Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Muốn sản xuất nông nghiệp nông dân phải có giấy phép
(188)
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp, Bộ NN-PTNT hướng tới việc dần dần đi theo mô hình nước ngoài: “nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép”.
Phải tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa người nông dân
* Trong văn kiện Đại hội XIII đã xác định rõ là chúng ta sẽ hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, bền vững và tuần hoàn. Vậy, ngành nông nghiệp sẽ phát triển theo mô hình nào để hướng tới mục tiêu này, thưa ông?
– Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: Hiện nay, quán tính của người nông dân trong việc lạm dụng yếu tố đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định là vẫn tồn tại.
Sắp tới, chúng tôi sẽ có chương trình để cân đo, đong đếm được những lợi ích khi chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc sinh học. Ta có chứng minh được với người sản xuất rằng, khi mình thay đổi từ một nền nông nghiệp lạm dụng đầu vào thành một nền nông nghiệp “thuận thiên” hay dựa trên tự nhiên thì trong thời gian đầu, năng suất có thể giảm xuống nhưng năng suất không đồng nghĩa với thu nhập. Khi chất lượng nông sản tăng lên, thương hiệu nâng lên thì giá bán cũng sẽ nâng lên.
Đó là sự đánh đổi ở giai đoạn ban đầu nhưng nếu chúng ta quyết tâm, cơ quan truyền thông kiên nhẫn, kiên trì với người nông dân để hóa giải được một thói quen, một tập quán lâu đời như văn kiện trình Đại hội XIII lần này, chúng ta sẽ chuyển đổi được nền nông nghiệp sang nông nghiệp sinh thái.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tạo thành chuỗi giá trị và thay đổi nhận thức chỉ hỗ trợ đầu vào cho sản lượng cao lên bằng việc kích hoạt đầu ra để tạo được đầu ra ổn định. Khi đầu ra được kích hoạt thông suốt thì đầu vào tự động điều chỉnh theo, co giãn theo thị trường và lúc đó chúng ta không chỉ trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản tươi ở tốp đầu thế giới mà còn xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp thực phẩm từ nông sản. Tôi cho đó mới là hình ảnh nông nghiệp mà chúng ta trong tương lai.
Còn nếu hỏi một thời điểm nào thì có thể chúng ta sẽ cùng nhau trả lời câu đó. Vì nó là cả một hệ sinh thái có sự tham gia của các viện, trường, chuyên gia nông nghiệp, các nhà quản lý, rất nhiều bộ, ngành khác nhau…
* Vậy thì người nông dân hiện đại có vai trò như thế nào trong những hướng đi mà ông vừa nêu?
– Cơ quan quản lý nhà nước dù là quy hoạch hay chiến lược thì cuối cùng người nông dân là người đầu tiên của tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh.
Vậy làm sao để người nông dân trở nên chuyên nghiệp, trở nên thông minh? Đó là những vấn đề bằng những quyết sách, đề án, kế hoạch cụ thể, để chúng ta chuyển đổi từ tư duy, nhận thức người nông dân trước. Vì nếu không thay đổi nhận thức, người ta vẫn theo tập quán, nhận thức, quán tính; vẫn đánh đổi bằng sự may rủi của mùa vụ như thời gian qua thì nền nông nghiệp vẫn bấp bênh.
Bộ NN-PTNT sẽ cùng Hội Nông dân và cơ quan liên quan dự kiến dần dần đi theo mô hình nước ngoài, đó là người nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép. Phải xem nông nghiệp là một nghề chứ không phải không biết làm gì hết, rồi đứa nào giỏi cho lên TP.HCM học, còn dốt quá thì cho đi làm nông.
Nền nông nghiệp mà để người dốt đi làm nông nghiệp thì làm sao phát triển được? Thành ra chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân. Tiến tới ngày nào đó, chúng ta giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi, chứ không phải không biết làm gì thì ra làm ruộng.
