Thủ tướng thay đổi chính sách giá điện mặt trời
(26)
Theo quy định mới, các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện thay vì cơ chế bù trừ điện năng như trước đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11 ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, Quyết định sửa đổi quy định về giá điện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Theo quy định mới, các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.
Bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định như đối với dự án điện mặt trời nối lưới. Giá này chưa bao gồm thuế, phí liên quan.
Các năm tiếp theo, giá mua bán điện được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm của VNĐ so với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước.
Trước đó, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg quy định các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều.
Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định đối với dự án nối lưới.
Hằng năm, căn cứ vào tỷ giá trung tâm của VNĐ so với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước, Bộ Công Thương ban hành giá mua bán điện mặt trời đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu điện năm 2019 tăng hơn 10%, trong khi các nguồn điện đều gặp khó khăn thì điện mặt trời áp mái tại hộ gia đình là một trong giải pháp giảm nguy cơ thiếu điện.
Nếu Việt Nam có 1 triệu hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái với hệ thống điện 3kW sẽ thu về 3 triệu kW, tương đương 3.000 MW. Lượng điện này có thể bù đắp được nguy cơ thiếu điện trong bối cảnh nhiệt điện nhận được nhiều cảnh báo.
Bởi một nhà máy nhiệt điện than giả sử tạo ra công suất 1.000 MW sẽ có chi phí cố định vào khoảng 2 tỷ USD (số liệu GreenID), nhưng chưa tính đến các chi phí liên quan đến môi trường, giá nguyên liệu đầu vào thay đổi.
Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp lắp đặt, hệ thống điện lắp mái này có giá khoảng 70 triệu đồng/bộ. Với những hộ gia đình sử dụng trên 800kWh/tháng, mỗi tháng sẽ tiết kiệm được 1,2 triệu đồng, hoà vốn sau 5 năm, các tấm pin mặt trời có tuổi thọ là 25 năm.
TỔNG HỢP
MỚI ĐĂNG
- Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện môi trường
- Giải Báo chí Phát triển Xanh và Tọa đàm về Kinh tế tuần hoàn & Thị trường Tài chính Carbon
- Sắp diễn ra Triển lãm Quốc tế về Sản phẩm, Máy móc, Thiết bị & Công nghệ Thực phẩm & Đồ uống
- Đại hội Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2023-2028 thành công tốt đẹp
- Hơn 700 doanh nghiệp tham dự VINAMAC EXPO 2023
- CÁN BỘ, CHIẾN SĨ TRUNG ĐOÀN 251, VÙNG 2 HẢI QUÂN THAM GIA THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NGÀY THỨ BẢY ” XANH – SẠCH – ĐẸP”
- Hiệp hội nhựa Việt Nam đại hội nhiệm kỳ VII – Hướng đến sản xuất xanh
- Cửa hàng quần áo 0 đồng – Xu thế mới bảo vệ môi trường
- Đa dạng hóa nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững tại Home Credit
- Alena Energy hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng sạch 100% ngay trong năm 2024