Người đàn ông khuyết tật nhặt rác mỗi ngày

31/10/2019 09:57

(53)


Đã 10 năm nay, tại khu phố Cống Cô Nhỏ (thuộc tổ 21, ấp Nam Sơn, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang) người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh của ông Trần Văn Diêng khi bước chân khập khiễng mà vẫn tích cực nhặt từng mảnh rác để làm đẹp khu phố.

Khoảng 5 giờ 30 phút sáng, ông Diêng bắt đầu công việc dọn rác của mình. Bộ đồ nghề của ông mang theo là 1 cây chổi và 1 ki xúc rác. Cứ thế, ông đi từ đầu con đường này đến con đường khác mãi đến tận 7 giờ mới hoàn thành công việc.

Lý giải việc nhặt rác, ông Diêng cho biết: “Mặc dù trước mỗi nhà đều có thùng rác, thế nhưng vẫn có những người đi đường có thói quen vứt rác lung tung, hoặc khi gió làm bay những loại rác nhẹ ra bên ngoài hoặc khi chó mèo phóng uế, bươi thùng rác làm rác đổ tràn ra mặt đường. Tất cả nếu không được dọn dẹp kịp thời, xe rác đi ngang qua không thu dọn hết thì chính người dân phải chịu đựng cảnh nhếch nhác, không khí bốc mùi hôi thối sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Nhìn thấy vậy, tôi “bứt rứt” trong người nên luôn muốn làm sạch”.

Công việc dọn rác hàng ngày của ông Diêng

“Ban đầu có người thấy tôi nhặt rác cho rằng “rỗi hơi”, nhà mình không lo cứ thích đi lo việc thiên hạ. Có người còn gay gắt không cho đi nhờ qua ngõ nhà để dọn rác trong hẻm. Dù vậy, tôi không lấy làm buồn phiền, mà thay vào đó là sự nhẫn nhịn để toàn tâm vì lợi ích chung. May mắn thay, cũng có nhiều người thấy được việc làm ý nghĩa của tôi nên dần dần thay đổi nhận thức bằng cách tự dọn rác sạch sẽ trước nhà, phụ tôi mang rác ra điểm tập kết”, ông Diêng chia sẻ.

Điều đáng trân quý ở ông Diêng là đã ở cái tuổi 64 và dù là người khuyết tật, bị mất 1 bàn chân trái từ thời còn trẻ, phải lắp chân giả mới có thể đi lại được mà ông vẫn toàn tâm toàn ý cho công tác xã hội.

Ông Diêng chia sẻ: “Nhặt rác từ khu phố nhà mình xong, thấy đường phố các khu dân cư, các bãi đất trống khác cũng đầy rác nên cứ phải đi nhặt cho bằng hết. Thế nhưng, thói quen vứt rác bữa bãi của một bộ phận người dân đâu dễ thay đổi, sạch được vài ba hôm mình phải trở lại dọn như cũ”. Không chỉ nhặt rác, ông Diêng còn làm luôn việc giặm vá đường. Ngay khi có người thuê ông đem đổ bỏ xà bần là ông nghĩ ngay đến việc mang đi rải lên những con đường đất, đường bị hư hỏng chưa được sửa chữa. Có khi ông lại chủ động đi xin nhựa, hồ để lắp tạm các “ổ gà”, các nền đường bị bong tróc.

Khi được hỏi về cơ duyên nào đưa ông đến lối sống vì cộng đồng, ông Diêng bộc bạch: “Hồi còn trẻ, vợ chồng tôi bôn ba mua bán mới có thể nuôi được 4 đứa con. Có lẽ do chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó, túng thiếu, đau bệnh, người mất không có hòm chôn cất nên tôi đã phát tâm thiện nguyện giúp mọi người cả công sức và tiền bạc. Tuổi đã cao nên tôi chỉ có thể làm được việc lặt vặt như: dọn vườn, dọn nghĩa trang, công quả cho đình, chùa, khi thì nhặt rác, vá đường. Đó là cách làm nhỏ nhưng hữu ích”.

Phát huy vai trò là Tổ trưởng Tổ dân phố 21, ông Trần Văn Diêng đã nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu. Trong mọi việc khó khăn đều có mặt ông, đó là các chiến dịch dọn rác làm cho môi trường đẹp hơn, tuyên truyền người dân phòng, chống dịch bệnh, hòa giải mâu thuẫn xóm giềng, khuyên thanh niên hạn chế uống rượu, bia nhằm xây dựng lối sống lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn khu phố…

Theo AGO

Đọc thêm

lên đầu trang