Ô nhiễm môi trường từ các hoạt động mê tín tại nơi thờ tự

14/02/2019 12:55

(32)


Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, cộng đồng mạng ngập tràn khoảnh khắc người người, nhà nhà du xuân hay đi lễ chùa cầu bình an. Bên cạnh hình ảnh đẹp, một số cảnh tượng xấu xí cũng xuất hiện tại chốn linh thiêng đền, chùa.

Một trong những hiện tượng gây phản cảm mà cộng đồng mạng lan truyền rộng rãi và gây bức xúc là cảnh tượng nhếch nhác ở khu vực tượng Phật Bà Quan Âm trên núi Tứ Tượng (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) đầy rác thải, chai nhựa, nhang, bọc nylon vào ngày mồng 1 Tết vừa qua.

TÍN NGƯỠNG HAY LÀ MÊ TÍN

Từ nhiều năm nay, người dân đi lễ Phật Bà Quan Âm ở đỉnh núi Tứ Tượng thường cắm nhang trên chai nước suối và uống nước trong chai để cầu mong mọi việc may mắn, trôi chảy.

Người hành hương chỉ việc đem chai nước suối đến, đứng trước Phật đài rồi thành tâm cầu nguyện, khi nào nén nhang tàn thì phép màu sẽ linh ứng vào chai nước. Đợi đến khi nhang tàn thì lấy nước uống. Lúc uống, phải xoay mặt về hướng Tây. Nước thánh này uống rất tốt, ngoài trị được bách bệnh nó còn đem đến may mắn, phúc lộc đầy nhà. Mọi người hay gọi đó là nước Cam Lồ.

Để thuyết phục về sự mầu nhiệm của nước Cam Lồ, mọi người truyền tai nhau về những câu chuyện của các nhân chứng sống như: Người bị ung thư sắp chết, nhờ uống nước Cam Lồ mà một tháng sau thì khỏe mạnh bình thường, gần 80 tuổi rồi mà da dẻ vẫn hồng hào; hay nhờ uống nước Cam Lồ mà thằng con thi đậu cùng lúc hai trường Đại học; đang ế bỗng dưng lấy được chồng,…

Những người đến lễ Phật phần lớn đều có nỗi niềm, nên khi nghe những lời mời chào mát tai và đánh trúng tâm lý như vậy đều rất muốn thử. Vì biết đâu mình cũng sẽ gặp may mắn.

Đặc biệt, nước suối phải mua ở trong  khu vực núi mới thiêng, nước mua ở nơi khác, dù vẫn còn y nguyên vẫn không linh nghiệm. Lý giải điều này, những tiểu thương cho biết, nước suối phải mua trước cả mấy tháng, giữ trong nhà để linh khí tụ họp rồi mới đem ra bán cho du khách. Có vậy mọi chuyện mới thành. Nếu ai có ước nguyện càng nhiều thì xin chai càng lớn.

Nhưng linh nghiệm cũng có đủ năm bảy đường, người thì bảo nên mua nước dưới chân dốc, rồi đi bộ mang lên trên đỉnh có như vậy mới thể hiện được lòng thành kính. Người thì bảo nên mua ở quán gần đỉnh núi nhất, bởi vì càng gần tượng Phật, ánh hào quang tỏa ra càng nhiều thì nước mới càng linh nghiệm.

ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM “NƯỚC CAM LỒ” THEO NHÀ PHẬT

Trong kinh Phổ Môn có câu “Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quan Âm Như Lai sái tâm nguyện” chỉ hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu.

Ý nghĩa của câu nguyện ấy là bình thanh tịnh đựng nước Cam Lồ, nhờ nhành dương liễu rưới khắp nơi làm cho tâm người được mát mẻ. Nước Cam Lồ biểu trưng cho lòng từ bi, nước này rưới đến đâu là chan rải tình thương đến đó, làm êm dịu mọi khổ đau của chúng sanh.

Sự tích là vậy, nhưng tại khu thánh tích Quan Âm Phật đài, nước Cam Lồ lại là những chai nước suối có dung tích 0,5 hay 1,5 lít, sau khi đem lên núi “khấn vái” thì sẽ trở thành nước “thánh”.

BÃI RÁC NGAY CHỐN LINH THIÊNG

Theo các sư thầy trong chùa, uống nước sau khi cầu nguyện lễ Phật để cầu may hay sờ tay vào tượng Phật để cầu xin sự gia hộ bình an là điều hiển nhiên, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc quá mê tín hay sự thiếu ý thức của một số người đi lễ khiến cho khu Thánh tích trở nên mất trang nghiêm. Không chỉ so sánh với cảnh thuần tĩnh cõi Phật, đối với mức đảm bảo vệ sinh môi trường cũng rất thấp.

Du khách khi vừa bước chân tới đường đi bộ dẫn lên đỉnh là một khung cảnh lộn xộn. Nhiều người vừa đi vừa vái và cắm nhang khắp nơi dọc lối đi.

Những du khách lần đầu đến đây không hiểu vì sao người ta làm vậy cũng bắt chước làm theo khiến dọc lối lên đỉnh tượng Phật ngập nhang. Khói nhang bay tỏa mịt mù.

Mặc dù nhà chùa đã bố trí một đỉnh đồng để du khách thắp nhang nhưng nhiều người vẫn cắm vào các chậu cây, dưới chân tượng Phật. Biển cấm trở nên vô tác dụng khi nhiều người vẫn cắm nhang xếp vòng quanh.

Bên cạnh đó, những chai nước suối cùng với nhang sau làm lễ xong, phần lớn người đi lễ không bỏ chai nước vào thùng rác mà vứt chúng nằm lăn lóc trên mặt đất khiến khu vực tượng đài như một bãi rác khổng lồ với chai nước suối, bao nylon và nhang nằm ngổn ngang.

Thiết nghĩ, chùa chiền là chốn linh thiêng, thanh tịnh cho mọi người tìm lại yên bình sau những vất vả ngược xuôi của cuộc sống. Bên cạnh đó, đi chùa vào các dịp lễ, tết còn là sự cầu nguyện bình an cho gia đạo, hạnh phúc và may mắn. Nhưng việc vô ý thức vứt rác lung tung, bừa bãi khiến cho nơi thờ tự vốn dĩ trang nghiêm, linh thiêng lại trở nên nhếch nhác, dơ bẩn và hỗn tạp thì việc bái lễ có thực sự hiệu quả.

 

 

Đọc thêm

lên đầu trang