TP.HCM: trước thách thức phát triển mới

04/05/2021 09:29

(43)


Ngày 19/4/2021 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Long An công bố kế hoạch xây dựng một khu siêu kinh tế rộng 32.000 héc ta. Khu kinh tế này gồm toàn bộ huyện Cần Giuộc và một phần huyện Cần Đước, dự kiến xây dựng trên nền tảng một số khu công nghiệp, công nghệ cao có sẵn như Long Hậu, Đông Nam Á, Tân Kim, Tân Tập, khu công nghiệp Nam Tân Tập, khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông… Các nhà quản lý, các chiến lược gia của TP.HCM nghĩ gì về động thái này?

Một khu công nghiệp ở TP.HCM

10 năm sau đã rất khác

Khu siêu kinh tế này gồm bảy khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp – cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái.

Đây sẽ là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam bộ, rất có thể lớn nhất cả nước. Quy mô dự án cũng tương đương một số khu kinh tế thế giới như Aqaba (Jordan, 37.500 héc ta) và các khu kinh tế lớn của Trung Quốc như Tô Châu (28.800 héc ta), Thiên Tân (46.000 héc ta), Bắc Kinh (22.500 héc ta) và Thanh Đảo (27.410 héc ta). Khu siêu kinh tế này nằm sát TP.HCM nên hưởng lợi từ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ sẵn có như sân bay, cảng nước sâu, đường bộ, tới đây là đường sắt.

Với vị trí chiến lược và quỹ đất dồi dào, hệ thống giao thông thuận tiện  rất dễ dàng kết nối các khu vực quan trọng như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vũng Tàu và Phnom Penh (Campuchia).

Thông tin về khu siêu kinh tế này gây chấn động không chỉ cho giới đầu tư quốc nội, quốc tế mà còn cho cả các nhà quản lý, các chiến lược gia của TP.HCM. Nhân đây nhắc lại chuyện cũ, cách nay hơn 10 năm, lãnh đạo TP.HCM đã từng đến Long An thương thảo thuê một vùng đất để làm bãi rác của TP.HCM, vì khi đó đất trống Long An còn nhiều, nền kinh tế chủ yếu là thuần nông, công nghiệp dường như chưa có gì.

Hơn 10 năm trước, vào ngày 20/5/2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 589/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch vùng TP.HCM với tổng diện tích 30.404 ki lô mét vuông và bán kính ảnh hưởng từ 150-200 ki lô mét. Phạm vi vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và bảy tỉnh xung quanh gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang và Đồng Nai. Theo quy hoạch vùng TP.HCM thì đến năm 2050 vùng này sẽ có dân số khoảng 28-30 triệu người, trong đó dân số đô thị 25-27 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%.

Trong quyết định này và các văn bản ban hành tiếp sau đó của Chính phủ và TP.HCM đều khẳng định rằng TP.HCM là hạt nhân trung tâm, các tỉnh thành xung quanh là các đơn vị phụ thuộc, là phần “cơi nới” và các thành phố của các tỉnh như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tân An là thành phố vệ tinh của TP.HCM, mọi chuyển động của TP.HCM đều có ảnh hưởng đến các tỉnh thành xung quanh kiểu như “TP.HCM trở lạnh thì tất cả đều sổ mũi”.

Điều này là đúng vào bối cảnh hơn 10 năm trước, khi ấy các nhà đầu tư quốc tế hầu hết đều dừng chân ở TP.HCM, bởi khi ấy TP.HCM được coi là điểm đến tốt nhất, với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cầu, đường, cảng, kho bãi, sân bay, giao thông liên lạc và hệ thống dịch vụ xã hội như bệnh viện, khách sạn, trung tâm thương mại đầy đủ, cùng với đó là nguồn nhân công dồi dào, trẻ khỏe với giá rẻ, quỹ đất thuê diện tích lớn giá thấp (chừng 2-5 đô la/mét vuông).

Nhưng tình hình hiện nay đã rất khác. Thực tế phát triển hơn 10 năm qua cho thấy, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành một cực tăng trưởng độc lập và có vai trò đối trọng với TP.HCM. Liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào khu vực này tăng nhanh và cao hơn TP.HCM, tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng nhanh hơn, số lượng các khu công nghiệp, các nhà đầu tư lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao nhiều hơn hẳn TP.HCM.