Có nhiều “đại bàng” nhưng cũng không được quên những con “chim sẻ”
* Văn kiện trình Đại hội XIII xác định đổi mới và mở rộng kinh tế tập thể. Điều này sẽ triển khai như thế nào trong ngành nông nghiệp, thưa ông?
– Tôi cho rằng, trong giai đoạn tới, chúng ta phải đưa kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, ở một vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tôi cũng hay nói xem đây như một “cứu cánh” để chúng ta vượt qua “lời nguyền” sản xuất manh mún nhỏ lẻ như thời gian vừa qua.
Tôi tin rằng, nếu cấp uỷ, chính quyền ở các địa phương là những nơi gần những người sản xuất nhất, gần dân nhất, thấy được sự bức xúc, bức thiết của hợp tác xã, của kinh tế hợp tác trong vấn đề liên kết, đầu tư hỗ trợ cho người nông dân, thì phong trào hợp tác xã của chúng ta trong thời gian tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững hơn, là đòn bẩy để chúng ta kết nối những hộ sản xuất nhỏ lại với nhau, kích hoạt chuỗi hợp tác của nông dân với nhau, tạo liên kết giữa người nông dân, giữa hợp tác xã, doanh nghiệp.
Như vậy, câu chuyện của chúng ta là hợp tác và liên kết. Muốn vậy phải xác định được, thị trường sẽ điều chỉnh lại sản xuất, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật… Đó cũng là những nội dung mà Văn kiện Đại hội XIII nêu ra.
* Trong thời gian qua, nhiều tập đoàn tư nhân lớn cũng lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông đánh giá thế nào về vai trò của họ đối với ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới?
– Một tín hiệu rất vui là các tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp và người ta muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp, không phải là với mục đích chỉ làm giàu cho doanh nghiệp mình mà tạo ra một cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam. Đó mới là giá trị cao nhất của việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Từ giá trị đó, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo ra được thế để đưa nông sản nước ta ra nước ngoài, cũng như chế biến nông sản ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ rằng, trong tự nhiên cũng vậy, sẽ có những con “đại bàng”, cũng sẽ có những con “chim sẻ”. Chúng ta muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con “chim sẻ” – đó là những hợp tác xã, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương.
Mặc dù giá trị có thể không cao nhưng chúng ta hợp lực của các “chim sẻ” lại thì sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa. Nhất là khi các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới.
Nếu chúng ta chuyển động tất cả những yếu tố tôi nói, đưa công nghệ về, đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ về, thì sẽ thu hút được trí thức trẻ về nơi các em, các cháu sinh ra. Và như vậy, đến một ngày, chúng ta sẽ không còn phải ca cẩm thanh niên cứ rời bỏ ruộng, bỏ quê, bỏ làng…
Theo Thanh Niên
MỚI ĐĂNG
- Diamond Event thực hiện thành công sự kiện với qui mô hơn 320 gian hàng tại Kiên Giang
- Hội nghị phổ biến chính sách giảm thiểu nhựa cho ngành hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, hàng không, đồ ăn nhanh và sản xuất bao bì
- Thói quen xanh những cách đơn giản để bảo vệ môi trường hàng ngày
- Gian Hàng Xanh ESG – điểm đến của sản phẩm xanh, du lịch xanh thân thiện môi trường
- ECO Solutions với chiến dịch “Cooking to Green” : Bữa trưa an toàn bổ dưỡng, gắn kết và thân thiện với môi trường
- Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024
- Alena Energy khởi động Dự án sản xuất thiết bị lưu trữ điện năng lượng xanh
- HANE phát động chương trình “Hành động Xanh” cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên và môi trường
- HANE trao tặng Vùng 2 Hải quân 100 ngàn cây thực hiện chương trình “Một triệu cây vì biển, đảo Tổ quốc, vì quê hương Việt Nam xanh”
- Giải bóng đá thiện nguyện hướng về miền Bắc thân yêu: “Một trái tim – Triệu yêu thương”