đến 2/3 của mạch tối đa ( mạch tối đa tính bằng 220 – tuổi)
Ví dụ: người 40 tuổi thì mạch tối đa là: 220 – 40 = 180, cần tập cho đến khi mạch 180 x 2/3 = 120CK/phút
Một cách tính thông thường khác áp dụng cho những người > 60 tuổi là tập cho đến khi mạch tăng lên 20 nhịp so với mạch lúc bình thường là vừa.
Ngoài phương pháp vận động đi bộ thì :
Với những người khỏe mạnh bình thường, không có bệnh nên tập những môn nặng, nhất là khi còn trẻ có thể chơi bóng đá, chạy Marathon, bóng rổ, quần vợt, leo núi v.v. nhiều tuổi hơn nên chọn bóng chuyền, xe đạp, bơi, cầu lông v.v. Nói chung là phải tập cho đến khi xâm xấp mồ hôi, thở nhanh, tim dồn dập mới có lợi cho tim mạch, tập nhẹ quá kết quả cũng có nhưng ít hơn hẳn.
Đối với những người trung niên và có tuổi đặc biệt đã bị đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim: cần tập nhưng mức độ nhẹ hơn, vừa sức từng người, tập từ nhẹ rồi tăng dần, mỗi tuần lên một bậc, khi thấy mệt, khó thở hoặc đau ngực thì phải ngừng lại, rồi lại tập tiếp. Những môn cần tập như: đạp xe, chạy nhẹ nhàng, bơi, bóng bàn, cầu lông là những môn thể thao cần khuyến khích tập, trong khi cấm không được tập các môn như: tập tạ, leo núi, lặn sâu, và chơi môn gì cũng không được thi đấu.
Trong sinh hoạt hằng ngày: nên có ý thức tăng hoạt động tăng hoạt động thể lực như ngồi làm việc 1 giờ hoặc nửa giờ nên đứng dậy, ra sân hoặc đứng bên cửa sổ làm vài động tác, đi tàu xe lúc nghỉ nên đi lại, vặn mình, nghỉ giải lao giữa các buổi họp, buổi văn nghệ nên đi ra ngoài trời để vận động chân tay, nhà cao tầng nên đi lại bằng thang gác.
Tóm lại, vận động có thể thay thế được thuốc, nhưng thuốc không thể thay thế được vận động và cách vận động tốt nhất là đi bộ.
3.3. Về cai thuốc lá và giảm rượu:
Tại sao lại khuyên bỏ hút thuốc lá? Vì hiện nay đã tìm thấy trong khói thuốc lá có tới 4000 chất khác nhau trong đó có ba chất đặc biệt có hại đối với sức khỏe con người đó là: Nicotin, Oxyd carbon và các chất gây ung thư. Đối với bệnh tim mạch thì Nicotin, Oxyd carbon gây hại nhiều nhất.
– Nicotin là một chất độc cực mạnh, người lớn chỉ cần uống 50mg là đủ chết, trong khi một điếu thuốc lá có chứa 25mg, như vậy với hàm lượng Nicotin của 02 điếu thuốc lá đủ gây chết một cá thể trưởng thành, nhưng thật may mắn cho những người hút thuốc lá là khi hút thì chỉ có 2mg nicotin vào cơ thể mà thôi. Với lượng nicotin 2mg vào cơ thể đã gây ra tác dụng tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, các động mạch co lại dễ xơ vữa, có động mạch bị tắc hẳn, tuần hoàn não bị rối loạn v.v…huống chi, nếu cứ hút thuốc lá thì cho dù là lượng nhỏ nicotin nhưng sự “tích tiểu thành đại” này sẽ gây hậu quả không thể biết trước được đối với bệnh tim mạch.
– Oxyd carbon cũng có tác hại không kém, nó làm mặt trong của các mao mạch bị tổn thương, giảm lượng oxy nuôi cơ thể dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ tăng lên, nhất là trong bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Qua các công trình nghiên cứu cho thấy, chỉ cần cai thuốc lá một năm là người hút thuốc trung bình (1 gói/ngày) đã có thể lấy lại sức khỏe, và nguy cơ bị bệnh động mạch vành giảm tới mức như người không hút thuốc lá. Mặt khác, còn cho thấy việc hút thuốc lá tại các nước phát triển hiện nay đã giảm một cách ngoạn mục, trong khi các nước đang phát triển, nước nghèo thì lại có xu hướng gia tăng. Chính vì thế,WHO đã dự báo” tới năm 2025 con số người chết do hút thuốc lá lên tới khoảng 10 triệu, trong đó 70% là của các nước đang phát triển và nước nghèo”.
Một lý do khác nên bỏ hút thuốc lá, đó là gây giảm mức thu nhập kinh tế của cá nhân, gia đình và của Quốc gia. Điều tra của Báo Công an Nghệ An cho biết, tại tỉnh Nghệ An mỗi năm tiêu thụ hết 74 triệu bao thuốc lá các loại, chi hết 222 tỷ đồng, số tiền này mua đủ số gạo nuôi sống cả tỉnh trong thời gian 4 tháng.
