Xây thêm cầu nối quận 7 và quận 4, giải bài toán kẹt xe khu Nam Sài Gòn

15/08/2019 11:47

(335)


 Nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe và chia sẻ áp lực giao thông với cầu Kênh Tẻ, TPHCM chuẩn bị khởi công xây dựng cầu Nguyễn Khoái kết nối quận 7 và quận 4 trước tết Nguyên Đán để hạ tầng giao thông khu vực được đồng bộ.

Nỗi ám ảnh kẹt xe

Là một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất TPHCM, khu Nam Sài Gòn (quận 7, 8 và huyện Nhà Bè) ngày càng có nhiều dự án chung cư, cao ốc mọc lên. Chỉ tính riêng quận 7 đã có 97 chung cư khiến mật độ cư dân rất đông đúc, phương tiện đi lại tăng.

Tuy nhiên, khu vực này được kết nối với trung tâm thành phố bằng các cầu Tân Thuận, Kênh Tẻ, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ… với mặt đường nhỏ hẹp nên tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra.

Người dân chen chúc qua cầu Kênh Tẻ vào giờ cao điểm
Người dân chen chúc qua cầu Kênh Tẻ vào giờ cao điểm

Khu vực cầu Kênh Tẻ, hướng đường Khánh Hội sang phía quận 7 các xe thường xuyên trong tình trạng xếp hàng dài, kéo dài ra phía đường Hoàng Diệu. Tương tự, phía quận 7 cũng rơi vào tình cảnh kẹt xe từ cầu Kênh Tẻ kéo dài đến đường Nguyễn Hữu Thọ – Lê Văn Lương, các phương tiện nhúc nhích từng chút một để qua cầu. Tình trạng này thường diễn ra vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối.

Theo ghi nhận vào các khung giờ cao điểm ngày 14/5, dòng xe cộ gồm xe máy, xe ô tô, xe buýt chen chúc nhau qua cầu Kênh Tẻ. Từ 7h30 đến10h sáng, chúng tôi chứng kiến cảnh kẹt xe kinh hoàng ở đây. Còn buổi chiều, các tuyến đường như Khánh Hội, Hoàng Diệu… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều người đứng chôn chân, ngán ngẩm nhưng đành bất lực.

Một người dân buôn bán bên chân cầu Kênh Tẻ cho biết, ở đây kẹt xe cả sáng lẫn tối, xe cộ xếp hàng dài trên đường Nguyễn Hữu Thọ để qua cầu Kênh Tẻ vào quận 4 và trung tâm Thành phố kéo dài hàng cây số.

Tương tự, các cây cầu khác như Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ… tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm xảy ra như cơm bữa khiến nhiều người dân khu Nam Sài Gòn không khỏi bức xúc.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Giải quyết tình trạng này, giữa năm 2017 Sở Giao thông vận tải TPHCM đã cho thi công mở rộng cầu Chữ Y (quận 8 vào trung tâm) và Kênh Tẻ để tăng năng lực giao thông, trong khi chờ các dự án mới.

Cụ thể, tại phần cầu dẫn ở đầu quận 4 và 7 của cầu Kênh Tẻ, lề đi bộ (mỗi bên một mét) được tháo dỡ, nâng chiều rộng mặt đường từ 12 lên 14 m. Phần cầu chính rộng 14 m được mở rộng lên 16,5 m.

Ở hai bên có những đòn tay hẫng vươn ra ngoài thành cầu, làm bản mặt mới để tạo thành lề đi bộ mỗi bên rộng một mét. Dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng gần 90 tỷ đồng.

Mặt khác, Sở GTVT TPHCM cũng lập dự án xây dựng cầu quận 4 nối quận 7. Dự án này nằm gần cầu Kênh Tẻ hiện hữu, sẽ kết nối khu Nam Sài Gòn với trung tâm Thành phố có hiệu quả, chia sẻ áp lực giao thông với cầu Kênh Tẻ.

Tại cầu Chữ Y, nhánh chính từ Nguyễn Biểu lên, nhánh xuống Nguyễn Thị Tần và nhánh xuống Hưng Phú (tổng chiều dài gần 500 m) được mở rộng từ 9 lên 12 m. Cầu cũng được nâng cấp tải trọng từ 13 lên 18 tấn.

Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng đã chấp nhận cho phép đầu tư dự án cầu Nguyễn Khoái để kết nối tuyến đường từ quận 7 tới khu trung tâm Thành phố. Đồng thời, Thành phố phấn đấu khởi công xây dựng cây cầu này trước tết Nguyên Đán 2020 để kết nối giao thông khu vực quận 7 qua quận 4.

Cầu Nguyễn Khoái sau khi được xây sẽ nối đường D1, quận 7 với quận 4
Cầu Nguyễn Khoái sau khi được xây sẽ nối đường D1, quận 7 với quận 4

Cầu Nguyễn Khoái là cây cầu thứ 2 bắt qua kênh Tẻ. Dự án có tổng chiều dài 1.000m, (trong đó dài 346m và rộng là 22,5m), bắt đầu từ đường D1 khu dân cư Him Lam (quận 7) và điểm cuối là đường Bến Vân Đồn (quận 4). Theo kế hoạch, tổng số vốn đầu tư vào dự án này là 1.250 tỷ đồng.

Việc xây dựng cầu Nguyễn Khoái giúp giải tỏa áp lực giao thông cho các công trình cầu, giúp các phương tiện đi lại dễ dàng hơn và từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông ở khu vực này.

Thông tin sắp khởi công xây cầu Nguyễn Khoái cũng đẩy giá đất khu vực lân cận tăng giá chóng mặt. Trong đó, khu vực đường Nguyễn Thị Thập và khu dân cư Him Lam được hưởng lợi nhiều nhất.

Giá đất hiện tại trên đường D1 trong khu dân cư Him Lam cũng lên đến 250 triệu đồng/m. Dự kiến, sau khi xây xong cầu, giá đất khu vực này nhiều khả năng còn tăng cao nữa.

Chính vì tính khả thi của dự án này, nên tình trạng ùn tắc giao thông được giải quyết, giúp giảm mối lo lắng của người dân, đồng thời các cư dân sẽ kéo đến đây sinh sống nhiều hơn. Dự kiến, khi hệ thống giao thông kết nối tại khu vực hoàn thành việc di chuyển sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn.

Theo Khám Phá

Đọc thêm

lên đầu trang