Xây dựng đô thị sinh thái – Xu hướng phát triển bền vững của tương lai

29/12/2017 03:49

(386)


Phát triển “đô thị xanh” là giải pháp giúp các thành phố Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường.

Thế nhưng, mọi việc không đơn giản nếu chúng ta không chủ động ngay từ bây giờ trong qui hoạch, kiến trúc, quản lý xây dựng… Bởi để  mọi thứ rơi vào “chuyện đã rồi” thì sửa sai sau đó sẽ vô cùng phức tạp và tốn kém. 

CÂU CHUYỆN THỰC TẾ TỪ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Theo đánh giá của các chuyên gia, Tp. Hồ Chí Minh (Tp.HCM) được xếp vào loại thành phố cực lớn trên thế giới, với diện tích khoảng 2.095,5km2, với dân số cả chục triệu người, chưa kể lượng khách vãn lai rất lớn, được tổ chức thành 24 đơn vị hành chính, gồm: 19 quận và 05 huyện.

Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, Tp.HCM có nhiều loại hình giao thông, và cũng được xác định là trung tâm kinh tế, trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch và quy hoạch điều chỉnh xây dựng Tp.HCM tới năm 2025, theo đó sẽ đầu tư xây dựng nhiều hệ thống giao thông, các công trình cao tầng hiện đại, nhiều khu đô thị mới… làm bộ mặt thành phố thay đổi, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, thực tế thì còn tồn tại nhiều bất cập, mà bất cập lớn nhất là tình trạng ngập, lụt thành phố cần phải được quan tâm đến “tận gốc”. Tp.HCM đã nâng cấp hệ thống thoát nước thành phố, khơi thông hệ thống kênh rạch, đầu tư cả siêu máy bơm hút nước chống ngập, song tình trạng ngập lụt càng lúc càng phát triển lan rộng. Nhiều chuyên gia cho biết,  trong quản lý xây dựng thành phố chưa quan tâm đến vấn đề lớn nhất là “cos xây dựng”, do vậy việc cấp giấy phép cho xây dựng nhà ở, các công trình xây dựng khác không ghi “cos xây dựng” hoặc có ghi thì lấy cos công trình bên cạnh; nhiều khu đô thị quy hoạch 1/500 và xây dựng theo cos hiện trạng; một số chủ đầu tư tự nâng cos xây dựng lên hàng mét để xây dựng vì họ sợ tình trạng ngập lụt khó cho việc kinh doanh… Tất cả điều này đã khiến khu đô thị này đổ nước vào khu đô thị kia, các đô thị ngăn cản nhau trong việc thoát nước nên càng phát triển càng ngập nặng.

Nhiều chuyên gia cũng cho biết, Tp.HCM có địa hình tương đối bằng phẳng và thấp với một số gò triền phía Tây-Bắc và Đông-Bắc, độ cao mặt đất có xu hướng giảm dần từ phía Tây-Bắc về phía Nam và Đông Nam. Do vậy, công tác quy hoạch tổng thể và thống nhất để chống ngập cho thành phố và nghiêm khắc tuân thủ cos xây dựng để thoát nước chống ngập là điều phải làm đầu tiên.

XÂY DỰNG PHONG CÁCH SỐNG MỚI – VÌ MÔI TRƯỜNG

Để phát triển một đô thị xanh bền vững, người ta thường nhắc đến từ “đô thị sinh thái”. Hiện nay xu hướng ở nhiều quốc gia Châu Á hình thành nhiều dự án phát triển khác nhau, được gọi là “Thành phố Sinh thái”. Một số dự án liên quan đến dự án phát triển nhà hoặc các khu sinh thái bao quanh, những dự án khác liên quan đến việc xây dựng các đô thị vệ tinh mới, các dự án còn lại đề cập đến những thay đổi trong toàn thành phố.

Tiêu chuẩn của một khu đô thị hay thành phố sinh thái là gì, vì thuật ngữ này được quá nhiều người sử dụng có mục đích khác nhau, ngữ cảnh sử dụng khác nhau nên rất khó để hiểu rõ. Để khuyến khích mọi người tham khảo các công cụ hỗ trợ về các thành phố sinh thái – những hướng dẫn kịp thời của Việt Nam là rất quan trọng khi đặt câu hỏi: Thực sự, thành phố sinh thái là gì?

Thuật ngữ “Eco City” là dạng viết tắt của rhành phố sinh thái, hiểu theo nghĩa rộng là hệ thống thiên nhiên trong đó các nhân tố hữu sinh và vô sinh kết hợp với nhau trong các mối quan hệ phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau cùng với môi trường tự nhiên. Đối với Việt Nam đô thị sinh thái còn khá mới mẻ, nhưng tại nhiều quốc gia trong khu vực, mô hình này đã được triển khai khá lâu.