Về giảm rượu thiết nghĩ không cần phải bàn thêm nữa.
3.4. Về cân bằng tâm lý:
Các nhà nghiên cứu tim mạch học nhận thấy căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh, hoặc lo lắng kéo dài là những yếu tố thúc đẩy sự tiến triển nặng của các bệnh tim mạch: thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim v.v.. và dẫn đến đột tử. Thực tế, bệnh tim mạch thường gặp ở những người hay vội vã, lo lắng, nhiều ham vọng, có tinh thần trách nhiệm cao (tâm lý kiểu A), nên vấn đề đặt ra là làm sao để luôn luôn giữ được bình tĩnh và lạc quan trước cuộc sống luôn bắt ta phải suy nghĩ và xúc cảm. Vậy để góp phần giảm bớt căng thẳng, bảo vệ cơ thể chúng ta cần làm tốt các công việc sau đây:
+ Nghiêm túc với mình, độ lượng với người khác, vui vì được giúp đỡ cho người khác, vui vì mình đã đạt được sự hiểu biết như ngày hôm nay, vui vì mình đã được sự đãi ngộ vật chất và tinh thần như hiện tại.
+ Sống giản dị, thanh đạm, chi tiêu tiết kiệm
+ Yêu công việc mình đang làm, yêu khía cạnh tốt của người khác.
+ Tăng thêm nhiều phút vui cười, giảm đi những phút buồn bực
+ Luôn làm chủ cơ thể, tâm thần và hoàn cảnh
+ Tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống hàng ngày: đường phố, con người, phong cảnh, những hành động cao đẹp, thái độ sáng tạo trong lao động, hoàn thành tốt công việc được giao v.v.
+ Luôn học tập không ngừng: Pautopxki “ hiền dịu với cuộc đời là một bằng chứng xác thực của một nội tâm phong phú”
+ Đưa nghệ thuật vào cuộc sống.
4. KẾT LUẬN
Theo tổ chức Y tế thế giới thì “Sức khỏe là tình trạng thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải là không có bệnh tật hay thương tật”. Điều này có nghĩa là, một người chỉ thực sự có sức khỏe tốt khi có đồng thời cả ba yếu tố thể chất, tinh thần và xã hội, và cho dù một người đang có vấn đề về bệnh tật hay thương tật cũng không có nghĩa là không có sức khỏe tốt.
Vấn đề là làm sao để chúng ta có sức khỏe tốt thực sự? Điều này cũng thật dễ, nhưng cũng thật khó, khó vì nó đòi hỏi không chỉ bản thân mỗi chúng ta, mà đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, của tất cả các ngành các cấp chính quyền, đoàn thể, dễ vì mỗi bản thân chúng ta lại là một bộ phận quan trọng nhất cấu thành nên chỉnh thể thống nhất đó.
Chúng ta hãy xác định rằng,chỉ với vai trò của y học đơn thuần thì không thể đem đến cho loài người một sức khỏe tốt, mà muốn có sức khỏe tốt buộc mỗi chúng ta phải không ngừng vươn lên, phấn đấu và rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, bản lĩnh người cán bộ sĩ quan, có nhận thức đúng đắn đối với các vấn đề xã hội và gia đình, sức khỏe gia đình với sức khỏe cộng đồng. Cần thấm nhuần quan điểm: “ Một trung tâm, hai điểm cơ bản, ba tác phong lớn và tám điều cần lưu ý”:
Một trung tâm tức là phải coi sức khỏe là trung tâm, có sức khỏe là có tất cả, thiếu sức khỏe thì mọi ý tưởng dù tốt đẹp đến mấy cũng đều vô ích.
Hai điểm cơ bản tức là: đối với việc nhỏ cần phải mơ hồ một chút có nghĩa là có một chút đại khái bỏ qua những việc nhỏ nhặt, nhưng phải rất tỉnh táo và nguyên tắc với những việc lớn; cần duy trì một thái độ rộng lượng, thoải mái, tự nhiên đối với mọi người, mọi việc có nghĩa là cần tránh hẹp hòi, giả dối, khách sáo, gò bó.
Ba tác phong lớn là: lấy việc giúp người làm vui, lấy việc được hiểu biết làm vui, vừa lòng với điều kiện sống hiện có.
Tám điều ần lưu ý là: 4 nền tảng sức khỏe và 4 thứ tốt nhất.
Bốn nền tảng sức khỏe chính là 16 chữ như đã nói ở trên, còn 4 thứ tốt nhất đó là: bác sĩ tốt nhất là chính mình, thuốc tốt nhất là thời gian, tâm tính tốt nhất là yên tĩnh, vận động tốt nhất là đi bộ.
Theo Tiền Phong