Từ vùng đất bị hủy diệt hoàn toàn đến hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ

16/05/2019 10:16

(395)


Rừng ngập mặn Cần Giờ là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn nằm ở cửa ngõ Đông Nam TP.Hồ Chí Minh, có diện tích 75.740 ha.

Với hệ động thực vật đa dạng, đặc trưng, Rừng ngập mặn Cần Giờ đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, là lá phổi xanh điều hòa thời tiết và cũng là nơi cung cấp nhiều loài thủy hải sản quý giá của khu vực Tây Nam bộ, đồng thời được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ 

Những năm 1962 – 1971, Mỹ tàn phá rừng Sác bằng cách rải chất diệt cỏ, cộng với nạn phá rừng bừa bãi nên các cánh rừng bị hủy diệt hoàn toàn biến nhiều vùng thành các bãi hoang, trảng trống, cây lùm bụi. Các loại động vật rừng ngập mặn như chim, tôm, cá cũng biến mất.

Năm 1985, nhân dân Cần Giờ và bộ đội quyết tâm trồng lại rừng. Hàng chục ha rừng Sác hồi sinh. Có đến 60 loài thực vật xuất hiện trở lại, nhiều nhất là cây đước. Hàng chục loài chim nước bay về trú chân, trong đó có bồ nông, cò quắm, sếu, diệc, hồng hộc, le le.

Sau 30 năm khôi phục, rừng Sác giờ đây được gọi là Rừng Ngập mặn Cần Giờ đã phục hồi được trên 30.491ha rừng, khu đất hoang hóa trơ trọi năm xưa trở thành cánh rừng bạt ngàn xanh tốt, tạo nên cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển.

Rừng Ngập mặn Cần Giờ được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ở Việt Nam và trên thế giới. Các nhà khoa học lâm nghiệp khôi phục hệ sinh thái Rừng Ngập Mặn Cần Giờ trở về trạng thái tự nhiên đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2005.

Rừng Ngập mặn Cần Giờ có vị trí địa lý rất đặc biệt, với hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, Rừng Ngập Mặn vừa bị tác động của sông và biển.

Hàng năm, RNM nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều làm cho hệ động, thực vật nơi đây rất phong phú và đa dạng. Các loại cây trong rừng trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.

Ngoài ra rừng có nhiều loại cây, chủ yếu là bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi – bần trắng cùng xu ổi. Cây nước lợ có bần chua, ô rô, dừa lá, ráng. Cây nông nghiệp có lúa, khoai mỡ, các loại đậu, dừa, cây ăn quả.

CHUNG TAY BẢO TỒN RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ

Rừng Ngập Mặn Cần Giờ là một điểm du lịch sinh thái, giúp cho người dân địa phương có nguồn thu nhập đáng kể. Nơi đây còn là phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái đặc biệt này.

Hàng năm, đã có hàng trăm sinh viên của các trường đại học trong nước đến tham quan học tập, nghiên cứu làm đề tài tốt nghiệp và đón tiếp nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu về động thực vật.

Hiện nay, việc quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý như các công trình lấn biển làm bãi tắm và du lịch, tình trạng khai thác quá mức nguồn nguyên thiên nhiên đang là những nguy cơ đe dọa hệ sinh thái Rừng Ngập Mặn Cần Giờ.

Để giúp cộng đồng địa phương bảo vệ nguồn tài nguyên, giúp người dân có sinh kế bền vững, trước hết cần hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và quy hoạch chi tiết các dạng tài nguyên đất đai, sông rạch, rừng ngập mặn, động thực vật, khu du lịch, giao thông… Khoanh định không gian – diện tích những khu vực lõi, đệm và chuyển tiếp với mục bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trên đất liền, sông, biển. Huy động sự tham gia và đóng góp của cộng đồng dân cư và các bên liên quan vào công tác quy hoạch, quản lý và khai thác sử dụng các loại tài nguyên, trong đó đặc biệt các khu dịch vụ du lịch.

Thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu sinh kế cộng đồng cho cư dân quanh vùng đệm bằng việc khảo sát các đối tượng sống xung quanh; đào tạo kỹ năng làm việc cộng đồng, liên kết các trường dạy nghề đào tạo nghề du lịch và nấu ăn cùng với các công ty du lịch để triển khai dịch vụ du lịch sinh thái.

Bên cạnh dó, là tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, thiết lập các chốt bảo vệ ở nơi xung yếu và tất cả các tiểu khu, làm tốt công tác khuyến lâm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động qua trồng rừng.

PHAN HỒNG

Đọc thêm

lên đầu trang