Khái niệm đô thị sinh thái xuất hiện trên thế giới vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX tại các nước phát triển, đề cập đến chất lượng môi trường đô thị với các mục tiêu rất cụ thể nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng sống cho cư dân. Trên thế giới, một số nước đã xây dựng thành công các đô thị xanh, đô thị sinh thái, như: Curitiba (Brazil), Thanh Đảo, Bắc Hải (Trung Quốc), Singapore, Stockholm (Thụy Điển), Freiburg (Đức), Alexandria, Virginia (Mỹ)…

Nhật Bản có những thành phố sinh thái nối tiếng như Kawasaki, Kitakyushu và các thành phố này đang nỗ lực để trở thành thủ đô sinh thái toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư xây dựng thành phố DongTan (Thượng Hải) từ vùng đầm lầy bỏ hoang, nằm ở Chongminh trở thành một thành phố sinh thái tiêu biểu, không CO2 đầu tiên trên thế giới. Trong khi đó, Quốc đảo Singapore cũng sở hữu đô thị sinh thái Thiên Tân Sino.

Đặc điểm chung của các khu đô thị sinh thái này là các tòa nhà thường được xây dựng theo mô hình thấp tầng, mái nhà phủ cỏ và cây xanh để cách nhiệt, phương tiện đi lại trong khu đô thị là xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch, xe đạp hoặc xe chạy điện.

Tại thành phố sinh thái như Kitakyushu, Nhật Bản, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường từ các ngành công nghiệp nặng cho đến công nghiệp nhẹ. Nhưng các doanh nghiệp đều được cơ quan quản lý kiểm tra mức độ ảnh hưởng đến môi trường khi xây dựng nhà máy và sản xuất tại đây. Nếu không đảm bảo vấn đề môi trường sẽ không được cấp phép, ngược lại các đơn vị đạt tiêu chuẩn sẽ được nhà nước hỗ trợ. Chính vì thế, thành phố này đã cắt giảm được 2.000 tấn CO2/năm. Mỗi năm thành phố này thu hút hàng triệu lượt du khách tới tham quan.

VIỆT NAM ĐANG HƯỚNG ĐẾN MÔ HÌNH ĐÔ THỊ SINH THÁI ĐÚNG NGHĨA

Không chỉ ở Tp.HCM mà trên diện rộng cả nước tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng nhanh, điều này khiến Việt Nam đang đứng trước bài toán khó về phát triển đô thị với nhiệm vụ hài hòa môi trường sống và sống bền vững.

Mặt trái của việc phát triển đô thị nhanh chóng chính là sự đe dọa với môi trường sống. Các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM, phải đối mặt với nhiều vấn đề như kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tình hình úng ngập, ùn tắc giao thông… và các thách thức liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Quá trình đô thị hoá nhanh đang gây sức ép về suy giảm môi trường sống do không kiểm soát được lượng chất thải phát sinh, nhất là chất thải rắn và nước sinh hoạt. Theo thống kê, hiện có 80-85% số lượng đô thị sử dụng các bãi rác chôn lấp không hợp vệ sinh dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Được biết, từ năm 2011 việc triển khai xây dựng các đô thị sinh thái tại Việt Nam đã nằm trong mục tiêu trọng tâm của hợp tác Việt Nam – Nhật Bản. Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai quốc gia đã ký kết thoả thuận hợp tác về cơ chế tín chỉ chung JCM. Với những hỗ trợ lớn về vốn và công nghệ, đây là cơ hội để các thành phố, khu đô thị tại Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để áp dụng những công nghệ tiên tiến, ít phát thải carbon như công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ chiếu sáng bằng đèn Led, công nghệ xử lý nước thải, hệ thống chia sẻ xe đạp thông minh đã áp dụng thành công tại Nhật Bản… Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển đô thị Việt Nam theo hướng đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Nhiều khu đô thị sinh thái được mong đợi là thân thiện với môi trường sẽ mọc lên trong nay mai. Hiện trên cả nước, ngoài 5 thành phố trực thuộc Trung ương có các mô hình khu đô thị sinh thái (gồm Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) sắp tới có 33 dự án khu đô thị tại Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hoà Bình,… sẽ được triển khai với tổng diện tích 43.885ha.

Phía Nhật Bản khẳng định, trong lĩnh vực hợp tác xây dựng và phát triển các dự án bất động sản từ nay đến năm 2020 và phương hướng 2025, nước này sẽ chuyển giao toàn bộ các thế mạnh về phát triển các dự án khu đô thị sinh thái kiểu mẫu thành công tại Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua cho Việt Nam. Đồng thời, Nhật bản cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng các quy hoạch khu đô thị để giữ lại nét đặc sắc vốn có của mỗi vùng, địa phương.

Như vậy, khác khu đô thị tới đây được xây dựng sẽ theo xu hướng đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên, hay cụ thể hơn là sự định cư cho phép các cư dân sinh sống trong điều kiện chất lượng cuộc sống nhưng sử dụng tối thiểu các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, thành phố sinh thái phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên; đa dạng hoá việc sử dụng đất; chức năng đô thị và hoạt động của con người; giữ cho hệ sinh thái được khép kín và tự cân bằng, giữ cho phát triển dân số và tiềm năng của môi trường, tài nguyên thiên nhiên được cân bằng tối ưu.

Tổng hợp theo Báo Xây dựng.

Đọc thêm

lên đầu trang