Trong khi đó, TP.HCM có dấu hiệu bão hòa và chậm lại. Một số lợi thế so sánh như giá thuê đất, lao động tay nghề cao, cơ sở dịch vụ chất lượng cao, cơ sở đào tạo nhân lực bị cạnh tranh mạnh và có xu hướng giảm đi; lực lượng lao động nhập cư vào các tỉnh miền Đông (không tính TP.HCM) cao hơn vào TP.HCM. Hơn nữa lợi thế khác mà TP.HCM có thể thấp hơn là khu vực này có thể kết nối trực tiếp với ba vùng có thế mạnh là dải đô thị biển miền Trung, vùng Tây Nguyên và Asean qua các cửa khẩu của Tây Ninh.

Từ năm 2000, khu vực phía Tây Bắc và Đông Bắc TP.HCM trở nên sôi động khi Chính phủ đã và sẽ đầu tư một loạt dự án trọng điểm, mang tầm quốc gia và quốc tế, trong đó phải kể đến như Sân bay Long Thành, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; cao tốc TP.HCM lên cửa khẩu Xa Mát và cửa khẩu Mộc Bài của Tây Ninh; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; cầu Cát Lái nối với vùng Nhơn Trạch (Đồng Nai),…

Trong khi đó TP.HCM nhiều lĩnh vực đã đến ngưỡng phát triển, nhất là đất sạch có vị trí tốt trở nên khan hiếm, các cơ hội phát triển của TP.HCM so với Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu đã giảm đi nhiều, các lợi thế cạnh tranh không còn nhiều nữa, cái thời mà các nhà đầu tư xin được vào TP.HCM thực sự đã qua.

TP.HCM buộc phải xem lại chiến lược phát triển

Có một thực tế không phủ nhận được là ba năm gần đây các doanh nghiệp lớn trong nước đã rời địa bàn TP.HCM để đến các khu vực lân cận ngày càng nhiều, trong số đó phải kể đến như Bitexco, Novaland, Nam Long, Phúc Khang, Hưng Thịnh,…Việc các đại gia “rũ áo” một phần do quỹ đất của TP.HCM đã cạn kiệt, phần khác nữa là do các thủ tục rắc rối cho nên có quá nhiều dự án bị ách tắc không triển khai được (61 dự án), nhiều dự án bị thu hồi (13 dự án) và nhiều dự án dân đã vào ở đến 10 năm rồi mà không cấp được sổ hồng – giấy chứng nhận quyền sở hữu (12 dự án với 30.000 căn hộ).

Trong bối cảnh như thế, TP.HCM buộc phải xem lại chiến lược phát triển. Không thể dựa vào lực lượng lao động rẻ, phát triển công nghiệp theo chiều rộng mà phải tập trung toàn lực phát triển dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao. Với năng lực của mình, TP.HCM hoàn toàn đủ khả năng trở thành trung tâm y tế chất lượng cao, thu hút khách trong và ngoài nước đến chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao thu hút sinh viên từ các nước trong khu vực đến học tập, và sinh viên các vùng miền đến học mà không cần phải đi ra nước ngoài.

TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ du lịch – nghỉ dưỡng chất lượng cao thu hút mỗi năm hàng chục triệu du khách quốc tế.

Phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, nếu sáng tạo được thì tốt nếu không thì cũng là nơi tham gia vào những công đoạn tạo ra hàng hóa chất lượng cao, lợi nhuận thu về trên mỗi sản phẩm cao hơn là may thuê quần áo, túi xách. Thêm vào nữa là phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các huyện ngoại thành kết hợp với du lịch sinh thái mà không nhất thiết phải chuyển hết đất nông nghiệp sang làm đất công nghiệp.

TP.HCM phải triệt để tận dụng thành quả của công nghiệp 4.0, sử dụng thành tựu của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ thông tin vào sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh mà các tỉnh thành xung quanh đang trỗi dậy, tận dụng lợi thế người đi sau, dư địa phát triển sản xuất còn rất lớn thì TP.HCM phải tìm ra hướng đi đột phá mới hơn, mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn.

Theo Kinh tế Sài Gòn

Đọc thêm

lên đầu trang