Về Đồng Tháp thăm Nam Phương Linh Từ để tri ân những vị tiền nhân khai phá Đất Phương Nam

23/08/2018 02:34

(396)


Có dịp về Đồng Tháp, du khách có thể đến Cao Lãnh thăm Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đi xuồng vào Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng, ghé làng cây trái Hòa An, chụp ảnh đồng Sen, thăm vườn quốc gia Tràm Chim… Đây là những địa danh nổi tiếng ở Đồng Tháp rất nhiều người biết.
 
Tuy nhiên, có một điểm nếu có dịp đến Đồng Tháp thì không thể bỏ qua, đó là KHU DU LỊCH QUẦN THỂ NAM PHƯƠNG LINH TỪ được xây dựng tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đây là nơi thờ phụng, tri ân 125 nhân vật đã có công thời khai mở, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam.

MỘT CÔNG TRÌNH ĐẦU TƯ CỦA DOANH NHÂN ĐỂ LẠI CHO HẬU THẾ

Doanh nhân Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ánh Dương (Vinasun), chính là người đầu tư xây dựng khu quần thể NAM PHƯƠNG LINH TỪ. Ông Thành chia sẻ, khi phải rời xa quê hương Đồng Tháp lên Tp.HCM lập nghiệp ông luôn tâm niệm một điều, là khi có điều kiện sẽ trở về quê nhà cố gắng làm một việc gì đó vừa có ích cho hiện tại mà cũng có thể để lại cho mai sau.

Chính vì thế ý tưởng xây dựng Nam Phương Linh Từ nhằm tri ân những tiền nhân khai phá, phát triển và gìn giữ đất phương Nam đã được hình thành. Thực tế lịch sử cho thấy, hầu hết những công trình thờ phụng đều xuất phát từ dân gian, về sau mới được nhà nước công nhận. Một số nơi hiện nay đã trở thành di tích cấp quốc gia, được nhân dân cả nước coi là những điểm hành hương, tham quan, chiêm ngưỡng…

Có thể thấy, trong quá trình đổi mới đất nước và nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trải dài trong cả nước có nhiều công trình do các doanh nhân xây dựng nghiêng về tâm linh hoặc để thờ phụng những người có công đối với đất nước đã được đưa vào hoạt động. Trong đó, NAM PHƯƠNG LINH TỪ do doanh nhân Đặng Phước Thành xây dựng là một công trình điển hình.

Với diện tích cả quần thể KHU DU LỊCH NAM PHƯƠNG LINH TỪ rộng trên 5 ha, trong đó diện tích xây dựng là 644 m2, gồm 7 gian, 2 chái, 5 lòng cùng với 80 cây cột. Trong đó cột chính có chiều cao 8,6m và đường kính cột chính là 0,45m. Quần thể có mái hạ, hàng hiên bao quanh và diện tích sân đỗ máy bay trực thăng, 2 bãi xe ô tô, sân hành lễ lên đến 3ha.

Hiện nay các hệ thống cửa, bao lam, phù điêu, hoành phi, câu đối đều sử dụng loại gỗ danh mộc, được chạm khắc rất nghệ thuật và công phu do hơn 150 nghệ nhân đến từ Cố đô Huế thực hiện. Đây là một kiến trúc độc lập nằm trong quần thể các công trình khác và là nơi tôn nghiêm để các thế hệ cháu con, tôn vinh, tri ân các vị tiền nhân đã xả thân khai mở, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam.

125 VỊ TIỀN NHÂN CÓ CÔNG DỰNG VÀ GIỮ CÕI PHƯƠNG NAM ĐƯỢC THỜ PHƯỢNG 

Doanh nhân Đặng Phước Thành cho biết được sự cố vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các chuyên gia về sử học, qua nhiều buổi làm việc cùng các buổi hội thảo, Ban cố vấn đề án đã bàn bạc, phản biện, cân nhắc thận trọng trên quan điểm tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử trong mối quan hệ đa dạng, phức tạp, nhiều chiều theo tiến trình lịch sử của dân tộc nhằm xác định luận lý và tiêu chí chọn lựa về mốc thời điểm tồn tại và cống hiến của từng nhân vật để thờ vọng nơi đây một cách xác đáng nhất.

Lấy mốc thời điểm từ khi mở cõi phương Nam đến năm 1975 và chia thành 3 lĩnh vực, Ban cố vấn chọn được 125 nhân vật đã mất trước 1975, trong đó lĩnh vực có công thời khai mở gồm 21 nhân vật; lĩnh vực gìn giữ có 62 nhân vật và làm rạng danh vùng đất phương Nam có 42 nhân vật.

Chính vì vậy, đền NAM PHƯƠNG LINH TỪ là nơi thờ từ Chúa Nguyễn Phước Nguyên (1563 – 1635) thủ lĩnh xứ Đàng Trong, sinh tại Thừa Thiên – Huế và là vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam (ở ngôi từ 1614 – 1635). Bên cạnh đó là các danh thần thời mở cõi, rồi các danh thần gốc Minh Hương như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu…

Ngoài NAM PHƯƠNG LINH TỪ, nằm trong quần thể công trình này còn có Đền thờ Đặng tộc Nam Phương Linh Từ, Bảo tàng Nam Bộ, Bảo tàng họ Đặng và dãy trường lang làm thành 5 châu, 4 hồ nuôi trồng thực vật và các loài thủy sinh, 63 chậu mai vàng tượng trưng cho 63 TỈNH THÀNH TẠI VIỆT NAM và 54 loài hoa kiểng, cây xanh tượng trưng cho 54 DÂN TỘC VIỆT NAM.

Nhiều du khách hay nhà nghiên cứu khi tới đây sẽ đặc biệt thích thú khi thăm khu vực BẢO TÀNG NAM BỘ. Có thể nói đây là tâm huyết của chủ đầu tư khi bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật, hình ảnh gốc tiêu biểu có liên quan đến các nhân vật lịch sử đã dày công khai mở và làm dạng danh vùng đất phương Nam.

Ông Đặng Phước Thành chia sẻ: “Việc xây dựng quần thể kiến trúc này không phải để đánh bóng tên tuổi, cũng không để làm du lịch – kinh doanh, mà chỉ đơn thuần là để tri ân, thờ cúng và tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai mở, gìn giữ và phát triển vùng đất phương Nam. Mọi người Việt Nam chúng ta đều là con cháu của các vị ấy, cho nên NAM PHƯƠNG LINH TỪ luôn hoan nghênh và xin chào đón tất cả mọi người đến đây để THẮP HƯƠNG BÁI VỌNG CÁC BẬC TIỀN NHÂN.”

Đọc thêm

lên đầu trang